Những chuyến xe cứu thương miễn phí cứu người...
Hơn 6 năm nay kể từ ngày chuyến xe cứu thương miễn phí đầu tiên lăn bánh, 2 cậu cháu ông Nguyễn Văn Cường ở xã Trực Đạo, huyệnTrực Ninh, tỉnh Nam Định lúc nào cũng sẵn sàng, có điện thoại gọi là lại ôm vô lăng chở giúp người dân đi viện...
Xe cứu thương miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Chiếc xe cứu thương miễn phí của ông Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1960) và người cháu họ, anh Ngô Văn Thuận (sinh năm 1976) đã nổi tiếng khắp xã Trực Đạo huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Nguời trong xã thường gọi ông Cường với cái tên rất dễ nhớ ông Cường 'cứu thương', hay nhà ông Cường 'cứu thương'. Mỗi khi người lạ muốn hỏi đường tới nhà ông Cường cứu thương, chẳng cần mất quá lâu, từ già tới trẻ trong xã như một google map đọc ngay địa chỉ: Nhà ông Cường 'cứu thương' phải đi qua Chợ Giá, tới ngã ba thì rẽ phải, chạy theo bờ sông tới xóm 12 thêm chừng 200m là sẽ thấy chiếc xe cứu thương để ở cửa.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cơ duyên chọn mua xe cứu thương giúp người của mình, ông Nguyễn Văn Cường cười, nhẹ nhàng kể: "Trực Đạo là một trong những địa phương nằm cách xa trung tâm huyện, trung tâm tỉnh. Mỗi lần có người đau ốm cần đưa đi viện, nhất là những trường hợp bệnh trọng cần cấp cứu việc gọi xe rất tốn kém và mất thời gian. Thời điểm đó, ô tô cá nhân chưa nhiều, lại thêm phần người dân trong xã đều sống bằng nông nghiệp, ít có điều kiện để thuê xe.
Thế nên, cứ có người cần đi cấp cứu thì người nhà lại tất tả chở đi bằng xe máy, vất vả và nguy hiểm cho người bệnh lắm. Lúc đó, tôi cũng suy nghĩ nhiều không biết nên làm gì giúp bà con... hay là mua xe cứu thương. Nảy ra ý tưởng như thế nhưng để thực hiện thì tôi lại không rành nên tâm sự với người cháu là Ngô Văn Thuận, SN 1976 đang ở Hà Nội nhờ giúp đỡ. Vài tháng sau, qua điện thoại, Thuận thông báo với tôi, cháu đã mua được một chiếc xe ôtô du lịch 16 chỗ qua sử dụng, đem đi hoán cải thành xe cứu thương là ổn thôi.
Theo lời ông Cường, sau khi mua xe, Thuận nhanh chóng đưa vào sửa chữa, hoán cải để thành 1 xe cứu thương chuyên nghiệp với đầy đủ băng ca, bình ô-xy, còi hú và xin đăng ký, cấp phép hoạt động tại Công an thành phố Hà Nội. Tổng kinh phí đầu tư cho xe cứu thương này khoảng 240 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí mua xe, sửa xe chủ yếu là của anh Thuận và 1 người bạn bên xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh góp chút ít. Ông Cường chỉ có nhiệm vụ bỏ công sức ra chở, phục vụ người dân đi bệnh viện.
Sau khi chiếc xe được cấp giấy phép hoạt động cấp cứu, đích thân anh Thuận đã lái xe mang về quê, giao cho ông Cường quản lý, phục vụ bà con đi viện cấp cứu.
Cuối tháng 6/2016, tại trụ sở UBND xã Trực Đạo trước sự tham gia của đông đảo cán bộ trong 22 thôn của xã Trực Đạo và bà con khu vực, lễ khai trương xe cứu thương từ thiện đã diễn ra trong niềm cảm kích của mọi người.
Từ đó, hình ảnh chiếc xe cứu thương mang BKS 30E-058.70 rong ruổi trên các con đường, chở người bệnh đi các bệnh viện từ huyện, tỉnh tới Trung ương đã trở nên quen thuộc với người dân xã Trực Đạo. Mỗi chuyến xe đều chứa đựng sự tận tâm, trách nhiệm với cộng đồng của cậu cháu ông Cường.
Kịp thời cấp cứu hàng chục bệnh nhân
Ngay sau khi đi vào hoạt động, chiếc xe cứu thương miễn phí ngay lập tức phát huy hiệu quả, trở thành phương tiện giúp đỡ đắc lực và kịp thời cho người bệnh tại miền đất Trực Đạo.
Tháng đầu tiên vận hành, chiếc xe đã đưa được 8 người dân trong xã đi cấp cứu. Vì là đợt vận hành đầu tiên nên ông Cường nhớ khá rõ. Trường hợp ông Ngô Xuân Được ở thôn 10 của xã, là thương binh nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin đang nằm cấp cứu tại BVĐK thị trấn Cổ Lễ may nhờ chuyến xe cứu thương miễn phí của ông Cường nên đã được chuyển viện kịp thời lên bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu, điều trị.
Rồi, trường hợp ông Ngô Bá Nhờ ở thôn 15 trong xã, sau mổ bị đau bụng dữ dội, nghi vấn tắc ruột, nhờ có xe cấp cứu đã được đưa lên bệnh viện tuyến trên cứu kịp thời. Ông Ngụy Hữu Hoán (SN 1954, xóm 11, Trực Đạo) bị tắc nghẽn phổi và phế quản co thắt, nhờ chuyến xe cấp cứu kịp thời của anh Cường mà ông Hoán cũng đã qua cơn nguy kịch...
