Những cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam và nhiều quy luật bị phá vỡ
Trong khoảng một tháng qua, khu vực miền Trung liên tiếp phải hứng chịu nhiều thiên tai, trong đó có đến 4 cơn bão.
Trong khoảng một tháng qua, khu vực miền Trung liên tiếp phải hứng chịu nhiều thiên tai, trong đó có đến 4 cơn bão, đặc biệt là cơn bão số 9, được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp phải hứng chịu những cơn bão lớn.
Đáng lo ngại là nhiều quy luật về bão đã bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác dự báo và phòng, chống.
* Tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 28/10/2020, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Bão số 9 được đánh giá là một cơn bão nguy hiểm. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.
Sáng sớm 28/10, tại cuộc họp với các lực lượng phòng, chống bão số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn.
Các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiểm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đâu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh.
Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.
Các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng chân trên địa bàn có trách nhiệm cùng chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.
Trước đó, từ tối và đêm 27/10, bão đã gây mưa lớn, gió mạnh ở miền Trung, Tây Nguyên.
Cũng trong ngày 27/10 đã có hai tàu bị chìm, 26 thuyền viên mất tích (hiện đang được các lực lượng chức năng tìm kiếm).
Để giảm thiểu thiệt hại do bão, trong mấy ngày qua, các địa phương đã tổ chức cho hàng trăm nghìn người dân đi sơ tán khỏi những nơi nguy hiểm; kêu gọi, hướng dẫn tổ chức hàng nghìn tàu thuyền về tránh trú bão.
* Những cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây
Liên tiếp trong 20 năm vừa qua, Việt Nam đã phải hứng chịu hàng trăm cơn bão, trong đó có các cơn bão lớn, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.
Điển hình là các bão sau:
- Tháng 12/2017, cơn bão số 16, tên quốc tế là Tembin quét qua quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với sức gió cấp 13, giật cấp 15.
Lần đầu tiên cơ quan dự báo ra mắt bản tin bão dành riêng cho quần đảo Trường Sa.
- Tháng 11/2017, cơn bão số 12 có tên quốc tế là Damrey, đổ bộ và quét vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, quét qua một phần các tỉnh Tây Nguyên.
Bão Damrey khiến hơn 100 người thiệt mạng và mất tích hơn 2.000 căn nhà bị phá hủy; hơn 70.000 lồng bè bị mất trắng; 300 trường học bị sụp đổ, hư hỏng; tổng thiệt hại ước tính hơn 22.000 tỷ đồng.
Đây là lần thứ hai trong năm 2017, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo đạt ở mức cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
- Tháng 9/2017, cơn bão số 10 có tên quốc tế là bão Doksuri, bão đổ bộ vào khu vực giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15.
Lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phải đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 (ở mức cảnh báo màu đỏ).
Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.
- Cuối tháng 7/2016, bão Mirinae đổ bộ vào khu vực Thái Bình-Ninh Bình, ảnh hưởng trực tiếp từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.
Mirinea không phải một cơn bão mạnh, chỉ có sức gió tương đương cấp 8-9. Tuy nhiên đây lại là một cơn bão, có quy luật khác thường khi vào đất liền, di chuyển chậm, có thời điểm hầu như không di chuyển.
Cơn bão đã làm 30 nhà đổ sập, 25.000 nhà khác tốc mái, 67 tàu, thuyền bị chìm, 17.000 cột điện bị gãy đổ.
Hà Nội là địa phương có nhiều người bị thương nhất với 9 trên tổng số 21 người.
- Năm 2013, cơn bão số 14 có tên quốc tế Haiyan - sau khi quét qua Philippines với cường độ trên cấp 17 đã đi vào Biển Đông, rồi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh với cường độ gió cấp 11-12, giật trên cấp 14, làm hơn 100 người chết, mất tích và bị thương.
