Những chủ đề gây tranh cãi ở Met Gala
Sự kiện lớn nhất của làng thời trang trở lại vào tháng 5 năm nay.
Sự kiện thời trang danh giá nhất hành tinh Met Gala sẽ trở lại tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Mỹ vào tháng 5 tới.
Hàng năm, sự kiện hào nhoáng - nơi cung cấp cho Viện Trang phục nguồn kinh phí chính - chào đón thảm đỏ với đầy đủ các diễn viên hạng A, ca sĩ, nhà thiết kế và người mẫu. Tại Met Gala 2022, Regina King, Blake Lively, Ryan Reynolds và Lin-Manuel Miranda sẽ dẫn chương trình với tư cách là đồng chủ tọa chính thức của buổi tối. Nhà thiết kế Tom Ford, doanh nhân Adam Mosseri và Anna Wintour sẽ tiếp tục vai trò đồng chủ tọa danh dự của sự kiện.
Chủ đề của sự kiện hàng năm luôn được đặt để phản ánh triển lãm bom tấn hàng năm của bảo tàng. Năm nay, Met Gala được tổ chức với chủ đề "In America: An Anthology of Fashion", dựa trên phần hai của cuộc triển lãm về lịch sử thời trang Mỹ. Người tham dự được yêu cầu tôn vinh "những anh hùng vô danh và không danh tiếng của ngành thiết kế thời trang Mỹ".
Người phụ trách chính của Viện Trang phục Andrew Bolton chia sẻ rằng cuộc triển lãm sắp tới sẽ đi sâu vào "xương sống" của phong cách Mỹ.
"Một số cái tên sẽ rất quen thuộc với sinh viên ngành thời trang như Charles James, Halston, và Oscar de la Renta, nhưng rất nhiều cái tên khác thực sự đã bị lãng quên, bị bỏ qua hoặc được đưa vào phần chú thích của lịch sử thời trang", Andrew Bolton nói. Vì vậy, một trong những mục đích chính của triển lãm là làm nổi bật tài năng cũng như sự đóng góp của các cá nhân này, và nhiều người trong số họ là phụ nữ.
Trong quá khứ, sự kiện hào nhoáng này từng chứng kiến những cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh việc lựa chọn chủ đề và cách giải thích về trang phục của các nghệ sĩ hạng A.
The Independent đã điểm qua một số chủ đề tranh cãi nhất của sự kiện thời trang này.
Punk: Chaos to Couture, năm 2013
Hai ngày sau Met Gala và buổi khai mạc triển lãm "Punk: Chaos to Couture", mọi người vẫn xôn xao về cuộc diễu hành trên thảm đỏ vì những vẻ ngoài lạ thường của dàn sao. Theo cây viết của Los Angeles Times, có nhiều điều trớ trêu đối với toàn bộ sự việc.
Buổi tối độc nhất của thế giới thời trang với những người nổi tiếng có quyền trên hành tinh được tập hợp dưới danh nghĩa punk, một phong trào phản thời trang, chống lại sự thành lập của các anh hùng thuộc tầng lớp lao động.
Andrew Bolton giải thích rằng punk đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thời trang. Mặc dù nền dân chủ của punk đối lập với chế độ chuyên quyền của thời trang, các nhà thiết kế vẫn tiếp tục sử dụng vốn từ vựng hình ảnh của punk để nắm bắt sự nổi loạn của tuổi trẻ và tính mạnh bạo của nó.
"Thay vì xem punk như một thái độ, triển lãm nhìn nó là tính thẩm mỹ", ông viết.
Chủ đề của Met Gala 2013 được thiết kế để xem xét tác động của punk đối với thời trang cao cấp kể từ khi ra đời vào đầu những năm 1970. "Punk: Chaos to Couture" đã chứng kiến các ngôi sao bước ra thảm đỏ với vẻ ngoài thời trang cao cấp, sắc sảo nhất của họ.
Khai thác các biểu tượng hình ảnh của punk, khách mời được khuyến khích diện trang phục bỏ qua ranh giới của những gì ngành thời trang cho là "thịnh hành".
Ca sĩ Miley Cyrus đã thể hiện một trong những bộ trang phục nổi bật nhất. Cô mặc chiếc váy lưới của Marc Jacobs kết hợp mái tóc vuốt nhọn. Trong khi đó, Madonna ghi lại sự hỗn loạn của phong trào bằng chiếc váy blazer Ricardo Tisci tùy chỉnh, phối cùng quần lưới, găng tay da đen.
Những vẻ ngoài đáng chú ý khác bao gồm mũ mohawk của diễn viên Sarah Jessica Park, váy của siêu mẫu Lily Cole làm từ cao su hoang dã bền vững của vùng Amazonian, áo choàng Givenchy của Beyoncé với thắt lưng nạm đinh, áo nịt ngực bằng da đầy ấn tượng.
