Những chuyển biến tích cực trong quản lý tài chính đối với đất đai
Thời gian qua, nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có quản lý tài chính đối với đất đai đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện, với nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công...
Đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, nhìn chung, công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và 6 tháng đầu năm 2023 nói riêng đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện, tạo những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, để thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công một cách đồng bộ để quản lý, sử dụng tài sản công. Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Đáng chú ý, đánh giá tổng quan về nhiệm vụ quản lý tài chính đối với đất đai, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuyên đề tài chính đất đai và các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tổ chức 02 Hội nghị lấy ý kiến trực tiếp tại tỉnh Hải Dương và TP. Đà Nẵng và 01 Hội nghị lấy ý kiến trực tuyến tại TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương và gửi lấy ý kiến Nhân dân trên Trang thông tin điện tử…
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham gia, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 2549/BTC-QLCS ngày 20/3/2023 về việc báo cáo tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ sự án Luật, trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn số 3750/BTC-QLCS ngày 17/4/2023 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Công văn số 5302/BTC-QLCS ngày 24/5/2023 về việc rà soát các Luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...
Đối với nhiệm vụ xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), căn cứ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 136/TTr-CP ngày 25/4/2023 Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, Nghị định của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện Công văn số 1707/VPCP-CN ngày 16/3/2023 của VPCP về việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, Bộ Tài chính đã, đang tổng hợp các vướng mắc do các bộ, ngành, địa phương gửi về liên quan đến việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án Dự án BT theo quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP; trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách tài chính đất đai, cụ thể như: ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; miễn, giảm tiền thuê đất; xác định nghĩa vụ tài chính đất đai về tiền sử dụng đất; khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp..., qua đó góp phần tháo gỡ vướng mắc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước.