Những chuyện kể xúc động của đoàn công tác CAND Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vừa trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) - Bộ Công an, Trưởng đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ đã chia sẻ đầy xúc động về những ngày cứu người bị nạn trong thảm họa thiên tai tại nước bạn.

Đoàn công tác Bộ Công an tham gia cứu nạn, cứu hộ

Đoàn công tác Bộ Công an tham gia cứu nạn, cứu hộ

Tình người giữa nguy nan

Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đoàn công tác đi cứu nạn, cứu hộ quốc tế. Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết: “Vì là lần đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, lường trước những khó khăn, chúng tôi đã chuẩn bị khá chu đáo, từ công tác hậu cần cũng như phương tiện thực hiện tác nghiệp. Công tác chuẩn bị này giúp chúng tôi khá chủ động”.

Sau 7 ngày cấp tập tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong những đống đổ nát, Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; phối hợp cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ các nước giải cứu được một người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ; tìm kiếm, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế địa phương; đồng thời trao tặng nhiều vật tư y tế tặng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố Adiyaman.

Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất và xúc động với toàn đoàn là khi thăm hỏi những người dân xung quanh hiện trường sụp đổ. “Chúng tôi thăm hỏi người dân, chứng kiến cảnh vô cùng xúc động. Đó là những người dân phải nằm ngoài vỉa hè với những lều bạt, bên cạnh là đống đổ nát. Dù có nhà nhưng họ cũng không được vào bởi dư chấn của trận động đất có thể đến bất cứ lúc nào. Có gia đình 10 người trong một chiếc lều nhỏ nhưng lò dã chiến không đủ ấm giữa cái lạnh lên tới âm 10 độ C. Đơn vị chúng tôi hỗ trợ họ lấy nước, đồ ăn và chia sẻ cho họ tất cả những gì có thể như mì tôm, lương khô. Có em bé đã bước ra ôm chầm một chiến sĩ của chúng tôi”, Đại tá Nguyễn Minh Khương xúc động nói.

Những thiết bị của đoàn công tác Bộ Công an thực hiện tại hiện trường

Những thiết bị của đoàn công tác Bộ Công an thực hiện tại hiện trường

Khi được hỏi về khoảnh khắc một người bị nạn được cứu sống, Đại tá Nguyễn Minh Khương bật khóc. Anh lạc giọng: “Rất nhiều chiến sĩ của tôi đã khóc. Khoảnh khắc đó có lẽ không thể nào quên trong mỗi chúng tôi”. Những khoảnh khắc lên đường hay chia tay Thổ Nhĩ Kỳ đều mang lại nhiều cảm xúc với toàn đoàn. Đại tá Nguyễn Minh Khương vẫn nhớ những gia đình, người dân và một số tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đến nơi Đoàn đóng quân để bày tỏ lòng cảm ơn chân thành của mình, đồng thời dành những tình cảm rất đặc biệt cho Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam.

“Trên đường ra sân bay và tại sân bay, tất cả mọi người dân và lực lượng chức năng đều cảm kích, nhắc lại nhiều lần “Việt Nam, Việt Nam” khi đoàn đi qua. Đồng thời, chúng tôi nhận được những ưu tiên đặc biệt khi đoàn làm các thủ tục tại sân bay” - Đại tá Nguyễn Minh Khương xúc động kể lại.

Giáo trình từ gian khó

Lần đầu tham gia cứu nạn, cứu hộ quốc tế đã mang lại cho đoàn công tác của Bộ Công an những kinh nghiệm quý báu. Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, 3 bài học lớn sau đợt tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lần này chính là sự chủ động về hậu cầu cũng như phương tiện của đoàn; ngôn ngữ để thống nhất phương án cứu nạn, cứu hộ và kinh nghiệm cũng như tác phong làm việc của đội cứu nạn, cứu hộ các nước.

Trải qua 24 tiếng mới tới được Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác của Bộ Công an đã bắt tay vào khảo sát hiện trường. “Chúng tôi di chuyển từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 24 tiếng. Tới nơi đã 12h đêm - giờ địa phương, tôi cùng 3 chiến sĩ đi khảo sát hiện trường. Nhiệt độ ngoài trời là âm 6 độ C. Tôi trao đổi để 7h30 sáng sẽ hỗ trợ và đề xuất phía bạn cố gắng có những phương tiện hỗ trợ. Chúng tôi trở về vị trí để hạ 12,5 tấn hàng từ container xuống và dựng trại đến 6h sáng mới xong. Thời tiết lạnh là một khó khăn với những chiến sĩ Việt Nam chưa bao giờ biết nhiệt độ dưới âm độ như thế nào”.

Một khó khăn nữa mà Đại tá Nguyễn Minh Khương nêu là bất đồng ngôn ngữ. “Trong đoàn chỉ có 2 chiến sĩ biết tiếng Anh để giao tiếp với một tình nguyện viên. Tuy nhiên, trong cứu nạn, cứu hộ có những thuật ngữ chuyên môn nên nhiều khi chưa thống nhất được phương án chung. Các đoàn cứu nạn, cứu hộ đến từ các nước nên ban đầu chưa hiểu hết được phương án chung. Sau 2 ngày vượt qua điều kiện thời tiết, ngôn ngữ, chúng tôi đã cơ bản khắc phục được và hoàn thành nhiệm vụ”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói.

Hiện trường cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện trường cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, sau 10 ngày thực hiện cứu nạn, cứu hộ, bài học kinh nghiệm đã được rút ra và sẽ được đưa vào giáo trình cứu nạn, cứu hộ như: Tiến hành cứu nạn, cứu hộ là phải chủ động hoàn toàn. Vì vậy, chuẩn bị từ hậu cần, phương tiện tác nghiệp để chiến đấu. “Nếu chúng tôi không mang máy phát thì ban đêm sẽ không làm được gì, hoặc thiếu nguồn cung cho thiết bị. Nghiên cứu tính toán, với sự cố đó, phương tiện gì để chuẩn bị cho chu đáo, mượn thiết bị của đội khác sẽ không hay và không trọn vẹn”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói. Tiếp đó là cần chủ động cho việc liên hệ có những cộng tác viên người Việt sống ở nước ngoài. Đó phải là người hiểu văn hóa, ngôn ngữ, biểu lộ được tư tưởng để hành động. Có như vậy hai bên mới đưa được những phương án cứu nạn, cứu hộ tối ưu nhất.

Điều nữa mà Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng các chiến sĩ trong đoàn rút ra chính là được gặp gỡ nhiều bạn bè quốc tế. “Chúng tôi học hỏi được thái độ làm việc, trình độ tác nghiệp. Đồng thời, nắm được phương tiện thiết bị mới. Qua đó, chúng tôi nghiên cứu, tính toán, trang bị thiết bị đó để Việt Nam xử lý tình huống tương tự hoặc đi hỗ trợ quốc tế”, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết.

Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng như 23 chiến sĩ còn lại rất tự hào vì đã chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy người Việt Nam có thể thực hiện được tốt công tác cứu nạn, cứu hộ với tinh thần kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ. Đoàn đã góp một phần sức lực nhỏ bé giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt những khó khăn trong hoạn nạn, đồng thời góp phần vào xây dựng tình đoàn kết, mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại tá Nguyễn Minh Khương khẳng định, nhân dân, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận và đánh giá rất cao những việc làm ý nghĩa, nhân đạo của các “Sứ giả nhân đạo Việt Nam”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-chuyen-ke-xuc-dong-cua-doan-cong-tac-cand-viet-nam-tham-gia-cuu-nan-cuu-ho-o-tho-nhi-ky-post531716.antd