Những chuyển biến ở 'nhóm sau' ngành ngân hàng

Trong khi ở nhóm ngân hàng dẫn đầu, những cuộc ganh đua 'bạc tỷ' vẫn là câu chuyện đầy hấp dẫn, thì ở đâu đó phía sau, các ngân hàng quy mô nhỏ cũng bắt đầu cho thấy những động thái mới. Khi mà khoảng cách ngày càng được nới rộng, thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào những thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) như là hướng đi khả dĩ dành cho các nhà băng này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - viết tắt: DAB) mới đây đã có thông báo về việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 vào ngày 12/10 tới. Nội dung thông báo cũng cho biết rõ kế hoạch “dự phòng” của DAB nếu ĐHĐCĐ lần 1 không thành.

Cụ thể, trong trường hợp ĐHĐCĐ bất thường ngày 12/10/2019 không đủ điều kiện tiến hành, Hội đồng quản trị (HĐQT) DAB sẽ triệu tập cuộc họp lần 2 vào ngày 17/10/2019. Nếu cuộc họp lần 2 vẫn không đủ điều kiện tiến hành, DAB sẽ tổ chức cuộc họp lần 3 vào ngày 22/10/2019.

Như vậy, có thể thấy HĐQT DAB rất muốn ĐHĐCĐ thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ ngay trong tháng 10/2019.

Kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015, hoạt động kinh doanh của DAB cũng bị bó hẹp đi rất nhiều. Bởi theo quy định, nhà băng này không được cho vay, mà chỉ tập trung thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ xấu.

Dẫn số liệu đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY), DAB cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu và đảm bảo DAB có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng các quy định của pháp luật.

Nhà băng này lựa chọn hình thức phát hành chào bán cổ phần riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, ưu tiên cho các cổ đông hiện hữu. Hình thức này có ưu điểm là không yêu cầu tổ chức phát hành đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế ở năm liền trước năm chào bán.

DongABank lý giải lý do lựa chọn hình thức chào bán riêng lẻ (Nguồn: DAB)

Một ngân hàng khác cũng sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường trong tháng 10/2019 là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Đây cũng là một ngân hàng quy mô nhỏ, với vốn điều lệ chỉ vừa đủ so với mức quy định là 3.000 tỷ đồng.

Thương vụ sáp nhập PG Bank vào HD Bank, dù đã được NHNN bật “đèn xanh”, song đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Nửa đầu năm 2019, kết quả kinh doanh của PG Bank có chiều hướng giảm sút khi báo lãi sau thuế chỉ hơn 50,06 tỷ đồng, giảm tới 36,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tính đến ngày 30/6/2019, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này vẫn cao hơn so với quy định của NHNN.

Những chuyển biến mới đáng chú ý cũng được ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank). Mới đây, CTCP Tập đoàn công nghệ CMC - một cổ đông lâu năm tại BaoViet Bank - đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc tiến hành thoái vốn tại nhà băng này.

Sự thoái lui của CMC được thị trường kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy một thương vụ M&A tại BaoViet Bank. Tương tự PG Bank, kết quả kinh doanh của nhà băng này cũng khá ảm đạm trong nửa đầu năm 2019./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nhung-chuyen-bien-o-nhom-sau-nganh-ngan-hang-368145.html