Những cô gái bị đặt tên mang ý nghĩa 'mong có em trai'
Nhiều phụ nữ Trung Quốc bị cha mẹ đặt cho cái tên thể hiện khao khát có thêm con trai nối dõi. Không ít người gặp rắc rối, bị kỳ thị vì những tên gọi này.
“Sau một tuần vừa qua, cuối cùng tôi đã đổi tên thành công. Hãy để những ngôi sao tỏa sáng trong tương lai. Đời chưa bao giờ là quá muộn!”, Chen Xingwan (20 tuổi) ăn mừng trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Suốt 2 thập kỷ qua, cô gái Trung Quốc này có tên là Chen Yanan. Trong đó, “ya” nghĩa là “chỉ kém quan trọng hơn”, còn “nan” tức “đàn ông”, SCMP đưa tin. Người cha, chịu trách nhiệm đặt tên cho cô gái, nói rằng cái tên thể hiện mong ước “có con trai kế tiếp đứa trẻ này” của gia đình.
Khi chia sẻ giấy tờ định danh trên mạng xã hội Xiaohongshu, sinh viên đại học đến từ tỉnh An Huy bày tỏ hy vọng việc đổi tên sẽ chấm dứt quãng thời gian dài nghi ngờ bản thân, từ đó bắt đầu chương mới trong đời cô.
Chen là một trong số nhiều phụ nữ Trung Quốc muốn thay đổi cái tên mang ý nghĩa phân biệt giới tính mà cha mẹ đặt cho nhằm phản ánh mong ước có con trai của họ.
Xu hướng này ngày càng lan rộng năm qua trong bối cảnh các cuộc đấu tranh vì nữ quyền lan tỏa rộng rãi và Trung Quốc cũng nới lỏng các hạn chế đối với thủ tục đổi tên hợp pháp của người trưởng thành.
Bị kỳ thị vì tên cha mẹ đặt cho
Đầu năm 2021, Trung Quốc thi hành Bộ luật Dân sự đầu tiên cho phép người trưởng thành tự chọn tên của mình, miễn là các từ ngữ được sử dụng “không đi ngược lại các giá trị xã hội cơ bản”.
Do tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu xã hội, những cái tên đặt cho con gái nhưng thể hiện mong muốn sinh con trai của gia đình rất phổ biến cả trước và trong chính sách một con.
Chính sách này đã giới hạn tất cả cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được sinh một con, còn các cặp ở vùng nông thôn được phép sinh đứa thứ hai nếu con đầu lòng là con gái. Mãi đến năm 2015, tức 35 năm sau khi chính thức được ban hành, chính sách mới được bãi bỏ hoàn toàn.
Điều này dẫn đến thực trạng nhiều bậc cha mẹ đặt tên cho con gái đầu lòng những cái tên như Yanan (chỉ quan trọng kém nam giới), Zhaodi (vẫy gọi em trai đến đây), Yingdi (chào đón em trai) hay Aidi (yêu thương em trai).
Một cái tên khác là Shengnan (tốt đẹp hơn đàn ông), thường được hiểu rằng “mặc dù là nữ giới, con vẫn tốt hơn một thằng con trai”. Dù nghe chừng đề cao nữ giới, cái tên thực chất vẫn dựa trên giả định phân biệt giới tính rằng đàn ông vượt trội hơn phụ nữ.
Theo Bộ Công an Trung Quốc, trong số công dân nữ mang 3 họ phổ biến nhất là Wang, Li và Zhang, gần 32.000 người được gọi là Yanan. Hơn 13.000 người khác có tên Zhaodi.
“Từ bé đến giờ, mọi giáo viên đều hỏi tôi những câu giống nhau khi lần đầu tiên nhìn thấy tên của tôi, rằng ‘Bố cháu muốn sinh thêm con trai à?’, ‘Cháu có em trai không?’”, sinh viên đại học Chen kể lại.
Em trai của cô ra đời khi Chen 3 tuổi và được đặt tên là Yongkuan. Chen nói rằng cái tên đó “rất bình thường” và không mang lại rắc rối cho thằng bé. Trong khi đó, cô gặp nhiều vấn đề, thậm chí bị kỳ thị chỉ vì tên mình.
Một số bạn học đã trêu chọc, đặt cho cô những biệt danh gây khó chịu liên quan đến từ “đàn ông”, chẳng hạn “phòng của đàn ông”. Những sự việc như vậy khiến Chen ghét bỏ cái tên của mình.
“Tôi ghét tên của mình từ khi còn nhỏ. Khi được yêu cầu giới thiệu bản thân, tôi luôn cảm thấy không muốn nói tên. Đối với một số người, tên gọi có thể không đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng với nhiều người khác, có thể họ đã tổn thương tâm lý”, Chen chia sẻ.
Trào lưu đi đúng hướng
Nhiều phụ nữ Trung Quốc đã hưởng ứng câu chuyện của Chen bằng cách chia sẻ trải nghiệm thay đổi tên của mình, trong đó có Zhang Yingdi (22 tuổi, thành phố Thiên Tân) đổi thành Zhang Yuge và Lin Aidi (24 tuổi, tỉnh Quảng Đông) đổi thành Lin Lisha.
Huang Chunyu, một giáo sư về văn hóa và lịch sử Trung Quốc đã nghỉ hưu, cho biết tên của một cá nhân thường truyền đạt kỳ vọng và hiểu biết của người đặt tên cho họ về một cuộc sống tốt đẹp.
“Ngay cả hiện nay, đối với nhiều gia đình, có con trai sau khi đã sinh con gái vẫn mang nhiều lợi ích hơn trong cuộc sống tương lai của họ. Chừng nào quyền thừa kế họ vẫn chỉ dành cho nam giới, xã hội sẽ luôn tồn tại mong muốn có con trai nối dõi”, ông chia sẻ.
Giáo sư nói thêm rằng nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới ngày càng gia tăng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng đổi tên gần đây.
“Sau khi chính sách một con kết thúc, nữ giới trở nên độc lập và tự tin hơn. Họ từ chối phục tùng nam giới và tin rằng mình tốt ngang ngửa, thậm chí hơn đàn ông. Do đó, xu hướng này phản ánh đúng sự phát triển xã hội”, ông nói.
Về phần mình, Chen cho biết cô rất vui vì thái độ của cha mẹ đã thay đổi theo thời gian. Họ bày tỏ sự ủng hộ khi con gái nói rằng muốn đổi tên.
“Theo thời gian, cha mẹ không còn cứng nhắc như trước. Họ không những đồng ý với quyết định này, mà còn giúp tôi chọn một cái tên mới”, cô chia sẻ.