- Năm 2012, cơn bão số 8 - bão Sơn Tinh, sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển thần tốc với tốc độ lên tới 30k/h, là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm trở lại”, tiến thẳng vào đất liền Việt Nam.
Bão làm thiệt hại trên 7.500 tỷ đồng, trong đó, các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…
- Năm 2009, cơn bão số 9 có tên quốc tế Ketsana đi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, ở đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Cơn bão này đã trút một lượng mưa khổng lồ ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, lượng mưa đo được hơn 1.900 mm, gần bằng tổng lượng mưa của cả năm.
Cơn bão và mưa lũ sau đó đã khiến hơn 170 người thiệt mạng và mất tích.
- Tháng 9/2007, cơn bão số 9 có tên quốc tế Lekima, đã quét qua vùng bờ biển Hà Tĩnh-Quảng Bình làm hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy.
Mưa to ở các vùng trung du miền núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ đã gây ra lũ quét và sạt lở đất khiến ít nhất 37 người thiệt mạng cùng 24 người mất tích.
- Đầu tháng 10/2006, một siêu bão có tên là Xangsain cũng ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh miền Trung của Việt Nam, với cường độ cấp 13, giật cấp 14. Bão đã gây mưa to gió lớn và ngập lụt nghiêm trọng.
Cơn bão đã khiến 68 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương, hơn 270.000 ngôi nhà bị sập và hư hại, gần 700 thuyền đánh cá bị chìm và gây ngập trên diện rộng. Tổng thiệt hại do cơn bão gây ra lên đến 10.150 tỷ đồng
- Tháng 5/2006, cơn bão Chanchu dù chỉ đi qua vùng biển ngoài khơi, cũng đã khiến cho gần 300 người chết và mất tích, hàng chục tàu các xa bờ bị nhấn chìm.
- Tháng 11/1997, siêu bão Linda đổ bộ vào Cà Mau làm 2.900 người chết và mất tích, gần 3.000 tàu thuyền bị chìm.
* Nhiều quy luật của bão đã bị phá vỡ
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, cụ thể là hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến các cơn bão, khiến các cơn bão mạnh lên và trở nên thường xuyên hơn.
Theo số liệu thống kê trong vòng 20 năm qua, nhiều quy luật của bão ở nước ta đã bị phá vỡ, tổng số bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên, cụ thể: giai đoạn 1999-2008 tổng số cơn bão là 78, thì đến giai đoạn 2009-2018 là 93; giai đoạn 1999-2008 số cơn bão mạnh trên cấp 12 là 32, thì giai đoạn 2009-2018 là 36 và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta giai đoạn 1999-2008 là 28, giai đoạn 2009-2018 là 44.
Các kỷ lục về số lượng bão trên Biển Đông liên tục được thiết lập, đầu tiên là vào năm 2013, lần đầu tiên ghi nhận số lượng bão lên đến 14 cơn bão, cao hơn trung bình năm 4 cơn bão.
Đến năm 2017, kỷ lục cũ đã bị xô đổ khi có tới 16 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.
Trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016, cơ quan khí tượng đã phải bổ sung cấp siêu bão, tức là cấp 16 trở lên.
Như vậy, thang đo cấp độ bão ở Việt Nam đã chia làm 4 cấp độ: bão thường có cường độ cấp 8-9; bão mạnh có cường độ cấp 10-11; bão rất mạnh có cường độ cấp 12-15 và từ cấp 16 trở lên được gọi là siêu bão.
Quy luật đổ bộ của bão trong 20 năm qua cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật.
Ví dụ, gần đây nhất là năm 2016, tháng 10 mà bão số 7 lại đổ bộ vào Quảng Ninh, trong khi theo quy luật thời gian này bão phải xuống đến khu vực Trung Trung Bộ.
Hay vào năm 2017, bão số 2 Talas và bão số 4 Sonca hoạt động trong khoảng nửa cuối tháng 7 lại đổ bộ vào khu vực miền Bắc và Trung Trung Bộ... ./.