Những chuyến bay vượt biển vì sinh mệnh người bệnh
Bất kể mưa gió hay đêm tối, khi có lệnh là Tổ cấp cứu đường không thuộc Bệnh viện Quân y 175 lập tức lên đường cấp cứu bệnh nhân là các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gìn giữ biển đảo hay người dân đang bám biển, khai thác hải sản ở vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc.
Sau hai ngày được điều trị tích cực tại Bệnh viện Quân y 175, sức khỏe của ông H.V.Đ đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện. Ngư dân 51 tuổi, quê Hà Tĩnh này nhớ lại: “Tôi bị đau ngực dữ dội, khó thở và yếu liệt hai chân. Giữa biển trời mênh mông thì không may gặp nạn, tôi nghĩ mình đã khó có cơ hội về với gia đình. Hôm nay, được cứu sống và khỏe mạnh bình thường là niềm vui quá lớn, các chiến sĩ quân y như người sinh ra tôi lần thứ hai sau chuyến bay cấp cứu phi thường” - ông Đ vui mừng chia sẻ khi xuất viện.
Cất cánh khẩn cấp
Trước đó, ngày 23/3/2023, khi đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam, ông H.V.Đ (thuyền viên tàu cá QNg 96-293 TS) đang lặn ở độ sâu 35 mét thì gặp sự cố phải ngoi lên đột ngột. Ông Đ. có biểu hiện đau ngực trái, khó thở, yếu hai chi dưới nên được chuyển vào Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng, nguy hiểm tính mạng do giảm áp nên các bác sĩ đã đề nghị hỏa tốc chuyển bệnh nhân vào đất liền.
Tổ cấp cứu vận chuyển đường không thuộc khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân Y 175 được thành lập từ năm 2016. Đến nay, tổ có 8 bác sĩ và 4 điều dưỡng được đào tạo chuyên nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã thực hiện 50 chuyến bay vận chuyển người bệnh, 100% bệnh nhân được vận chuyển thành công vào Bệnh viện Quân y 175. Sau quá trình điều trị gần 95% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng, chỉ có hơn 5% bệnh nhân diễn tiến nặng, tử vong trong quá trình điều trị.
Ngay tối 24/3, chiếc máy bay trực thăng cùng Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Đại úy Đinh Văn Hồng làm tổ trưởng xuất phát tại sân bay Tân Sơn Nhất đã cất cánh ra đảo Trường Sa lớn tiếp nhận bệnh nhân. Khoảng 1 giờ sáng ngày 25/3, chiếc máy bay trực thăng mang theo bệnh nhân đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 175 và các nhân viên y tế nhanh chóng đưa bệnh nhân vào trung tâm cấp cứu. Chỉ sau hai ngày được điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân không chỉ qua được nguy kịch mà còn bình phục hoàn toàn trong niềm vui của các bác sĩ và gia đình.
Thiếu tướng-PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, người có đóng góp rất lớn trong hoạt động cấp cứu đường không cho biết: “Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên các vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc bằng đường hàng không là một hình thức đặc biệt của cấp cứu ngoại viện. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, không quản ngại gian khổ, hy sinh, trong nhiều năm qua, các kíp y bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp với Trung đoàn 917 và Binh đoàn 18 bay cấp cứu chuyển hàng chục trường hợp bệnh nhân về đất liền điều trị bảo đảm an toàn”.
Đầu năm 2023, tổ bay cấp cứu đường không cũng đã kịp thời chuyển bệnh nhân từ đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vào đất liền cấp cứu và chữa trị. Bệnh nhân là chiến sĩ P.V.D (30 tuổi) công tác tại đảo Sơn Ca, bị tai nạn trong lúc làm nhiệm vụ giữa lúc trời mưa lớn. Anh bị chấn thương cột sống cổ, chấn thương sọ não. Sau khi hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã đề nghị khẩn cấp chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị.