Dù được yêu cầu đưa đi tuyến nào, lên bệnh viện trên Hà Nội hay tới bệnh viện đa khoa tỉnh, ông Cường không bao giờ nề hà, luôn vui vẻ, tận tâm đưa đi chu đáo. Những bệnh nhân mà ông Cường phục vụ đều là làng xóm, láng giềng... sau mỗi cuộc gọi ít phút, ông Cường có mặt ngay. Hầu hết mỗi người bệnh khi phải chuyển tuyến luôn có y tá, điều dưỡng của bệnh viện đi cùng nên ông Cường chỉ có nhiệm vụ chở sao cho nhanh và an toàn.
Kể về chuyến xe khiến bản thân mình nhớ mãi, ông Cường tâm sự: "Mùng 5 Tết năm 2019, khi anh em họ hàng vừa ngồi vào mâm cơm sum họp thì tôi nhận được điện thoại của một gia đình tại thôn 15. Cháu bé bị ngộ độc thuốc, cần đưa đi cấp cứu gấp… Mâm cơm sum họp gia đình khi ấy đành gác lại, tôi lái xe lên đường mà lòng chỉ mong cháu bé bình an vô sự. Rồi, rất may cháu bé được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch. Lúc đó, trong lòng mình tưởng như được đón hai cái Tết trong một ngày. Và cũng qua đó, tôi dần hiểu thêm và tin tưởng rằng mỗi chuyến xe đưa bệnh nhân đến bệnh viện an toàn, kịp thời là một niềm vui và sự động viên lớn lao bởi đã giúp đỡ được một người giành giật lại sự sống, giúp một gia đình có được hạnh phúc khi người thân được khỏe mạnh trở lại".
Hạnh phúc sau tay lái…
Gia đình ông Cường vốn có nghề làm lợn đất, công việc bận rộn, đơn hàng rất nhiều nên mọi không gian trong nhà gần như chỗ nào cũng là nơi chứa hàng, muốn tìm lối đi lại cũng còn khó khăn. Thế nhưng, ông Cường vẫn "khăng khăng" dành phần đất rộng nhất, đẹp nhất ngay đầu lối vào để làm nơi đậu chiếc xe cứu thương. "Vì đây là xe cấp cứu từ xã nên bệnh nhân không nhiều và liên tục như ở bệnh viện nhưng lúc nào tôi cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng. Chỉ cần người bệnh yêu cầu là xe có thể lăn bánh được ngay", ông Cường khảng khái.
Theo lời người dân trong xóm 12, xã Trực Đạo kể; cứ 2, 3 hôm lại thấy ông Cường xắn tay áo tỉ mẩn lau chùi, dọn dẹp vệ sinh cho chiếc xe. Khi thấy mọi bộ phận và động cơ vẫn hoạt động ổn định, ông Cường mới yên tâm đưa xe về vị trí. Thậm chí, bà Bùi Thị Năng- vợ ông Cường thấy chồng tất bật với chiếc xe nên lại xắn tay dọn dẹp cùng. Những lúc như thế, ông Cường lại tâm sự với vợ: "Lái xe cứu thương khó hơn lái xe chở hàng vì mình chở sự sống, tính mạng người khác".
Sau nhiều năm duy trì và tận tâm với công việc ý nghĩa này, danh sách những người bệnh được cậu cháu ông Cường giúp đỡ ngày một dài ra. Ông Cường kể: "Việc làm của cậu cháu tôi xuất phát từ tâm, muốn làm từ thiện cho quê hương, giúp bệnh nhân nghèo giảm được một phần chi phí khi đi khám bệnh".
"Cũng có đôi lần, công việc này khiến tôi trở nên bận bịu hơn một chút, thế nhưng tôi nhận được nhiều hơn mất. Tôi được niềm vui, được hạnh phúc sẻ chia, được nhiều ân tình từ mọi người nhất là người dân trong xã Trực Đạo. Những giờ phút ngồi sau tay lái, tôi hay ngẫm ngợi về điều răn dậy của bậc tiền nhân, đại ý rằng khi ta thắp một ngọn nến soi cho người khác thì đồng thời nó cũng soi sáng chính con đường ta đi", ông Cường nhoẻn miệng cười.
Chia sẻ về những chuyến xe ý nghĩa câu chuyện ý nghĩa của ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Trực Đạo - ông Nguyễn Thành Nam, bày tỏ: Những chuyến xe cứu thương miễn phí của ông Cường không chỉ đáp ứng tốt hơn yêu cầu cấp cứu và điều trị, bảo vệ an toàn tính mạng người bệnh mà còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm và tinh thần đoàn kết của mảnh đất và con người xã Trực Đạo huyện Trực Ninh.
Tới ngày hôm nay, số lượng bệnh nhân được ông Cường giúp đỡ đã lên tới hàng chục và danh sách ấy vẫn còn đang tiếp tục nối dài ra. Hình ảnh chiếc xe cứu thương của cậu cháu anh Cường và anh Thuận thực sự làm ấm lòng bệnh nhân nghèo…
Mời quý vị xem thêm video dưới đây: