Những chuyến bay đặc biệt của 'thiên thần áo trắng'
Dù là tình cờ đi chung chuyến bay có hành khách gặp vấn đề khẩn cấp về sức khỏe hay làm nhiệm vụ trên những chuyến bay hướng thẳng vào tâm dịch, các y, bác sĩ đều làm tròn sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc.
Những hành khách đặc biệt
Khởi hành ngày 28 Tết Nhâm Dần, chuyến bay VN254 của Vietnam Airlines từ TP HCM đi Hà Nội phát sinh tình huống đặc biệt liên quan đến sức khỏe của hành khách. Khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, hành khách B.N.H. (19 tuổi) có biểu hiện buồn nôn, đau ngực, khó thở. Sau khi thăm hỏi tình hình và nhận thấy sức khỏe của khách càng xấu đi, phi hành đoàn quyết định phát thanh gọi sự trợ giúp y tế từ những hành khách đi cùng chuyến bay.
Ngay lập tức, điều dưỡng Trần Thị Thơm và y sĩ Trần Long có mặt để hỗ trợ thăm khám cho khách, lúc này đang vật lộn với cơn đau thắt ngực, khó thở, huyết áp chỉ còn 80/60. Sau khi thảo luận với hai tình nguyện viên y tế, cơ trưởng quyết định chuyển hành khách B.N.H. lên ghế Thương gia để truyền nước biển với sự theo dõi, chăm sóc của tiếp viên và hai tình nguyện viên y tế.
Trong quá trình truyền nước, hành khách vẫn mệt mỏi, khóc nhiều nhưng sau đó có biểu hiện khỏe lại, huyết áp lên 110/70. Điều dưỡng Trần Thị Thơm và y sĩ Trần Long đề nghị tổ bay tiếp tục cho bệnh nhân nằm trên ghế, thắt dây an toàn, truyền nước trong quá trình máy bay giảm độ cao và liên hệ với bộ phận y tế sân bay Nội Bài hỗ trợ ngay khi hạ cánh.
Sau khi trực tiếp ghi lại đơn thuốc đã sử dụng cho hành khách vào biên bản báo cáo tình trạng sức khỏe và yên tâm về phương án tiếp nhận bệnh nhân của phía sân bay, điều dưỡng Trần Thị Thơm và y sĩ Trần Long mới rời khỏi máy bay như những hành khách bình thường khác.
Nói về kỷ niệm đi bay, tiếp viên Phạm Xuân Trường 1 vẫn nhớ đến hình ảnh một nữ hành khách trung niên nhanh nhẹn tiến đến khu vực bếp phía sau ngay khi nghe phát thanh thông báo cần sự trợ giúp khẩn cấp về y tế cho một hành khách trên chuyến bay từ TP HCM đi Hà Nội cuối tháng 2-2021. Trong lúc tiếp viên đang tập trung sơ cứu cho hành khách, chị giới thiệu ngắn gọn về bản thân rồi nhanh chóng bắt mạch, kiểm tra thân nhiệt cho người bệnh, đề nghị mở hộp thuốc trên máy bay để dùng ống nghe, máy đo huyết áp và hỏi bệnh nhân những thông tin về tiền sử bệnh...
Khi tình hình sức khỏe của hành khách đã ổn định, chị cho biết mình tên là Nguyễn Thu Giang, công tác trong ngành y lâu năm và đây là lần thứ ba chị tiến hành trợ giúp y tế cho hành khách gặp vấn đề về sức khỏe trên máy bay. Lần đầu là chuyến bay sang Paris tham dự hội thảo y khoa, lần thứ hai là chuyến công tác từ Hà Nội vào Đà Nẵng. "Khi có sự trợ giúp của y, bác sỹ, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm. Trên máy bay thiếu thốn về trang thiết bị y tế, máy móc hỗ trợ, thuốc men, nhưng kiến thức, kinh nghiệm và lương tâm nghề y sẽ giúp cho các bác sĩ kiểm soát được tình hình tốt hơn. Trong chuyến bay, họ là những hành khách bình thường nhưng xuất hiện như những thiên thần khi có tình huống khẩn cấp mà không ngại khó khăn, phiền hà. Bởi họ mang trong mình một sứ mệnh cao cả, đó là cứu người"- tiếp viên Phạm Xuân Trường chia sẻ.
Lực lượng tuyến đầu
"Thưa quý khách,
Chúng tôi cần sự trợ giúp y tế trong chuyến bay. Quý khách là bác sĩ, y tá hoặc có chuyên môn y tế, vui lòng liên hệ ngay với tiếp viên. Xin cảm ơn".
Mỗi lần đọc bài phát thanh này trên máy bay, tiếp viên hàng không đều hy vọng sau những tiếng xầm xì, sau những ánh mắt lo âu từ phía ghế ngồi là một cánh tay giơ lên, hay bóng dáng một "thiên thần" tiến đến, nói rằng: Tôi là bác sỹ/ y tá... rất sẵn lòng trợ giúp. Đó là một cảm giác rất tin tưởng, an lòng và ấm áp.
Trong thực tế, không một hãng hàng không nào trên thế giới có điều kiện bố trí bác sĩ trên chuyến bay thương mại nhưng nhiều hành khách không may gặp vấn đề về sức khỏe đã được cứu sống bởi những "thiên thần áo trắng" tình cờ bay chung hành trình.
Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, công việc của đội ngũ y, bác sĩ còn gian nan, nguy hiểm hơn gấp bội lần, bởi họ là lực lượng tuyến đầu trong "cuộc chiến" chưa có tiền lệ. Như chuyến bay ngày 28-7-2020 đón 219 người Việt Nam ở Guinea Xích đạo về sân bay quốc tế Nội Bài, có khoảng 130 công dân mắc Covid-19. Để bảo đảm an toàn cho người dân trở về, đội y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được cử đi cùng, đồng thời mang theo thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Trên hành trình trở về kéo dài 13 tiếng, phi hành đoàn lo bảo đảm an toàn bay, phục vụ hành khách ăn uống, nghỉ ngơi thì đội ngũ y, bác sĩ tất bật chăm sóc sức khỏe cho hành khách, đặc biệt là những hành khách dương tính với virus Sars- CoV-2 với biểu hiện sốt, ho, khó thở, tiêu chảy…
Sau mỗi chuyến bay đặc biệt như vậy, tất cả phi hành đoàn và đội ngũ y tế đều phải cách ly 21 ngày, kể cả với gia đình, người thân để toàn tâm chống dịch. Với sứ mệnh cao cả, ở bất cứ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được cả xã hội tôn vinh.