Những con đường, dòng kênh 'dẹp hoài không thấy hết rác' ở TP. HCM

Tình trạng vứt rác bừa bãi gây mất cảnh quan đô thị không còn là điều quá khó gặp ở TP. HCM. Dù đã được nhắc nhở, người dân vẫn không ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, dọc trên các tuyến đường ở khắp các quận trên địa bàn TP. HCM, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Một con đường quanh chợ đầu mối Hóc Môn "ngập ngụa" trong rác.

Bài liên quan

TP. HCM: Bị chặn dưới dạ cầu Rạch Chiếc, người dân khổ sở leo lề

Cận cảnh bãi rác "bủa vây" chợ đầu mối Hóc Môn nhiều năm

Xả rác càng nhiều trả tiền càng cao

“Có thương nhau, xin đừng xả rác” - lời kêu gọi mọi người hãy cùng bảo vệ môi trường

Cụ thể, tại cầu Điện Biên Phủ (nối quận 1 với quận Bình Thạnh), nhiều bọc rác được các tiểu thương bán tự phát bỏ lại.

Trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), rác được vứt ngay tại trạm xe buýt.

Bao ni lông, ly nhựa được nhét thẳng xuống cống thoát nước.

Hoặc được người dân tấp đại vào gốc cây nào đó.

Vật liệu xây dựng cũng được "bày biện" trên vỉa hè.

Hàng ngày, nhân viên vệ sinh phải đi nhặt từng mẩu rác mà người dân vứt lại, nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để tỉnh trạng này.

Trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, lực lượng chức năng đã gắn biển báo cấm xả rác.

Song, các bao nhựa đựng rác vẫn bị tấp vào các góc cây tại các công viên.

Dưới chân cầu Thị Nghè, vô số loại rác được vứt lại, không biết tồn đọng từ bao giờ.

Nhiều mảnh thủy tinh rơi vương vãi tại đây, gây nguy hiểm nếu người dân không may giẫm phải.

Ghi nhận tại Rạch Cầu Bông, hàng chục hộ dân sống dưới cảnh bị bao vây bởi dòng nước ô nhiễm, đầy rác thải.

Nước thải, chất thải sinh hoạt được thải trực tiếp xuống rạch gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước cũng như không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân cũng như mỹ quan đô thị.

Đàn cá thoi thóp, tìm đường sống dưới dòng nước ô nhiễm.

“Mỗi lần đi ngang chỉ biết nín thở, mùi hôi xộc vào mũi vô cùng khó chịu, rất buồn nôn. Tôi thấy nhân viên môi trường đến dọn thì hôm sau lại đầy rác tiếp. Cái này tùy vào ý thức người dân chứ không thể nào cứ đi theo dọn mãi được. Chưa kể rác làm tắc cống, mưa xuống là đường sá ngập lênh láng”, bà Huỳnh Thị Yến (ngụ quận Bình Thạnh) nói.

Cầu Dừa (quận 4) cũng không ngoại lệ khi rác thải cứ trôi theo dòng nước mỗi ngày.

Đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, nối từ quận đến QL1A (đoạn đi qua huyện Bình Chánh) từng là một trong những con đường có cảnh quan đẹp của thành phố.

Tuy nhiên, vẻ đẹp này dần biến mất khi người đi được bắt gặp cảnh rác thải được tấp hàng đống vào lề đường, lấp kín gốc cây, tràn xuống kênh rạch, bốc mùi hôi thối.

Bên cạnh đó, cầu Kênh Tẻ nơi ngay từ lâu đã được phản ánh việc bị ô nhiễm nặng, vẫn còn xuất hiện tình trạng vứt rác bừa bãi.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, chất thải nhựa vẫn ở mức rất cao. Đây là "gánh nặng" nghiêm trọng cho môi trường.

Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nylon chiếm khoảng 8% - 12%; lượng rác thải nhựa, túi nylon tăng dần theo từng năm.

Một số quận, huyện tại TP. HCM đã có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, bố trí camera, phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Thế nhưng, tình trạng này cứ thế tiếp diễn.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-con-duong-dong-kenh-dep-hoai-khong-thay-het-rac-o-tp-hcm-post197792.html