Những chức vụ nào của hạ sĩ quan, binh sĩ tương đương với chức vụ Phó trung đội trưởng?
Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những chức vụ nào của hạ sĩ quan, binh sĩ tương đương với chức vụ Phó trung đội trưởng?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 07/2016/TT-BQP ngày 26-1-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cụ thể như sau:
Chức vụ tương đương với Phó trung đội trưởng:
a) Phó phân đội trưởng trinh sát bộ binh;
b) Phó mũi trưởng đặc công;
c) Phó toán trưởng trinh sát luồn sâu pháo binh;
d) Phó đội trưởng các đội có tổ chức tương đương cấp trung đội;
đ) Phó xưởng trưởng, Phó phân xưởng, Phó trạm trưởng của các xưởng, phân xưởng, trạm có tổ chức tương đương cấp trung đội;
e) Phó kho, Phó phân kho của các kho, phân kho có tổ chức tương đương cấp trung đội;
g) Hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ trung cấp trở lên được sắp xếp đúng biên chế.
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm đã thôi phục vụ trong Quân đội được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 56 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:
Đối với người đã thôi phục vụ trong Quân đội, mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian phục vụ tại ngũ đến mức phải xử lý kỷ luật; cơ quan, đơn vị quản lý người vi phạm trước khi rời khỏi Quân đội (cấp trung đoàn và tương đương trở lên) tiến hành trình tự, thủ tục sau:
1. Thu thập đầy đủ các chứng cứ về hành vi vi phạm; xác định tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp theo quy định tại Điều 11 của thông tư này; trường hợp vi phạm tới mức giáng chức, cách chức thì xử lý kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
2. Gửi thông báo cho người vi phạm kèm theo các văn bản liên quan; yêu cầu cá nhân vi phạm có mặt tại đơn vị để làm rõ hành vi vi phạm.
Trường hợp người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng thì sau 30 ngày tiếp tục gửi thông báo lần 2 đến người vi phạm và cơ quan đoàn thể có liên quan nơi người vi phạm cư trú. Nếu sau thông báo lần 2 (sau 15 ngày), người vi phạm tiếp tục không có mặt thì tiến hành xử lý kỷ luật như đối với trường hợp vắng mặt.
3. Tổ chức gặp gỡ người vi phạm để làm rõ về hành vi vi phạm, hình thức kỷ luật áp dụng và nghe ý kiến của người vi phạm. Thành phần làm việc gồm chỉ huy đơn vị và các cơ quan, đơn vị có liên quan; kết thúc làm việc phải kết luận rõ ràng và ghi thành biên bản, có chữ ký xác nhận của chỉ huy đơn vị, đại diện cơ quan và người vi phạm.
a) Trường hợp trong quá trình làm việc, người vi phạm đưa ra các bằng chứng xác thực, chứng minh bản thân không đến mức phải xử lý kỷ luật hoặc những vấn đề chưa rõ trong xác định hành vi vi phạm thì cơ quan, đơn vị phải tiến hành xác minh, thẩm tra làm rõ và thông báo cho người vi phạm trước khi kết luận.
b) Trường hợp người vi phạm không nhất trí với hành vi vi phạm mà cơ quan, đơn vị xác định, nhưng không đưa ra được bằng chứng xác thực thì vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
4. Kết luận về hành vi vi phạm, báo cáo cấp ủy đảng có thẩm quyền xem xét thông qua và thông báo cho người vi phạm.
5. Ra quyết định kỷ luật; gửi quyết định kỷ luật cho người vi phạm và thông báo cho các tổ chức đoàn thể có liên quan tại địa phương nơi người vi phạm cư trú.