Nhận lệnh, Binh đoàn 18 đã điều trực thăng, phối hợp với Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 thực hiện phương án cấp cứu. Tuy nhiên, lúc này trên vùng biển đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới gây mưa giông lớn, ảnh hưởng đến an toàn của chuyến bay. Song, vì sự sống còn của người bệnh, tổ bay đã quyết tâm lên đường. Gần nửa đêm ngày 4/1, trực thăng đã cất cánh vượt mưa giông gió và đến đảo Trường Sa lớn sáng sớm ngày 4/1. Sau đó máy bay tiếp tục đến đảo Sơn Ca tiếp nhận người bệnh rồi lập tức trở về đất liền. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, chiếc trực thăng về đến Bệnh viện Quân y 175, kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Trung tá Đinh Hoàng Long, Trưởng phòng Huấn luyện tiêu chuẩn khai thác, Công ty Bay miền Nam (Binh Đoàn 18) cho biết, chuyến bay cấp cứu diễn ra khi trên biển Đông xuất hiện vùng áp thấp nhiệt đới. Trong quá trình bay do ảnh hưởng áp thấp, tổ bay gặp rất nhiều khó khăn vì trần mây thấp, tầm nhìn kém, mưa, giông và độ che phủ mây rất lớn, có lúc phải bay ở độ cao khoảng 500m. Tổ bay đã hiệp đồng phối hợp với tổ cấp cứu đường không, khắc phục khó khăn, không chỉ đáp ứng được an toàn bay mà còn đáp ứng được an toàn, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.
Luôn sẵn sàng
Đại úy-BS Diệp Hồng Kháng, khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Quân y 175), Tổ trưởng đầu tiên của Tổ cấp cứu đường không xác định: “Là một quân nhân, khi được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi luôn sẵn sàng hoàn thành. Với cương vị là một bác sĩ hồi sức, sứ mệnh của chúng tôi là tiếp cận, cứu chữa kịp thời cho những ca bệnh nặng”. Đại úy-BS. Kháng chia sẻ: “Khi mới thực hiện nhiệm vụ, mỗi chúng tôi cũng có những băn khoăn, lo lắng riêng. Nhưng khi từ trực thăng bước xuống, tiếp cận với bệnh nhân là các chiến sĩ, những ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ đảo thì tinh thần dân tộc trong mỗi chúng tôi lại dâng trào. Đó là động lực để cả tập thể đồng lòng vượt qua mọi khó khăn”.
Việc cấp cứu bệnh nhân tại đảo và trên máy bay thường gặp nhiều khó khăn do điều kiện hạn chế về trang thiết bị y tế, sự rung xóc, độ cao, oxy thấp, áp suất khí quyển thay đổi, không gian chật hẹp. Đại tá-BS.Vũ Đình Ân, Phụ trách khoa Hồi sức Tích cực cho hay: “Có những tình huống chúng tôi phải tiếp nhận bệnh nhân ngay trên nhà giàn, máy bay không thể hạ cánh mà phải sử dụng dây tời để đưa nhân viên y tế xuống tiếp cận người bệnh sau đó dùng dây tời kéo bệnh nhân và nhân viên y tế trở lại máy bay. Chỉ cần một sơ suất nhỏ khi làm nhiệm vụ có thể gây nguy hiểm cho cả tổ bay”. Có những trường hợp bệnh nhân đang được vận chuyển trên máy bay do chênh lệch áp suất, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, màng tim, nguy cấp tính mạng. Nhưng bằng kinh nghiệm, ê kíp đã kịp thời dẫn lưu, cấp cứu thành công ngay trên máy bay.
Đại tá-BS.Vũ Đình Ân cũng cho hay, để tránh chênh lệch áp suất, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, nhiều khi tổ bay buộc phải bay ở độ cao rất thấp, chỉ cách vài trăm mét so với mặt biển. Bay thấp cùng với thời tiết xấu và bay đêm là những tình huống đặc biệt nguy hiểm nhưng các chiến sĩ vẫn sẵn sàng và dũng cảm vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. “Cấp cứu đường không được Bệnh viện Quân y 175 xác định là công tác quan trọng nhất trong nhóm công tác sẵn sàng chiến đấu. Đây là tư tưởng được quán triệt từ ban giám đốc bệnh viện đến nhân sự trực tiếp tham gia”, Đại tá-BS.Vũ Đình Ân nói.