Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ 8/2019
Tháng 8/2019, một số chính sách quan trọng về giao thông, du lịch và y tế sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Thêm 3 trường hợp được thanh toán trực tiếp phí khám, chữa bệnh BHYT
Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó sẽ có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh.
Cụ thể:
- Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
- Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT.
- Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Thông tư 09/2019/TT-BYT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019.
Cán bộ xã nghỉ việc được tăng 7,19% mức trợ cấp hàng tháng
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 09/2019/TT-BNV hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Cụ thể, tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc.
Công thức điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 x 1,0719.
Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng của cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc (đã làm tròn số theo công thức tính nêu trên) như sau:
- Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã: 1.974.000 đồng/tháng x 1,0719 = 2.116.000 đồng/tháng.
- Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.910.000 đồng/tháng x 1,0719 = 2.048.000 đồng/tháng.
- Đối với các chức danh còn lại: 1.768.000 đồng/tháng x 1,0719 = 1.896.000 đồng/tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2019 và thay thế Thông tư số 08/2018/TT-BNV.
Người bị kết án phạt tù cứu tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên có thể được đề nghị đặc xá
Nghị định số 52/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật đặc xá, trong đó nêu rõ những điều kiện mà người bị kết án phạt tù được hưởng đặc xá.
Nội dung đáng chú ý là người bị kết án phạt tù cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn sẽ được đề nghị đặc xá.
Ngoài ra, một số trường hợp lập công lớn khác cũng được đề nghị đặc xá như đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm.
Có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.
Người đã có quyết định thi hành án phạt tù lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019 và thay thế Nghị định số 76/2008/NĐ-CP.
Hướng dẫn kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2019/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán nhằm hướng dẫn hoạt động kinh doanh các sản phẩm xổ số theo phương thức này.
Thông tư nêu rõ, sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán gồm các nhóm sản phẩm: Xổ số tự chọn số theo ma trận; xổ số tự chọn số theo dãy số; xổ số tự chọn số quay số nhanh và sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán khác theo quyết định của Bộ Tài chính.
Sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán được xây dựng theo nguyên tắc như phương thức tham gia dự thưởng phải bảo đảm rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; phù hợp với nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người tham gia dự thưởng; phương thức trả thưởng và tỷ lệ trả thưởng kế hoạch phù hợp với từng sản phẩm cụ thể và cơ cấu giải thưởng theo quy định tại Thông tư này.
Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách chế độ về phát hành vé xổ số tự chọn số điện toán và hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán của công ty xổ số điện toán tại địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019 thay thế Thông tư số 136/2013/TT-BTC.
Phạt nặng vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định, cá nhân có hành vi nài ép khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.
Cùng nhóm với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh này, một số hành vi khác cũng có thể bị xử phạt như:
- Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch.
- Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh có hành vi không niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Bán hàng không thông tin rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa hay bán không đúng giá niêm yết sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2019.
Quy định về đăng ký xe máy chuyên dùng
Thông tư số 22/2019/TT-BGTVT quy định về cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số đối với xe máy chuyên dùng, gồm 9 chương 24 điều.
Thông tư này áp dụng đối với, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng; không áp dụng đối với việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Đối với xe máy chuyên dùng chưa đăng ký, khi di chuyển trên đường bộ phải được đăng ký tạm thời và giấy này có thời hạn 20 ngày kể từ ngày cấp.
Chủ sở hữu phải nộp một bộ hồ sơ gồm:
- Tờ khai cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời
- Giấy xác nhận quyền sở hữu xe máy chuyên dùng (bản sao)
- Giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng (bản sao) tới Sở Giao thông Vận tải nơi chủ sở hữu đăng ký thường trú
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8/2019 và thay thế Thông tư số 20/2010/TT-BGTVT và Thông tư số 59/2011/TT-BGTVT.
Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị trong y tế
Bộ Y tế đã có Thông tư 08/2019/TT-BYT về hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế.
Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế cho nhóm chuyên dùng đặc thù (bao gồm 26 chủng loại) và nhóm trang thiết bị y tế chuyên dùng khác.
Về thẩm quyền ban hành, phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng, Thông tư quy định thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị.
Thông tư 08/2019/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019.
Tặng giải thưởng khoa học công nghệ để thu lợi bất chính bị phạt tới 30 triệu đồng
Theo Nghị định 51/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về đặt và tặng giải thưởng khoa học và công nghệ, cụ thể:
- Đặt, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ để thu lợi bất hợp pháp
- Đặt giải thưởng khoa học và công nghệ cho các công trình nghiên cứu có nội dung pháp luật cấm
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc hủy bỏ kết quả công nhận giải thưởng và cải chính thông tin sai sự thật.
Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019 và thay thế Nghị định số 64/2013/NĐ-CP và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao
Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao.
Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong đó, phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao, hình thức phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 1 đến 3 tháng.
Đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 3 đến 6 tháng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao nêu trên.
Ngoài ra, người nào có hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng và phải xin lỗi công khai đối với hành vi của mình.
Đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng.
Nghị định 46/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019.
Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng
Theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng.
Mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: Diện thoát ly là 1,815 triệu đồng, diện không thoát ly 3,081 triệu đồng.
Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của một liệt sĩ là 1,624 triệu đồng, trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 3,248 triệu đồng và trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 4,872 triệu đồng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) hưởng mức phụ cấp là 1,361 triệu đồng.
Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp là 1,624 triệu đồng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1,361 triệu đồng.
Trường hợp bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 100%, mức trợ cấp từ 1,695 triệu đồng đến 4,137 triệu đồng. Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có bệnh tật đặc biệt nặng hưởng phụ cấp 1,624 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019 và thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP.
Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nghị định quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn như sau:
- Chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định pháp luật
- Không trực tiếp, gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc mà mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi mình quản lý.
- Nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; nếu không từ chối được phải giao lại quà cho bộ phận quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Điểm đáng lưu ý, nghị định đã nhấn mạnh đến việc cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
Quy định mới về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp.
- Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.
- Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.
- Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với mức như sau:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm
- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 5 triệu đồng/năm
- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm
Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2019 và thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.