Những chuyến đò ngang nuôi con chữ
Vì mưu sinh mà người chống đò cứ 'rắn rỏi' theo thời gian, bởi những lo toan trong cuộc sống và cả những ước mơ cho tương lai.
40 năm làm nghề chống đò, ông Uyên có thể coi là tay lái đò kỳ cựu ở miền biển này.
Những chuyến đò không mỏi
Biển Hậu Lộc đang ở những ngày rét ngọt, những tia nắng vàng óng chiếu xuống mặt biển loang loáng. Đối với những người dân nơi đây, biển yên bình không dông bão như những ngày này đã là một may mắn để họ an tâm mưu sinh. Đứng từ đê nhìn xuống, hình ảnh ông Trần Văn Uyên, 62 tuổi, xã Ngư Lộc cùng chiếc đò nhỏ lướt nhẹ trên mặt biển thật yên bình.
Được xem là “tay chống đò kỳ cựu” nơi đây, ông Uyên đắt khách từ sáng tới khuya. Người thì ra thuyền neo đậu ngoài khơi xa, người ra đảo Nẹ cúng bái; khi thì chở dầu, đá, lương thực, thực phẩm cho các thuyền ra khơi; khi lại chở tôm, cá – “chiến lợi phẩm” sau một chuyến vươn khơi vào bờ... Ai kêu chở gì thì ông chở cái đó. Cứ một chuyến như vậy ông Uyên nhận được từ 5.000 đến20.000 đồng.
Đứng trên triền đê, tôi giật mình bởi tiếng gọi “đò ơi!” phát ra từ những ngư dân đang chuẩn bị vươn khơi. Từ ngoài biển, người đàn ông có nước da đen sạm, mái tóc bạc màu sương gió cầm cây sào tre dài cắm xuống lớp bùn đen, đẩy người cho chiếc đò nhỏ lao vào bờ. Ông lái đò tiếp đón những vị khách quen bằng nụ cười hiền chân chất của người miền biển.
Gọi đò cho oai, chứ thực ra nó chỉ là chiếc xuồng to. Và cũng ít khi cần đến mái chèo; thay vào đó, ông dùng cây sào tre dài để chống. Ấy vậy mà cũng lại qua nhoay nhoáy. Khi khách đã yên vị, cả thân hình rắn rỏi của ông Uyên tì mạnh vào cây sào để đò rời bến. Con đò nhỏ chuyển động, ông rút cây sào cắm vào mạn đối diện, hành động đó cứ lặp đi lặp lại, con đò lướt nhẹ trên mặt nước, ra khỏi những chiếc tàu đang đậu sát bờ biển.
Nhìn con đò nhỏ chẳng có chiếc áo phao nào, tôi buột miệng hỏi: “Bác có áo phao không ạ?”. Ông Uyên lắc đầu, giải thích: “Khách toàn ngư dân đi biển nên ai cũng biết bơi. Số khác là dân sống ven biển nên cũng bơi thành thục từ nhỏ”. Chúng tôi hiểu vì chủ quan nên ông nói thế, giữa dòng nước cuộn trôi mênh mông như thế nếu có bất trắc xảy ra cũng khó mà ứng cứu. Đã có biết bao vụ đuối nước xảy ra mà người bơi khá giỏi lại thiệt mạng. Tuy nhiên, sau khi ngồi đò ông Uyên chống, tôi nghĩ trong đầu “nghiệp vụ chống đò” quả là điệu nghệ. Hàng bao năm đưa, đón ngư dân ra khơi, trở về dù mưa to, gió lớn, chưa lần nào ông Uyên cho “thượng đế” uống nước biển. Dù lần đầu ngồi đò nhỏ đi trên biển, nhưng tôi khá vững tâm. Cũng phải thôi, ngoài chuyện “tay nghề bậc cao”, ông Uyên còn khá kỹ tính. Thà đi thêm chuyến chứ không bao giờ ông chở quá tải trọng con đò! Hơn thế, bộ điệu bình tĩnh, ung dung của ông cũng tác dụng cực lớn trong việc trấn an hành khách trên đò. Vậy nên ngày nào cũng như ngày nào, kệ nước lên hay nước xuống, con đò của ông cứ lướt êm ru, vững chãi, an toàn...
Mở đầu câu chuyện, tôi hỏi: “Ông chống đò lâu chưa?”, tiếng ông Uyên vang, tròn cất lên trong tiếng gió biển rõ mồn một: “Tôi chống đò đã 40 năm rồi”. Thắc mắc hỏi ông sao không chọn chạy đò bằng máy mà lại chống, ông Uyên tỉnh bơ: “Cứ lấy sức làm lời, lấy cây sào làm vốn, thế là sống thôi”.
Nghề chống đò của ông không cố định thời gian, đêm cũng như ngày khi nào cần khách sẽ gọi. “Bất kể thời tiết thế nào, người ta gọi đều phải mang hàng ra hoặc chở hàng về kể cả đêm đã khuya lắc hoặc trời mưa gió bão bùng. Vì nếu không chịu khó phục vụ sẽ dễ dàng mất mối. Giờ không đi biển được thì mình đi chống đò để kiếm thêm thu nhập trang trải cho chi tiêu hàng ngày, nói chung cũng đủ sống qua ngày”, ông Uyên tâm sự.
