Những cô cậu học trò mang trọng trách... giải cứu chỉ tiêu

Dẫu biết là không trung thực với bản thân, vẫn biết là làm liên lụy đến học sinh. Nhưng thầy cô giáo vẫn lặng yên, nhẫn nại 'bán' đi lòng trung thực của mình.

Cô con gái lớp 3 đi học về hồ hởi khoe: “Ngày mai lớp con thi nên hôm nay cô đổi chỗ ngồi rồi mẹ ạ. Bàn con toàn bạn học dốt nên cô giao cho con phải kèm các bạn ấy khi làm bài”.

Nhiều học sinh giỏi, nổi trội thường được giao nhiệm vụ kèm các bạn mùa thi ((Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nhiều học sinh giỏi, nổi trội thường được giao nhiệm vụ kèm các bạn mùa thi ((Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nói rồi chị Mai cho biết, cô không chỉ đổi chỗ con mình nó mà xáo trộn cả lớp. Những bạn học yếu, kém thường ngày cô xếp ngồi chung một bàn để cô dạy kèm thì hôm nay cô cho vài bạn vào ngồi chung một nhóm với các bạn khá giỏi.

Cô còn phân công nhóm trưởng giúp đỡ các bạn khi làm bài.

Nghe con bé nói thế, chị Mai nói mình đã hiểu ra câu chuyện con chị và một số bạn học giỏi trong lớp có nhiệm vụ “giải cứu” chỉ tiêu cho các thầy cô vào mùa thi cử.

Những đứa trẻ mang trọng trách “giải cứu” chỉ tiêu

Đó là những học sinh có lực học giỏi, nổi trội trong lớp. Những học sinh này, thường được giáo viên giao làm cán bộ lớp và nhóm trưởng các nhóm trong lớp.

Chuyện đổi chỗ, xếp lại chỗ ngồi, cắt cử người “giải cứu" vào thời điểm mùa thi, xảy ra nhiều nhất ở bậc tiểu học nhưng không có nghĩa 2 bậc học còn lại không có.

Những cô cậu bé tiểu học khi được phân công vai trò kèm các bạn yếu trong nhóm (nhưng thực chất là chỉ bài cho các bạn làm) luôn lấy làm tự hào vì mình đã được thầy cô tin tưởng giao cho trọng trách “lớn lao”.

Nhiều em tỏ ra hào hứng đi đâu cũng khoe. Có em còn “lên mặt” với những bạn mình đang kèm.

Có lẽ cũng chưa hiểu thế nào là xúc phạm người khác nên không ít em cứ vô tư chỉ trích bạn trước mặt mọi người kiểu: “Bạn ấy học ngu nhất nhóm con”;

“Bạn ấy học chẳng biết tí gì”; “Là nhờ con chỉ bài bạn ấy mới được điểm cao thế đó; “Là bạn ấy copy bài của con nên mới được vậy”…

Dù không muốn, nhiều thầy cô giáo cũng buộc phải làm thế

Chỉ tiêu ở nhiều trường tiểu học đưa ra luôn ở mức 98% đối với các trường bình thường. Những trường chuẩn quốc gia luôn ở mức 99%-100%.

Trong khi đó, nếu đánh giá thực chất (chúng tôi thường gọi là đánh giá thẳng tay) con số 90% học sinh hoàn thành lớp học là tột đỉnh.

Giáo viên dù không muốn kí mức chỉ tiêu này cũng không thể được vì chỉ tiêu đã được đưa vào nghị quyết trong Hội nghị công nhân viên chức đầu năm.

Nếu thầy cô giáo nào không đạt chỉ tiêu xem như tự mình tước đi những danh hiệu thi đua mà một giáo viên cần phải có.

Như việc xếp loại công chức hằng năm sẽ không thể hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chỉ là hoàn thành hoặc không hoàn thành vì còn hạn chế về năng lực chuyên môn.

Theo lý giải của cấp lãnh đạo, giáo viên có hạn chế năng lực chuyên môn nên lớp dạy mới không đạt.

Mà đã là giáo viên thì chẳng ai lại muốn mình bị đánh giá hạn chế về năng lực trong khi mình không phải thế. Vậy là, cuộc chạy đua “giải cứu” chỉ tiêu cứ thế mà ngấm ngầm xảy ra.

Dẫu biết là không trung thực với chính bản thân mình, vẫn biết là còn làm liên lụy đến cả những em học sinh như việc tập cho các em những việc làm gian dối ngay từ những năm tháng đầu tiên của tuổi học trò.

Nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn phải lặng yên, nhẫn nại “bán” đi lòng trung thực vốn có của mình.

Thủy Trúc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-co-cau-hoc-tro-mang-trong-trach-giai-cuu-chi-tieu-post205097.gd