Những cô gái 'vàng' tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII, năm 2022
Hội thi thể thao dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc lần thứ XII, năm 2022 đang diễn ra sôi nổi và hấp dẫn. Được theo dõi các màn thi đấu đầy ấn tượng và được trò chuyện với các vận động viên, mới thấy tình yêu thể thao luôn cháy bỏng trong họ. Chính điều đó đã giúp họ có những thành tích đáng nể tại hội thi.
* Nữ vận động viên “vàng” trong làng đẩy gậy
Theo dõi các cuộc rượt đuổi tranh huy chương ở môn đẩy gậy, khán giả không khỏi trầm trồ, thán phục bởi độ bền sức khỏe và kỹ thuật, chiến thuật của các vận động viên.
Ở nội dung thi đấu đối kháng cá nhân nữ hạng cân trên 72 kg, sau khi vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, chị Lù Thị Hoa, dân tộc Thái, ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với các phần thi bất bại.
Năm nay 43 tuổi nhưng chị Hoa đã có kinh nghiệm tham gia các sàn đấu đẩy gậy của tỉnh cũng như quốc gia đến 23 năm. Chị không nhớ đã tham gia các hội thi thể thao bao nhiêu lần, chỉ nhớ năm ít thì 1 - 2 lần, năm nhiều thì 3 - 4 lần. Chính vì có "thâm niên" trong các giải đấu đã giúp chị có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Chị Hoa vốn làm nông, công việc quanh năm là gieo trồng trên nương, ruộng, vườn. Công việc nhà nông vất vả cũng là dịp để chị rèn luyện thể lực. Chị đùa vui: Ngày nào cũng gánh hàng chục kg nông sản, phân bón… thì có khác gì tập tạ để rèn luyện thể lực đâu!
Theo chị Hoa, thi đẩy gậy cần nhất là sức khỏe, sự bền bỉ. Đặc biệt, để giành chiến thắng, người chơi cần có kỹ thuật chắc chắn trong thế đứng, thế thủ, thế tấn công, tay cầm đầu gậy và chiến thuật riêng trong việc ghìm giữ đối phương, tạo thế tấn công và tấn công quyết liệt giành chiến thắng.
Trong trận chung kết nội dung cá nhân nữ hạng cân trên 72 kg của hội thi năm nay, chị Hoa gặp vận động viên đoàn Thái Nguyên nặng 97 kg (hơn chị Hoa 6 kg). Áp dụng đúng kỹ thuật, chiến thuật đã từng nhiều năm thi đấu thành công, chị đã chiến thắng 2 - 0 trước đối thủ.
* Cô giáo đam mê bắn nỏ
Đội tuyển môn bắn nỏ của đoàn Lào Cai đã có một mùa giải thành công tại Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc năm 2022. Với 6 thành viên tham dự, đội đã mang về 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng, vượt 2 Huy chương Vàng so với chỉ tiêu giao và giành giải Nhất toàn đoàn môn bắn nỏ. Một trong những vận động viên đem lại thành tích cao cho đoàn của tỉnh ở môn này là cô giáo trẻ Bàn Thị Tâm, người Dao tuyển xã Trì Quang (Bảo Thắng).
Cô Tâm hiện là giáo viên dạy môn Địa lý của Trường THCS thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng). Dù "bén duyên" với môn bắn nỏ mới 7 năm, nhưng cô được coi là một trong những tay nỏ “cứng” của làng bắn nỏ tỉnh với rất nhiều huy chương các loại ở cuộc thi thể thao các cấp. Tại Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc, cô giáo trẻ dự thi nội dung quỳ bắn nhanh cá nhân và xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Nói về niềm đam mê với môn thể thao cổ truyền của dân tộc, cô Tâm cho biết, bản thân học hỏi từ bố của mình là ông Bàn Văn Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắn nỏ xã Trì Quang. Năm 2017, ông Hạnh tham gia Hội thi thể thao các DTTTS của tỉnh, được tìm hiểu về bộ môn bắn nỏ, ông rất thích. Sau đó, ông tự luyện tập và "truyền lửa” đam mê cho các thành viên trong gia đình. 3 người con của ông Hạnh cũng đam mê môn bắn nỏ lúc nào không hay và theo chân bố tham gia nhiều cuộc thi lớn, nhỏ ở địa phương và thường giành giải cao.