Trời yên, biển lặng thì không nói nhưng nghề chống đò sợ nhất là những ngày biển động, gió lớn chèo đò ngược chiều gió là một nỗi ác mộng với những ai hành nghề này. Hai bả vai, hai cánh tay đau nhừ. Ông Uyên phân trần: “Công việc chống đò thấy vậy chứ không phải ai cũng chống được. Phải nhanh tay, khéo léo thì đò mới không bị chao đảo khi gặp sóng lớn. Chống đò lúc “trời yên, biển lặng” thì đỡ chứ gặp mưa, rét chống xong mấy khay cá cho chủ tàu mà tay run cầm cập, mặt tái xanh vì gió”.
Cây lành sinh quả ngọt
Sau khi chở những ngư dân ra thuyền lớn, ông Uyên điều khiển con đò trở về. Gió từ ngoài biển thổi vào đẩy con đò lao nhanh vào đất liền, ông Uyên rút cây sào rồi ngồi xuống mũi thuyền nghỉ ngơi. Ông Uyên kể: “Đời cụ, đời ông nội, đời cha rồi đến đời tôi đều gắn liền với biển. Tất thảy đều coi biển là quê hương. Khoảng 12 tuổi, tôi đã theo bạn bè đi thuyền đánh cá, tuổi thơ gần như gắn liền với những chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, sau một lần suýt chết hụt trên biển, tôi bị ám ảnh nên lui về đất liền chống đò mưu sinh”.
20 tuổi, ông Uyên nên duyên với bà Bùi Thị Thục, một năm sau thì sinh con, rồi lần lượt 5 đứa con ra đời, khó khăn không thể nói hết. Hàng ngày, ông thức dậy lúc 3h sáng để đi ra biển chống đò, đến chiều tối mới về. Thù lao chống đò ngày ấy không phải tiền mà thay bằng những mớ cá vụn, tôm tạp... Nhưng con cá, con tôm làm ra cũng chỉ đủ cái ăn trong ngày. Thiếu trước, hụt sau, bà Thục bỏ công việc hành chính ở xã về nhà chạy chợ, chế biến hải sản. “Chúng tôi trải qua nhiều nghề mưu sinh rất vất vả. Nhưng vì khát khao cuộc sống sau này của các con sẽ không phải lam lũ, khổ cực như đời ba mẹ chúng, nên hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng”, bà Thục nhớ lại những ngày tháng đã qua.
Hành trình mài “ngọc” của vợ chồng ông Uyên, bà Thục đong đầy mồ hôi. Không có thời gian dạy con học nhưng vợ chồng ông, bà vẫn thường xuyên tỉ tê tâm sự, “thổi” vào chúng tinh thần và sự khát vọng học tập. Nhờ đó, con cái đứa nào cũng thấu hiểu lòng cha mẹ, chăm ngoan, học giỏi. Ông Uyên chia sẻ: “Tôi vẫn thường bảo với các con “Tài sản bố mẹ cho chỉ là học hành. Các con phải tự nắm bắt lấy”.
Những năm tháng vất vả đã giúp vợ chồng ông Uyên cùng các con nhìn về một hướng: “Học để có kiến thức, kiến thức giúp thoát khó, thoát nghèo”. Theo thời gian, 5 người con lần lượt trưởng thành, có việc làm ổn định, yên bề gia thất. Kinh tế gia đình ông Uyên cũng vì thế mà đổi thay nhanh chóng. Ông Uyên vui vẻ nói với chúng tôi: Nhà cửa vững chắc, con cái trưởng thành, vợ chồng tôi vui và hạnh phúc lắm. Những nỗ lực của hai vợ chồng, của các con giờ đã “đơm trái ngọt”.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề chèo đò, ở cái tuổi ngoài 60 không còn lo toan kinh tế nhưng ông Uyên vẫn không muốn nghỉ ngơi, hằng ngày cứ xuôi con đò hướng ra biển. Ông Uyên phân trần: “Chèo đò từ hồi còn trẻ nên đâu phải muốn nghỉ là nghỉ được. Thấy nghề biển khó khăn, thuyền bè nằm bờ nhiều tính bỏ nghề, nhưng người ta còn đi thì mình còn chống. Giờ già cả đâu biết làm gì nên thôi cứ gắn bó với chiếc đò chống được lúc nào hay lúc đó. Có khi mệt nghỉ ở nhà cũng buồn, nên hễ bớt bớt thì đi chống cho có đồng ra đồng vào”.
Thế là dù con đò có “quá tuổi” hay đôi tay có cằn cỗi thì những chuyến đò mưu sinh vẫn cứ hằng ngày rong ruổi trên dải biển này. Ước mơ bình dị, rất đỗi đời thường của ông chống đò là có sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề. “Mấy chục năm kiếm sống bằng nghề này, ngẫm lại cũng quá dài. Cuộc sống ai mà không mong có được công việc tốt, nhưng lỡ gắn với nghiệp chèo, chống thì cũng cố gắng thôi. Chỉ mong sao trời yên, biển lặng để mỗi chuyến đò nặng những niềm vui của các vị khách khi bình an trở về với cá đầy khoang”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nhung-chuyen-do-ngang-nuoi-con-chu/131464.htm