Những con số trở nên 'biết nói'
Khác với những cuốn sách đơn thuần là chữ, 'Kể chuyện bằng dữ liệu - Hành trình kiến tạo thay đổi trong thời đại số' do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản là những câu chuyện được kể dựa theo số liệu thống kê, biểu đồ, hình ảnh và bố cục rõ ràng...
Với lối trình bày thuyết phục và cách viết đơn giản, dí dỏm biến những kiến thức, thông tin khô khan thành những câu chuyện chứa đựng thông tin hấp dẫn, Kể chuyện bằng dữ liệu là cuốn sách mang tính ứng dụng cao giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát và dễ hiểu nhất về cách biểu đạt dữ liệu.
Đặc biệt, Kể chuyện bằng dữ liệu đưa ra nhiều cấu trúc mà người đi làm thường sử dụng để thuyết minh cho ý tưởng công việc của mình và kể một câu chuyện sao cho hấp dẫn. Một ví dụ cụ thể chính là cấu trúc 3 đoạn của Aristole. Theo tác giả, người đọc có thể áp dụng một biến thể đơn giản nhưng rất hiệu quả của cấu trúc này là: Context (Bối cảnh) - Conflict (Mâu thuẫn) - Conclusion (Kết luận).
Là chuyên viên phân tích dữ liệu và có nhiều năm giảng dạy về lĩnh vực này, tác giả đã thành công trong việc biến những câu chuyện dữ liệu trong sách trở nên gần gũi và thuyết phục hơn, giúp người đọc dễ dàng nắm được thông điệp và áp dụng vào thực tế.
Tác giả Lại Thị Hạnh chia sẻ: “Dữ liệu vẫn chỉ là những con số khô khan nếu chúng ta không thể làm cho những con số đó trở nên 'biết nói', những câu chuyện dễ nhớ, khó quên và thúc đẩy người nghe hành động nhờ kết nối cảm xúc được với họ”.
Trải qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, tác giả thấy rằng thu thập dữ liệu là thật sự cần thiết với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thu thập được lượng thông tin hữu ích và giá trị thì mất nhiều thời gian, công sức để xử lý, phân tích. Tương tự, bà Lại Thị Hạnh cũng nhận ra các học viên của mình rất chú trọng đến phân tích dữ liệu, làm sao tìm được insight (sự hiểu biết sâu sắc về một vấn đề). Thế nhưng, quá trình trao đổi và giao tiếp dữ liệu lại không truyền đạt được thông tin và giá trị tương ứng đến người nghe.
Nữ tác giả nhận định: “Người nghe khó đánh giá cao kết quả bạn làm nếu chỉ thấy được các biểu đồ số liệu như những lát cắt rời rạc. Nhiệm vụ của bạn là lắp các mảnh ghép đó thành bức tranh đẹp và mọi người sẽ thưởng thức bức tranh đó với trọn vẹn một góc nhìn, một cảm xúc”.
Bị thôi thúc bởi câu hỏi “Làm sao để biến những con số khô khan thành những câu chuyện dễ hiểu và thuyết phục người nghe", bà Lại Thị Hạnh cho ra đời cẩm nang Kể chuyện bằng dữ liệu phù hợp với các nhà nghiên cứu, chuyên viên tài chính, nhân sự, kế toán… và cả người làm về marketing, bán hàng hoặc sinh viên...
Thông qua việc tìm hiểu, quan sát và chắt lọc thông tin hoàn thiện cuốn sách, tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp độc giả làm chủ kỹ năng này.
“Tôi nhận thấy rằng kể chuyện bằng dữ liệu không chỉ giúp ích trong công việc mà còn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Từ việc thuyết phục đối tác kinh doanh, báo cáo kết quả nghiên cứu, đến tạo ra các chiến dịch marketing hiệu quả. Tôi luôn tin rằng một câu chuyện dữ liệu không chỉ thuyết phục mà còn có thể thay đổi cách nhìn và hành động của người nghe. Tôi rất yêu dữ liệu và những con số, tôi mong muốn chia sẻ niềm đam mê này với mọi người”, nữ chuyên gia bày tỏ.
Kể chuyện bằng dữ liệu là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Chúng ta đang sống trong thời đại dữ liệu, khi mà dữ liệu được tạo ra với tốc độ chóng mặt và chính con người đang đóng góp đáng kể vào kho dữ liệu khổng lồ đó trong mỗi hoạt động của mình.