Những chú mèo đặc sắc trong văn chương Việt Nam
Dáng vẻ nhanh nhẹn, cùng tính cách hiếu động, thích nghịch ngợm của những chú mèo đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Mèo là loài vật nuôi quen thuộc. Ở vùng nông thôn, để ngăn chặn chuột phá hoại mùa màng, cắn phá đồ dùng trong nhà, gia đình nào cũng nuôi một vài chú mèo. Hình ảnh con mèo mướp ngồi liếm lông bên bếp tro, hay vài chú mèo con tinh nghịch vờn nhau trong nắng sớm đã quá thân quen với nhiều nếp nhà của người Việt.
Sự tinh ranh, nhanh nhẹn, nhưng đôi lúc có phần lạnh lùng của những chú mèo đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Đầu xuân Quý Mão, hãy cùng điểm qua một số tác phẩm nổi tiếng viết về con mèo nhé!
Tô Hoài với truyện ngắn "O chuột"
Tô Hoài được ví như người bạn của tuổi thơ. Độc giả nhỏ tuổi ở nhiều thế hệ yêu mến ông qua tác phẩm đồng thoại nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký. Ngoài câu chuyện hấp dẫn về hành trình trưởng thành của chàng Dế Mèn ngạo mạn, Tô Hoài còn có nhiều tác phẩm đồng thoại đặc sắc khác miêu tả đời sống của các loài vật, trong đó phải kể đến truyện ngắn O chuột.
Nhan đề O chuột của tác phẩm này có thể khiến nhiều độc giả nhầm lẫn. Từ “o” không dùng để chỉ người chị, hay em gái của bố, hoặc để gọi người phụ nữ trẻ tuổi như một số vùng ở miền Trung và miền Nam vẫn dùng. Từ “o” ở đây là một động từ, có nghĩa là “rình mò”. Nói cách khác, “o chuột” là rình chuột.
Nhân vật chính của truyện ngắn này là một chú mèo mướp, có tài bắt chuột rất khéo. Tác giả đã quan sát tỉ mỉ và miêu tả về loài mèo bằng một bút pháp sinh động và tinh tế. Trong O chuột, Tô Hoài đã viết: “Mèo lừ đừ, nghiêm nghị tựa như một ông thầy giáo nhà dòng, trên mình mặc bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả, lúc nào cũng ra vẻ nghĩ ngợi, như sắp mưu toan việc gì ghê gớm”.
Ban ngày, mèo lúc nào cũng có vẻ gà gật, xem chừng rất mệt mỏi, nhưng chỉ cần lũ chuột có chút động tĩnh, mèo mướp liền lao tới rất nhanh. Trong văn của Tô Hoài, chú mèo mướp quen thuộc hiện lên như một trương tuần mẫn cán. Ban đêm, mèo mướp không bỏ qua bất cứ tiếng động nào, dù là lớn hay nhỏ.
Nguyễn Đình Thi với "Cái Tết của mèo con"
Cái Tết của Mèo con là câu chuyện thú vị và cảm động về cái Tết đầu tiên của mèo Miu ở ngôi nhà mới sau chiến công đánh bại chuột cống gian ác. Từ một chú mèo con nhút nhát, run rẩy đầy sợ hãi khi nhìn thấy chuột cống, Miu đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để đánh thắng chuột cống gian manh. Chú mèo con đã hưởng một cái Tết trọn vẹn với niềm vui trưởng thành.
Không gian quen thuộc của làng quê miền Bắc với nhà ngói, sân gạch, bờ ao, giàn mướp nở hoa vàng mỗi độ hè sang, được tác giả miêu tả rất sinh động trong tác phẩm.
Ít người biết rằng, Cái Tết của Mèo con được lấy cảm hứng từ chính một cái Tết đoàn viên của Nguyễn Đình Thi. Do chiến tranh khốc liệt và điều kiện công tác bận bịu nên Nguyễn Đình Thi phải sống xa các con. Nhà văn sống ở Hà Nội để tiện công tác, còn hai con của ông là Đình Chính và Thùy Như lại sống ở Hải Phòng cùng bà nội.
Đầu năm 1961, ông mới có cơ hội hiếm hoi thu xếp về Hải Phòng ăn Tết cùng mẹ và hai con. Bấy giờ, gia đình Nguyễn Đình Thi cũng có nuôi một chú mèo tam thể, cô con gái Thùy Như của nhà văn khi ấy cũng là cô bé rất yêu quý mèo. Chính điều này đã tạo cảm hứng cho nhà văn viết nên câu chuyện đồng thoại ngộ nghĩnh cho thiếu nhi. Tác phẩm như một món quà mà ông dành tặng các con.
Phan Thị Vàng Anh và bài thơ "Mèo con đi học"
“Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một chiếc bút chỉ/ Và mang một mẩu bánh mỳ con con”. Bài thơ Mèo con đi học được nhà thơ, nhà văn Phan Thị Vàng Anh sáng tác năm 1975, khi cô mới chỉ là cô bé tiểu học. Hình ảnh chú mèo con ngộ nghĩnh, ngây thơ, còn ham chơi đã đọc lại trong tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc tuổi hoa.
Tác giả đã khéo léo sử dụng phép nhân hóa để xây dựng nhân vật mèo con thật sống động, tinh nghịch chỉ với bốn câu thơ. Chú mèo con ấy giống như một đứa trẻ thơ ngây, chưa phải chịu áp lực từ việc học hành. Với mèo con, đi học cũng giống như một chuyến đi chơi, nên tâm trạng của chú rất thoải mái, chẳng lo lắng điều gì.
Bài thơ Mèo con đi học từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình tiểu học. Đến nay, nhiều người vẫn thuộc lòng bài thơ này vì câu từ dễ nhớ, dễ thuộc và phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.
Hình ảnh chú mèo con vui vẻ đi học mà tác giả mang tới đã nhắn nhủ các bậc cha mẹ một điều giản dị nhưng rất quan trọng. Hãy để con trẻ lớn lên với sự hồn nhiên, đúng với lứa tuổi, đừng vì áp lực học hành mà khiến các bạn nhỏ đánh mất tuổi thơ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-chu-meo-dac-sac-trong-van-chuong-viet-nam-post1395259.html