Những chuyến tàu trong cuộc đời nhiều bi kịch của Joe Biden
Ông Joe Biden là chính trị gia kỳ cựu từng trải qua nhiều biến cố. Cử tri ấn tượng với ông về hình ảnh vị tha và khả năng cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người Mỹ giữa đại dịch.
Phần lớn người dân Mỹ biết quá rõ về Joe Biden trong suốt 48 năm ông có mặt trên chính trường.
Đối với những người soát vé ở trạm tàu điện Amtrak, ông là người cha tận tụy đi tàu nhiều giờ mỗi ngày để về với con trai. Đối với đồng nghiệp lâu năm, ông là người điềm đạm và tốt tính.
Trong mắt đối thủ Donald Trump, Biden "yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần". Còn đối với cử tri Mỹ năm nay, chính trị gia kỳ cựu đã chứng tỏ sự cảm thông sâu sắc trước sự hoành hành của đại dịch.
Bi kịch cuộc đời phủ bóng lên sự nghiệp chính trị
Bệnh viện thánh Mary ở Scranton, bang Pensylvania chào đón sự ra đời của cậu bé Joseph Robinette Biden Jr. vào ngày 20/11/1942. Ông là con cả trong gia đình gồm 4 anh chị em với điều kiện vật chất khiêm tốn do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế những năm 1950.
Dù lớn lên trong gia đình có cha là doanh nhân, ông Biden thể hiện niềm đam mê và yêu thích chính trị từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp trung học, Biden bắt đầu nghiên cứu lịch sử và chính trị tại Đại học Delaware.
Nỗ lực theo đuổi sự nghiệp chính trị nghiêm túc giúp ông gặt hái được thành công đầu: trở thành thượng nghị sĩ khi mới 29 tuổi. Tại thời điểm đó, ông là thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 trong lịch sử Mỹ.
Nhưng không lâu sau, bất hạnh ập đến với gia đình nhỏ của ông Biden. Người vợ Neilia cùng con gái Naomi qua đời, còn hai con trai Hunter và Beau bị thương nặng trong vụ tai nạn ôtô năm 1972.
Không muốn rời xa các con trong bệnh viện, ông Biden tuyên thệ trở thành thượng nghị sĩ bên giường bệnh của con.
Từ đó cho đến năm 2008, ông đi đi về về giữa quê nhà và thủ đô Washington chỉ để được ở bên các con mỗi ngày.
Ông Joe Biden có biệt danh “Joe Amtrak”, do hầu như mỗi ngày ông đều bắt chuyến tàu hỏa Amtrak dài 90 phút giữa thủ đô Washington - nơi ông làm việc - và Wilmington, bang Delaware, để về nhà chúc các con ngủ ngon.
Năm 2015, ông Biden chịu thêm mất mát lớn khi con trai cả Beau qua đời vì ung thư não ở tuổi 46. Đây là một trong những lý do khiến ông không tham gia tranh cử trong cuộc đua năm 2016 - điều để lại nhiều tiếc nuối về sau.
Vực dậy sau nỗi đau, ông Biden - khi đó là phó tổng thống - lấy động lực từ cuộc chiến chống ung thư của con trai Beau để cùng Tổng thống Barack Obama ra mắt sáng kiến Cancer Moonshot vào đầu năm 2016.
Mục tiêu của chương trình là kết nối mạng lưới cơ quan chính phủ - viện nghiên cứu - bệnh nhân - cơ sở y tế, và áp dụng tiến bộ khoa học hiện đại để tìm ra biện pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Mỹ. Joe Biden là người trực tiếp điều hành sáng kiến này.
Hàng loạt bi kịch và bất hạnh trong quá khứ khiến ông Biden có khả năng cảm thông với người khác.
Tại Đại hội đảng Dân chủ vào tháng 8, cậu bé Brayden Harrington, 13 tuổi, nói rằng ông Joe Biden giúp cậu cảm thấy "tự tin hơn về thứ khiến cậu bận tâm cả đời", đó là tật nói lắp.
Chính ông Biden cũng phải chiến đấu với chứng nói lắp khi còn trẻ cho tới ngày nay.
Những thăng trầm
Sự nghiệp chính trị của Joe Biden không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.
Trước khi trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua năm nay, ông từng thất bại trong hai cuộc bầu cử. Năm 1987, ông rút lui vài tháng trước khi bắt đầu bầu cử sơ bộ vì dính cáo buộc đạo văn trong bài phát biểu.
Đến khi lần thử sức thứ hai vào năm 2008, ông Biden cũng phải rút lui vì chỉ giành được 0,9% số phiếu tại cuộc bỏ phiếu mở màn ở bang Iowa.
Tới cuộc chạy đua năm nay, khi chỉ còn vài tuần nữa là tới ngày bầu cử, bê bối xung quanh con trai thứ của ông - Hunter Biden - cũng bị lật lại.
Kỷ lục đang chờ được phá vỡ
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020 là nỗ lực đáng kể nhất của Joe Biden. Ông vươn xa hơn hẳn những cuộc bầu cử trong quá khứ và chỉ còn cách Phòng Bầu dục một vòng chung kết.
Nếu đắc cử, ông Biden sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ khi nhậm chức ở tuổi 79, phá vỡ kỷ lục của ông Trump trước đó khi nhậm chức ở tuổi 70.
Nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, ông cũng sẽ hoàn thành cuộc chạy marathon dài nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Trong lịch sử hiện đại, chưa ai nỗ lực nghiêm túc trong thời gian dài như vậy để đến với ngôi vị quyền lực nhất thế giới.
Sự nghiệp 48 năm của ông Biden còn dài hơn tuổi đời của các Tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton và Barack Obama khi họ đắc cử.
Ở thời điểm nước Mỹ đang oằn mình trước đại dịch, liệu cựu phó tổng thống đã quá quen với việc vượt qua những mất mát và nỗi đau này có thể giành được sự ủng hộ của công chúng hay không?