Cô giáo Tâm cho biết: Bắn nỏ không đòi hỏi quá nhiều về thể lực, nhưng những yêu cầu về sự kiên trì, nhẫn nại và tập trung ngay cả trong tập luyện và thi đấu phải được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo cô Tâm, khi bắn nỏ, những điều kiện về khí hậu, thời tiết phải được người chơi tính toán thì mới đạt kết quả cao, bởi theo kinh nghiệm, mũi tên bay sẽ thay đổi tùy theo độ ẩm của không khí. Ví như vào buổi sáng, độ ẩm không khí cao, mũi tên rơi thấp do sức cản của không khí, còn khi trời nắng, mũi tên sẽ rơi cao hơn…
Nghe cô Tâm say sưa kể về kinh nghiệm bắn nỏ với những am hiểu về nỏ, về đường tên bay theo từng vùng khí hậu, tôi hiểu niềm đam mê môn thể thao dân tộc đã “ăn” vào máu. Không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà hơn hết đó còn là món ăn tinh thần, đem lại niềm vui cho cô giáo trẻ.
* Nữ vận động viên đẩy gậy nặng cân nhất hội thi
Theo dõi đoàn thể thao tỉnh Hòa Bình thi đấu các môn như đẩy gậy, kéo co… nhiều người hướng ánh mắt về phía 2 nữ vận động viên có thân hình "đồ sộ".
Cụ thể, nữ vận động viên đẩy gậy nặng nhất hội thi là Lường Thị Kiều (101 kg), sinh năm 1996, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Được biết, gần chục năm trở lại đây, các giải đấu đẩy gậy do huyện Đà Bắc hoặc tỉnh Hòa Bình tổ chức, Lường Thị Kiều đều không có đối thủ ở hạng cân trên 75 kg.
Gần đây nhất, tại Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc lần thứ XI, năm 2019 tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn, hoặc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc năm 2019 tổ chức tại tỉnh Sơn La, vận động viên Lường Thị Kiều đều vượt qua các đối thủ để giành Huy chương Vàng môn đẩy gậy, hạng cân trên 75 kg.
Đến Lào Cai lần này, cô gái người dân tộc Thái đặt quyết tâm bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng. Tuy nhiên, do chưa thích nghi với điều kiện thời tiết, cùng với thiếu chút may mắn, vận động viên Lường Thị Kiều chỉ giành được Huy chương Đồng. Vận động viên Lường Thị Kiều cho biết: Tôi rất vui khi được tham gia thi đấu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các vận động viên trong hội thi. Thi đấu thể thao có thắng, có thua nên tôi không cảm thấy buồn khi không bảo vệ được tấm Huy chương Vàng. Hy vọng hội thi lần tới, tôi tiếp tục được lựa chọn thi đấu cho đội Hòa Bình và giành thành tích cao nhất.
Đoàn vận động viên tỉnh Hòa Bình tham gia hội thi còn có vận động viên Bùi Thị Thu (91 kg), sinh năm 1998, huyện Tân Lạc. Vận động viên Bùi Thị Thu thi đấu ở nội dung kéo co nam - nữ, kéo co nữ. Ở cả 2 nội dung kéo co, Bùi Thị Thu đều có tên trong đội hình thi đấu, góp công lớn mang về cho đoàn thể thao tỉnh Hòa Bình 2 tấm Huy chương Đồng.
* 100% vận động viên kéo co nữ của Sơn La là người dân tộc Thái
Tham gia Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc lần thứ XII, đoàn thể thao Sơn La tham gia tất cả các nội dung kéo co. Với đội hình phần lớn là những cô gái trẻ, có thể hình, thể lực tốt nên đội kéo co nữ hạng cân 520 kg của Sơn La nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ. Đáng chú ý, tất cả các vận động viên nữ tham gia kéo co của Đoàn thể thao Sơn La đều là người dân tộc Thái.
Ông Cầm Thế Long, phụ trách môn kéo co, đoàn thể thao Sơn La cho biết: Người dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La chiếm trên 70%, vì vậy, việc lựa chọn 100% nữ vận động viên kéo co là người dân tộc Thái cũng là điều bình thường. Các nữ vận động viên kéo co của đoàn rất chăm chỉ, tích cực trong luyện tập, nên có được thể lực, kỹ - chiến thuật tốt. Bước vào các trận đấu, các nữ vận động viên kéo co của chúng tôi đều có quyết tâm rất cao, việc họ giành chức vô địch nội dung nữ hạng cân 520 kg là phần thưởng xứng đáng.
Một điều đặc biệt nữa trong đội kéo co nữ của đoàn thể thao Sơn La có nữ vận động viên Vì Thị Sơn nhìn vẻ ngoài rất cá tính. Trong khi đồng đội búi tóc kiểu của người dân tộc Thái thì Sơn lại cắt tóc ngắn giống nam giới. Vận động viên Vì Thị Sơn được xếp vị trí đầu tiên trong đội kéo co nữ của tỉnh Sơn La. Sức mạnh cũng như kỹ thuật, chiến thuật của Sơn góp công lớn mang về chức vô địch nội dung kéo co nữ hạng cân 520 kg cho đoàn thể thao Sơn La. Trong trận chung kết kéo co nội dung nữ hạng cân 520 kg, đội Sơn La đã vượt qua chủ nhà Lào Cai với tỷ số 2 - 1 để giành chức vô địch.