Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2025
Nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 4/2025 như thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, phân bổ vốn đầu tư công, quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững...

Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp và nhận chuyển giao quyền sử dụng đất để triển khai dự án cần được HĐND cấp tỉnh phê duyệt. Dự án thí điểm phải được thực hiện trên những khu đất đạt yêu cầu theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được duyệt.
Trong trường hợp đất có mục đích quốc phòng, an ninh đã được quy hoạch chuyển đổi, doanh nghiệp phải bổ sung văn bản chấp thuận từ Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an trước khi triển khai dự án.
Quy định phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026–2030
Nghị quyết 70/2025 quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức dành cho việc phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 2026–2030, có hiệu lực từ đầu tháng 4/2025.
Việc phân bổ vốn cần đảm bảo tính tập trung, hiệu quả, không dàn trải, ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia, các hạng mục hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, năng lượng và an ninh nguồn nước, đồng thời tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch.
Thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn bao gồm: Các dự án đầu tư công khẩn cấp; Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm quốc gia; Việc hoàn trả vốn ứng trước và giải quyết các khoản nợ xây dựng; Các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; Các chương trình sử dụng vốn ODA và vốn vay quốc tế; Các dự án đối tác công tư theo quy định.
Nghị quyết cũng chỉ ra việc phân chia nguồn vốn giữa ngân sách trung ương, địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài, với sự ưu tiên dành cho các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Quy định về quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Theo Thông tư 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 20/4/2025, các hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đã được ban hành nhằm thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.
Thông tư này quy định các khoản chi cần thiết để phát triển hệ sinh thái kinh doanh bền vững, bao gồm việc xây dựng tài liệu, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, cung cấp chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, cũng như xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước
Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Đây là bước hoàn thiện cơ chế trả lương theo hướng gắn với năng suất, hiệu quả kinh doanh và đặc thù ngành nghề.
Theo đó, việc chi trả lương, thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, phản ánh đúng mức độ đóng góp của người lao động và ban điều hành. Quỹ tiền lương được xác định theo 2 phương pháp: Dựa trên mức lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định, với điều kiện doanh nghiệp đã hoạt động đủ thời gian tối thiểu. Mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn phương pháp phù hợp, thậm chí có thể áp dụng riêng cho từng lĩnh vực hoạt động nếu đủ điều kiện tách bạch các chỉ tiêu.
Đáng chú ý, mức lương của tổng giám đốc hoặc giám đốc (trừ trường hợp thuê ngoài) không được vượt quá 10 lần mức lương bình quân của người lao động. Quy chế trả lương phải được tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động, đối thoại tại nơi làm việc và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức lương cơ bản của thành viên Hội đồng thành viên và Kiểm soát viên chuyên trách theo từng nhóm, căn cứ vào kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm. Đây là cơ sở để đảm bảo sự công bằng, khuyến khích đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn.