Những cổ phiếu bất động sản tăng phi mã bất chấp nhóm ngành ảm đạm
Thời gian qua, bất động sản là nhóm ngành yếu thế trên thị trường chứng khoán. Các mã lớn của ngành như VIC, VHM, NVL, DIG, DXG, CEO, KDH, NLG... đều 'dò đáy' hoặc lình xình đi ngang, nhưng vẫn có những cổ phiếu đi ngược xu hướng ảm đạm đó.
Cổ phiếu vượt đỉnh là NTL của CTCP Phát triển nhà đô thị Từ Liêm (Lideco). Mã đang giao dịch ở vùng giá cao nhất trong lịch sử là trên 49.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, NTL đã tăng hơn 80% giá trị.
Lideco hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và đầu tư xây dựng các khu đô thị, với các dự án trọng yếu như khu đô thị Bắc Quốc lộ 32 (quy mô 39ha, Hà Nội), khu đô thị Bãi Muối Hạ Long (quy mô 23ha, Quảng Ninh), khu đô thị Dịch Vọng Cầu Giấy (quy mô 22ha, Hà Nội), khu đô thị Núi Hạm (quy mô 68ha, Quảng Ninh)...
Đà tăng của NTL đi cùng với câu chuyện tăng vốn mạnh. Công ty vừa nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện là 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền nhận 1 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng là 5/7/2024.
Theo phương án trên, NTL sẽ phát hành 60,98 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ gấp đôi lên gần 1.220 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, kết quả năm 2023 của Lideco khá khả quan với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 134% và 240% so với năm trước đó, tương đương 914 tỷ đồng và gần 364 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 256 tỷ đồng, giảm lần lượt 18% và 30% so với năm 2023. Trong quý 1, NTL ghi nhận doanh thu thuần đạt 37 tỷ đồng (giảm 48% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu đến từ hoạt động bán bất động sản. Nhờ giá vốn bán hàng giảm mạnh nên công ty vẫn lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng, tăng gấp hai lần cùng kỳ.
TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Hoàng Huy Group) cũng khiến các cổ đông hài lòng khi vươn lên vùng giá trên 21.000 đồng/cp, tăng hơn 60% so với hồi đầu tháng 3/2024 và trở lại mức giá cao nhất từ tháng 1/2022. Mức đỉnh của cổ phiếu này là vùng 28.000 đồng/cp. Giai đoạn thị trường chạm đáy cuối năm 2022, TCH từng lùi về vùng giá 5.000 đồng/cp.
Hoàng Huy Group bắt đầu ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh và lắp ráp xe máy, ôtô tải. Doanh nghiệp sau đó lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án quy mô lớn tại Hải Phòng như khu đô thị mới Hoàng Huy New City (Hải Phòng); tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ chung cư cao cấp Hoang Huy Commerce (Hải Phòng); tổ hợp shophouse và căn hộ cao cấp Hoang Huy Grand Tower; khu đô thị nhà ở chất lượng cao Pruksa Town... Doanh nghiệp cũng là chủ đầu tư dự án Golden Land 275 Nguyễn Trãi (Hà Nội), được thực hiện trên khu đất có tổng diện tích 2,4ha với tổng vốn dự kiến trên 4.000 tỷ đồng.
Hoàng Huy được nhà đầu tư đánh giá cao nhờ chiến lược trong mảng bất động sản. Nếu như trong 2020 – 2021, các công ty bất động sản đua nhau ôm càng nhiều dự án càng tốt, thì TCH lại chỉ giữ tiền trong ngân hàng, hàng tồn kho không tăng trưởng. Chính nhờ việc “ẩn mình chờ thời” này mà doanh nghiệp tránh được giai đoạn khủng khoảng.
Khi thị trường bất động sản ấm lên, TCH lại nhanh chóng tăng lượng hàng tồn kho của mình từ trung bình 3.000 - 4.000 tỷ đồng lên gần 10.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2024. Đây lượng hàng lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Tiền mặt cũng giảm mạnh tương ứng, từ hơn 6.000 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 1.500 tỷ đồng.
Thời gian qua, doanh thu bất động sản của Hoàng Huy chủ yếu đến từ dự án Hoàng Huy Commerce. Công ty đang lên kế hoạch mở bán dự án HH New City quy mô 65 ha tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Dự án bao gồm các sản phẩm đất nền biệt thự, liền kề, shophouse, chung cư thương mại và căn hộ nhà ở xã hội.
Đà tăng của TCH thời gian qua còn được kỳ vọng từ dòng tiền khối ngoại. Trong đợt review quý 2/2024 vào ngày 7/6 vừa qua, FTSE Rusell đã chính thức thêm mã này vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index. SSI ước tính TCH sẽ mua khoảng 4,6 triệu cổ phiếu khi được thêm mới vào rổ chỉ số.
Ngoài hai mã đáng chú ý trên, một số cổ phiếu bất động sản nhỏ khác cũng diễn biến tích cực thời gian qua. NHA của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội liên tục tăng giá mạnh và ghi nhận thanh khoản gia tăng trong những phiên gần đây. Phiên 21/6, mã đã tăng trần từ sớm lên mức giá 32.600 đồng/cp, tăng 68% kể từ cuối tháng 4/2024 đến nay. Tuy nhiên so với mức đỉnh gần 70.000 đồng/cp thì còn cách khá xa.
QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng mạnh từ vùng giá 8.000 đồng/cp hồi tháng 2/2024 lên sát 18.000 đồng/cp vào giữa tháng 4. Sau đó mã điều chỉnh và hiện đang giao dịch ở vùng giá gần 14.000 đồng/cp.
API của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương tăng gấp đôi giá trị kể từ đầu tháng 5/2024 đến nay, từ vùng giá 4.000 đồng/cp lên hơn 8.000 đồng/cp. Đây là một trong ba mã thuộc “họ APEC” cùng “tạo sóng” thời gian qua.
DTD của CTCP Đầu tư Phát triển Thành Đạt vươn lên vùng giá trên 29.000 đồng/cp, tăng 45% chỉ từ giữa tháng 4/2024 đến nay. Vùng đỉnh của mã này là 34.000 đồng/cp, xác lập hồi tháng 1/2022.
DPG của Tập đoàn Đạt Phương tăng hơn 40% kể từ cuối tháng 4/2024 đến nay, trở về vùng giá trên 60.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 4/2022. HDG của Tập đoàn Hà Đô tăng 32% so với giữa tháng 4/2024, lên vùng giá 33.000 đồng/cp.
DTD, DPG và HDG ngoài lĩnh vực bất động sản thì còn hoạt động trong các lĩnh vực khác. Với Thành Đạt và Đạt Phương là xây lắp, còn với Hà Đô là năng lượng tái tạo.