Những chuyển biến trong quản lý công tác xây dựng
Sau bốn tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đến nay tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã giảm từ quy mô cho đến số lượng.
Cưỡng chế nhiều công trình vi phạm
Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, đơn vị này đã cưỡng chế 20 căn nhà xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 12, phường Linh Trung sẽ tiếp tục cưỡng chế tổng cộng 37 trong số 43 công trình xây dựng không phép, sai phép. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài, sau ba tháng thực hiện Chỉ thị số 23, số công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn quận trung bình còn sáu vụ/tháng, giảm năm vụ/tháng, tỷ lệ giảm 45%. Trong quý I-2020, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế dứt điểm 13 công trình vi phạm xây dựng. Đây là những công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch có quy mô lớn, phức tạp, tồn tại trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết, trong năm 2019, quận đã ban hành 29 kế hoạch tổ chức thi hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 347 công trình vi phạm. Đến ngày 30-11, quận 12 đã cưỡng chế, để người dân tự chấp hành tháo dỡ 45 trường hợp, lập kế hoạch cưỡng chế 151 trường hợp. Trong ba tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), số công trình vi phạm trên địa bàn quận đã giảm 12,75%. Qua các đợt kiểm tra việc thực hiện những nội dung được giao tại Chỉ thị số 23, phần lớn đều hoàn thành.
Theo đó, tại quận 9, sau bốn tháng thực hiện Chỉ thị số 23, số vụ xây dựng không phép trên địa bàn là 86 trường hợp, giảm 0,14 vụ/ngày (đạt tỷ lệ giảm 48,27%). Đến nay, quận 9 đã thực hiện cưỡng chế 35 trường hợp, 51 trường hợp còn lại các phường đã có kế hoạch thực hiện cưỡng chế trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch UBND quận 9 Hoàng Minh Tuấn Anh, để đạt được kết quả này, Quận ủy quận 9 chỉ đạo cấp ủy, đảng bộ cơ sở tổ chức quán triệt và triển khai Chỉ thị số 23 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn thực hiện cam kết bản thân và gia đình không vi phạm, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm những quy định của Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; kiên quyết đấu tranh, kịp thời thông tin, phản ánh những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định, đến nay hơn 95% số cán bộ, đảng viên, công chức đã thực hiện cam kết.
Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp
Dù công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng sau bốn tháng thực hiện Chỉ thị 23 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo đánh giá từ các địa phương, tình hình vi phạm trật tự xây dựng còn nhiều diễn biến phức tap, khó quản lý. Huyện Bình Chánh tự đánh giá, công tác quản lý công trình không phép, sai phép còn nhiều hạn chế. Tại một số ấp, xã, việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu chưa đạt hiệu quả, có dấu hiệu che giấu vi phạm. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh (Thanh tra Sở Xây dựng) và UBND các xã chưa chặt chẽ, nhiều công trình xây dựng vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời. Tại quận 9, việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và của Chủ tịch UBND thành phố còn chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BTC ngày 16-1-2017 của Bộ Tài chính còn nhiều vướng mắc khó thực hiện. Sở Tài chính thành phố đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính…
Để Chỉ thị số 23 đạt kết quả tốt nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu UBND 24 quận, huyện phải rà soát, tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất/quy mô lớn, nghiêm trọng trên địa bàn. Mỗi quận, huyện phải tổ chức cưỡng chế ít nhất hai công trình. Ngoài ra, thành phố cũng phân cấp mạnh cho UBND quận, huyện trực tiếp quản lý lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn, trong khi chờ đề án thí điểm lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện. Bên cạnh đó là các giải pháp như ngưng cung cấp dịch vụ điện nước, ngừng đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ khẩu/tạm trú, phong tỏa tài sản, cưỡng chế tháo dỡ, cưỡng chế khấu lương/tài khoản, kê biên tài sản, ngăn chặn xuất cảnh…
Đối với các địa phương đã đề nghị công an tập trung xác minh, đấu tranh, xử lý hình sự các nhóm, đối tượng đầu nậu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định, bảo kê xây dựng không phép; chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực nhà, đất; tiếp tục công khai, minh bạch các quy định, nhất là các thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực nhà, đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai quy hoạch. Tập trung rà soát, điều chỉnh kịp thời các đồ án quy hoạch 1/2000, rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông tĩnh, quy hoạch vị trí các khu bến bãi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tháo gỡ tình trạng ách tắc các kho bãi, bến bãi trên địa bàn, tháo gỡ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân do vướng quy hoạch.