Phát biểu vào thời điểm đó về lý do punk lại là chủ đề táo bạo cho Met Gala, nhà thiết kế Tommy Hilfiger cho biết thể loại này có "văn hóa độc đáo và phong cách riêng biệt" được nhiều người trong ngành thời trang yêu thích.
"Âm nhạc của tất cả thể loại luôn là yếu tố ảnh hưởng trung tâm trong các thiết kế của tôi", ông nói. "Tôi có xu hướng hướng nhiều hơn về nhạc rock cổ điển của Mỹ, nhưng tôi nghe và yêu thích các album punk rock của The Ramones và Blondie".
China: Through the Looking Glass, năm 2015
Năm 2015, Met Gala đã chọn tôn vinh ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thời trang phương Tây. Triển lãm là nỗ lực chung giữa người đứng đầu Bộ phận Nghệ thuật Châu Á của bảo tàng và Viện Trang phục, trưng bày những bộ trang phục của Chanel, Alexander McQueen và Christian Dior Haute Couture.
Tuy nhiên, thông báo nổi tiếng đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều với nhiều cáo buộc sự kiện chiếm đoạt văn hóa.
Trên thảm đỏ, những người nổi tiếng diện trang phục lấy cảm hứng từ phương Đông, phù hợp với văn hóa châu Á. Song nhiều người đặt vấn đề rằng hầu như không có khách nào chọn mặc trang phục của các nhà thiết kế Trung Quốc.
"Những điều này hoàn toàn sai lệch so với văn hóa Trung Quốc. Những ngôi sao này chỉ đơn giản là mặc những bộ đồ rùng rợn và biến chúng thành phương Đông", "người nước ngoài với phong cách Trung Quốc không liên quan lắm phải không"... là những phản hồi của cộng đồng mạng.
Người nổi tiếng duy nhất được nhìn thấy mặc một chiếc váy do một nhà thiết kế Trung Quốc tạo ra là ca sĩ Rihanna. Cô đã diện áo choàng dài bằng vàng, mang tính biểu tượng do Guo Pei tạo ra.
Đáp lại tranh cãi, Andrew Bolton thừa nhận: "Điều tôi muốn thể hiện là Trung Quốc đã khá đồng lõa với những hình ảnh mà văn hóa phương Tây đã hình thành. Có một sự phức tạp đằng sau đó, và điều đó thật thú vị".
Bất chấp những tranh cãi, The New York Times đưa tin rằng chủ đề "China: Through the Looking Glass" đã trở thành triển lãm được ghé thăm nhiều thứ năm trong lịch sử.
Heavenly Bodies: Fashion & The Catholic Imagination, 2018
Chủ đề thần thánh 2018 được cho là gây tranh cãi nhất của Met Gala. Với tựa đề "Những thân xác thần thánh: Thời trang & trí tưởng tượng Công giáo", chủ đề này đã khiến một số người lắc đầu vì mối liên hệ với tôn giáo của nó.
Andrew Bolton cho biết quyết định kiểm tra trang phục Công giáo được đưa ra sau khi ông khám phá mối quan hệ giữa tôn giáo và thời trang trong 5 năm. Ban đầu, ông có ý định xem xét Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Do Thái giáo cũng như Công giáo. Song bề rộng này là quá nhiều cho một chương trình.
Trong đêm sự kiện, các khách mời xuất hiện trong muôn màu muôn vẻ, từ những cây thánh giá nạm đá quý đến những chiếc áo choàng.
Đáng chú ý, Rihanna mặc khăn choàng cổ và áo choàng lấy cảm hứng từ sự sang trọng của Giáo hoàng. Katy Perry lại xuất hiện trong đôi cánh thiên thần.
Thậm chí, Thành Vatican ủng hộ cuộc triển lãm, cho mượn hơn 40 món đồ từ nhà thờ Sistine Chapel, bao gồm áo choàng của giáo hoàng sang trọng, nhẫn quý và vương miện từ thế kỷ 18 đến 21. Song vẫn có những người không đồng tình với chủ đề này.
"Tôn giáo của tôi không phải trang phục Met Gala của bạn", người dùng mạng xã hội cho biết. Một số khác đã "cáo buộc" khách mời của sự kiện đã chiếm đoạt văn hóa.
Viết cho Daily Mail, nhà báo Piers Morgan đã cân nhắc về chủ đề, cho thấy Met Gala đã "vượt qua một ranh giới và một cách công khai, thiếu tôn trọng một cách trơ trẽn".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-chu-de-gay-tranh-cai-o-met-gala-post1303501.html