Những chuyến tác nghiệp đáng nhớ
Nghề báo luôn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và có cả hiểm nguy. Với những nhà báo nữ, tác nghiệp ở vùng cao lại càng khó khăn gấp bội.
Ghi chép của Tùng Vân
Mặc dù bản thân thực sự “say nghề” nhưng không ít lần tôi lặng lẽ ngồi khóc một mình ở cơ sở tại các xã vùng cao xa xôi, hẻo lánh vì phải ở lại đột xuất vài ngày so với dự kiến công tác ban đầu hoặc phải “dấn thân” vào những nơi khó khăn, thậm chí nguy hiểm để làm một phóng sự... Thế nhưng, bằng tất cả tình yêu, lòng “say nghề” đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi. Rồi dần quen, tôi lại thích được đi và cảm nhận, thích được tác nghiệp ở những nơi khó khăn để tôi có thêm những trải nghiệm thú vị trong nghề.
Với tôi, có lẽ đáng nhớ nhất là chuyến đi làm bài phóng sự điều tra về phá rừng tại Vườn Quốc gia Ba Bể thời điểm “nóng” về tình trạng chặt phá rừng trái phép. Là phóng viên phụ trách tuyên truyền địa bàn, tôi đã hạ quyết tâm “liều mình” đi theo đoàn kiểm tra nắm tình hình thực tế tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực Ao Tiên.
Khi đặt vấn đề, một số người ái ngại, can tôi: “Nữ giới không nên “liều mình” vào những nơi nguy hiểm, bởi rất có thể lâm tặc đánh trả vì họ luôn trong tối, mình ngoài ánh sáng...”. Và rừng ở Vườn Quốc gia Ba Bể thì làm gì có lối, có đường, phải nín thở leo qua những tảng đá tai mèo lung lay, chòng chành, tay lúc nào cũng phải bám chặt thân cây hỗ trợ mới có thể bước đi…
Đến hiện trường 02 cây gỗ nghiến “khủng” bị chặt hạ, đang đo đo, ngắm ngắm để chụp ảnh thì có tiếng đá rơi lách cách ở phía trên núi. Do chưa được chứng kiến bao giờ nên tôi như người “điếc không sợ súng” cứ vô tư tác nghiệp. Phải đến khi quay về đến Trụ sở UBND xã Nam Mẫu các anh trong đoàn nói rằng lâm tặc lăn đá, lúc này tôi mới “hú hồn”... Thế nhưng không chịu bỏ cuộc, đêm đó tôi tiếp tục tham gia cùng các cán bộ ở Trạm Kiểm lâm xã Quảng Khê “rình” lâm tặc vận chuyển lâm sản.
Chúng tôi mỗi người đều đội mũ bảo hiểm mật phục ở các vị trí đã được bố trí sẵn. 22 giờ đêm, khi mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ, lâm tặc bắt đầu hoạt động, nhưng phải tới 2 giờ sáng mới chịu xuất hiện, vận chuyển khúc gỗ nghiến dạng thớt từ bên kia sông, phát hiện lực lượng Kiểm lâm nên đã nhanh tay vứt xuống sông Lèng. Khi Kiểm lâm đến vị trí lâm tặc bỏ lại gỗ trên sông thì bị bọn chúng ở trên bờ ném đá tới tấp, nhưng rất may cả đoàn không ai bị sao vì chúng tôi có thêm lực lượng hỗ trợ khiến lâm tặc không còn manh động và nhanh chân lẩn trốn vào rừng...
Lần khác, tôi may mắn được theo lực lượng Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì) thực hiện truy quét các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trong Khu bảo tồn. Các thành viên trong đoàn đi khá lo lắng, vì cả đoàn có 24 người thì duy nhất chỉ mình tôi là nữ, nhưng mọi sự lo lắng ấy nhanh chóng tan biến trước sự di chuyển thoăn thoắt của tôi qua những mỏm đá tai mèo không thua kém những nam giới cùng đi trong đoàn, thậm chí có những lúc tôi còn bỏ xa các thành viên trong đoàn để tranh thủ tác nghiệp trên đường.
Các khu vực Cốc Tỳ, Lũng Lương và một số vị trí khác nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là những điểm mà các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép luôn nhăm nhe, rình rập để khai thác trộm trước đây. Tuy nhiên, việc thường xuyên có dấu chân của cán bộ Kiểm lâm Khu bảo tồn nên cũng đã hạn chế tối đa tình trạng lên núi khai thác trái phép tài nguyên của người dân lúc nông nhàn.
Đi qua những tảng đá tai mèo phủ đầy rêu, trơn trượt, những con vắt khát máu ngoe nguẩy dưới chân; những cái hố khai thác vàng cũ, cỏ mọc lấp kín miệng, chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống độ sâu tới vài chục mét mất mạng chứ chẳng đùa. Khi trở về lại phải qua “bức tường đá” Thác Đét dựng đứng cao mấy chục mét, nơi đây từng có cán bộ Kiểm lâm trong lúc đi tuần rừng bị trượt chân ngã khâu nhiều mũi.
Khi xuống đến chân núi an toàn tuyệt đối, lúc cả đoàn đang ngồi nghỉ ngơi để lấy sức di chuyển ra khỏi Khu bảo tồn, giữa đại ngàn hoang vu, chỉ một mình là phụ nữ lúc này tôi mới chợt nghĩ lại những tình huống giả định như: Gặp vàng tặc, lâm tặc hoặc bị trượt chân... là phụ nữ, tôi sẽ gặp bất trắc như thế nào? Cho đến tận bây giờ khi ngồi viết những dòng ghi chép này tôi vẫn chưa hết sợ và thực sự nể phục tinh thần “thép” của mình vì tình yêu và sự “say nghề” báo mà có thể vượt qua cả những hiểm nguy trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mình trong những chuyến đi tác nghiệp “đặc biệt” vượt núi, băng rừng để có những tư liệu quý cho bài viết.
Có thể nói, dù công tác trong nghề lâu năm, tôi vẫn thật khó để nói hết đặc thù công việc của mình, của những người phóng viên, đặc biệt là phóng viên nữ. Đúng như nhiều đồng nghiệp đi trước đã nói, vinh quang của người phóng viên, nhà báo không phải là những giải thưởng mà là ngọn lửa cháy với nghề. Những chuyến đi thực tế luôn cho ta những trải nghiệm. Bởi thế, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để có những tác phẩm hay lan tỏa rộng rãi đến bạn đọc, là cầu nối chuyển tải, phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân là một trong những mục đích chính của những phóng viên, nhà báo chúng tôi./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nhung-chuyen-tac-nghiep-dang-nho-post53201.html