Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022
Từ tháng 7/2022, một số chính sách mới về thương mại, lao động - tiền lương,... bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm bình quân 6% so với quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Đây chính là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.
Như vậy, từ ngày 01/7/2022, người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới như sau:
Chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử
Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này (cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022) đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử.
Trước ngày 1/7, chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).
Từ 1/7, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán…
Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên thì từ ngày 1/7, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Thực tế, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành trên cả nước từ tháng 4/2022 nhưng do thời gian áp dụng chưa lâu nên trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc.
Cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip kể từ 1/7/2022
Nhằm triển khai rộng rãi và cấp đồng loạt hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới, Bộ Công an sẽ bắt đầu thực hiện cấp hộ chiếu mẫu mới kể từ ngày 1/7/2022.
Hiện tại cho đến trước ngày 1/7/2022, Bộ sẽ tạm dừng việc cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu cũ, trừ các trường hợp cấp bách như đi chữa bệnh, công tác, đã mua vé máy bay,…
So với hộ chiếu mẫu cũ thì mẫu mới có thêm nhiều cải tiến, thiết kế cũng công phu hơn.
Cụ thể, trên mỗi trang của hộ chiếu mới sẽ là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn,…
Đặc biệt, việc lựa chọn gắn thêm chip điện tử vào hộ chiếu mới còn giúp đáp ứng nhu cầu số hóa, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị làm giả hộ chiếu.
Theo thông tin ban đầu của Bộ Công an, chip này sẽ lưu các thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Ngoài ra, nó có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân.
Cập nhật chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử
Từ ngày 16/7, Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, C/O mẫu D điện tử (mẫu mới) được ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT.
Còn C/O mẫu D theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT (mẫu cũ) được cấp đến hết ngày 31/10/2022 và được cơ quan hải quan chấp nhận trong thời hạn quy định tại Điều 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT.
Như vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến hết ngày 31/10/2022, cơ quan hải quan chấp nhận đồng thời C/O mẫu D mẫu cũ và C/O mẫu D mới.
Từ ngày 01/11/2022, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận C/O mẫu D (mẫu mới).
Ngoài ra, Thông tư 10/2022/TT-BCT cũng hướng dẫn cụ thể về chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tại Điều 12 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT) sau thời gian thực hiện thí điểm theo Thông tư 22/2016/TT-BCT.
Quy định về xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái
Đây là nội dung tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018.
Cụ thể, Chính phủ khuyến khích đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái: Đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp; Dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề; Dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện.
Được cấp có thẩm quyền quy định loại hình KCN sinh thái trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để làm căn cứ kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường
Nghị định 33/2022/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 với một số nội dung nổi bật sau đây:
Bổ sung người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường. Đó là người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra được giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường. (Nội dung này bổ sung để phù hợp với quy định tại Pháp lệnh Quản lý thị trường).
Nghị định 33/2022/NĐ-CP không quy định cụ thể các ngạch công chức quản lý thị trường. Thay vào đó, giao Bộ Công Thương quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với ngạch công chức Quản lý thị trường sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
Thông báo phát hành tem điện tử rượu, thuốc lá
Từ ngày 1/7/2022, Quyết định 568/QĐ-TCT về Quy trình Quản lý tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước, có hiệu lực thi hành.
Trong đó, hướng dẫn thông báo phát hành tem điện tử rượu, thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, Vụ Tài vụ - quản trị (Tổng cục Thuế) thực hiện nhập hợp đồng in TĐT vào Hệ thống Quản lý tem điện tử. Hệ thống hỗ trợ lập và in Thông báo phát hành TĐT mẫu 01/TB/TEM ban hành kèm theo Phụ lục 3 Thông tư 23/2021/TT-BTC ngày 30/03/2021. Trình Phụ trách Bộ phận xem xét chấp nhận/không chấp nhận mẫu 01/TB/TEM. Phụ trách Bộ phận trình Thủ trưởng đơn vị xem xét chấp nhận/không chấp nhận 01/TB/TEM. Căn cứ kết quả phê duyệt chấp nhận mẫu 01/TB/TEM, công chức được phân công đưa mẫu 01/TB/TEM lên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế ngay trong ngày. Công khai các thông tin Thông báo phát hành TĐT lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế ngay trong ngày.
Bộ phận Tuyên truyền - Hỗ trợ của Cục Thuế, Chi cục Thuế thực hiện niêm yết, công khai Thông báo phát hành tem điện tử tại nơi bán tem điện tử.
Quy định về kỳ kế toán thuế nội địa
Ngày 14/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa. Thông tư 111/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Theo đó, Kỳ kế toán thuế được xác định theo năm dương lịch, gọi là năm kế toán. Kỳ kế toán thuế được tính từ đầu ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
Kỳ kế toán thuế năm đầu tiên đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập được xác định từ đầu ngày quyết định thành lập mới, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán thuế có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
Kỳ kế toán thuế cuối cùng của đơn vị kế toán thuế khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tính từ đầu ngày 01/01 năm dương lịch đến hết ngày trước ngày quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán thuế có hiệu lực.
Thời gian của kỳ kế toán thuế năm đầu tiên, năm cuối cùng thực hiện theo hướng dẫn của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022.
Nghị định 20/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) đối với bên thứ ba.
Cụ thể, về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba.
Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba tương tự như chi phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường và phù hợp với đối tượng phải mua bảo hiểm là nhà thầu thi công xây dựng công trình. Do vậy, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 3 như sau: Đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba: Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Nghị định bổ sung quy định về thời hạn bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Nghị định cũng bổ sung điểm d khoản 1 Điều 6 về phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Nghị định 20/2022/NĐ-CP bổ sung khoản 4 Điều 10 về số tiền bảo hiểm tối thiểu (BHTT) đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Theo đó, số tiền BHTT đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
Số tiền BHTT đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng: là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên: là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Các hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, HĐBH trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã giao kết trước ngày 1/7/2022: Được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết HĐBH; Trường hợp sửa đổi, bổ sung HĐBH có nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định về mức thu của một số khoản phí, lệ phí áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.
Thông tư này đã tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đồng thời gia hạn thời gian được giảm mức thu của 34 khoản phí khác, nâng tổng số khoản phí, lệ phí được giảm từ 34 lên 37.
Điển hình có thể kể đến các khoản sau: Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, lệ phí cấp hộ chiếu, phí sử dụng đường bộ, phí cấp giấy đăng kiểm,…
Các khoản lệ phí này được giảm từ 10 - 50% so với quy trước đó, áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì từ ngày 1/7/2022, 37 khoản phí, lệ phí này sẽ trở lại mức thu theo quy định trước đó.
Thời gian thực hiện mỗi dự án mô hình giảm nghèo tối đa 3 năm
Ngày 25/5/2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/7/2022.
Theo đó, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; phù hợp với lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng, viền; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật…Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm.
Đối với hoạt động hỗ trợ người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp khi tuyển chọn tại địa phương thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng với cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan
Cũng trong tháng 7, cụ thể là ngày 18/7/2022, Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức được áp dụng.
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan đã có sự thay đổi. Thông tư 29 đã không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất các vị trí.
Từ ngày 18/7/2022, công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần đảm bảo có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).
Đến ngày 1/7/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.
Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2022 được xác định như sau: Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức thấp đóng 0,3%; Doanh nghiệp còn lại đóng 0,5%.