Những con tem sống cùng ký ức
Ngày 27 tháng 8 năm 1946, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký sắc lệnh cho Nha Bưu điện in và Phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. 5 mẫu tem thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do cố Họa sĩ Nguyễn Sáng quê Mỹ Tho, Tiền Giang vẽ khi mới 23 tuổi là bộ tem đầu tiên.
Tem Cầu Hàm Rồng năm 1964.
Thú chơi tem
Lần đầu tiên con tem thuần chất Việt với quốc hiệu Việt Nam cùng với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh - Người sáng lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được phát hành gây tiếng vang lớn. Cũng từ đây ngày 27 tháng 8 được coi là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính cách mạng Việt Nam. Cũng từ ấy đến nay, ngành bưu chính đã phát hành trên 1.000 bộ tem với gần 4.000 mẫu. Chức năng chính của tem là phương tiện thanh toán cước phí, tem còn có chức năng tuyên truyền đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước thông qua hình tượng mỹ thuật. Tem cũng là đối tượng thẩm mỹ mà người chơi tem hướng đến.
Chơi tem ở thế giới và Việt Nam bao giờ cũng được xem là thú chơi cao cách mà tao nhã. Thú chơi này đã thu hút, hội tụ đủ thành phần, đủ lứa tuổi. Thú chơi tem trở nên rầm rộ vào những năm 1970, 1980. Thời điểm này nhiều tỉnh, thị xã, thành phố đã có hội chơi tem, câu lạc bộ những người chơi tem; một số tạp chí đã có hẳn góc dành cho những người chơi tem, trình độ sưu tập tem. Trên thế giới cũng đã mở ra nhiều cuộc triển lãm tem, ở Việt Nam đã mỗi ngày dày thêm các bộ sưu tập tem tầm cỡ thế giới và khu vực, chứng minh cho lòng yêu cái đẹp, cảm say cái đẹp hiện hữu trên mỗi con tem của người Việt Nam.
Những giá trị văn hóa và chiều sâu văn hóa lịch sử của mỗi con tem đã cuốn hút, chinh phục, kích thích trí tò mò, lòng ham hiểu biết khám phá của biết bao người. Vẻ lấp lánh của màu sắc, lúc rực rỡ hào hoa, khi thâm trầm lắng đọng, những đường nét khi mạnh mẽ, lúc khoan thai cùng thế giới huyền diệu muôn màu của con tem dường như có lực hút diệu kỳ của thế giới vô hình để người chơi không thể rời, càng khó để dứt bỏ. Thế giới sâu xa, rộng lớn của tem đã làm nên niềm say mê thánh thiện và hữu ích.
Những con tem tôn vinh vẻ đẹp Thanh Hóa
Những con tem được các họa sĩ dày công và tâm huyết vẽ nên, có sức khái quát cao, hàm súc mà giàu ý nghĩa đã góp phần mạnh mẽ trong truyền thông tôn lên khắng định sức sống Việt, vẻ đẹp Việt. Mỗi con tem chính là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ bé, mà quí giá đáng được thưởng thức, được lưu giữ và trân quí.
Những con tem Việt Nam hết sức phong phú đa dạng và hấp dẫn. Thế giới tem cũng là thế giới thu nhỏ của hoạt động chính trị, kinh tế văn hóa xã hội của con người. Tem Việt Nam được phát hành xưa nay cũng hướng tới nhiều chủ đề, nhiều thể tài như: Vẻ đẹp của thiên nhiên ba miền Bắc Trung Nam, vẻ cổ kính thâm nghiêm độc đáo và sắc sảo của Di tích kiến trúc, điêu kắc cổ qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, vẻ đẹp của di tích danh lam thắng cảnh và những công trình kỳ vĩ tài hoa do con người sáng tạo nên. Địa danh Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế là nơi có nhiều sự kiện, hình ảnh được đưa vào và tôn vinh nhiều hơn cả. Thanh Hóa cũng có niềm vinh dự ấy tuy số lượng được đưa vào tem không nhiều, nhưng hết sức điển hình và tiêu biểu cho một vùng quê giàu truyền thống lịch sử yêu nước anh hùng và cách mạng. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua những con tem quý giá này:
Tem Khởi nghĩa Bà Triệu được phát hành ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Họa sĩ Lê Trí Dũng và Nguyễn Du có khuôn khổ 33x26R, 13 được in ốp sét nhiều màu, ghi mệnh giá 1.000đ. Bà Triệu (226- 248) được nhân dân và sử sách gọi Bà bằng nhiều tên khác nhau như Triệu Ẩu, Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Lệ Hải Bà Vương. Bà là em gái Triệu Quốc Đạt, vị Huyện lệnh có thế lực và uy tín ở vùng Quân Yên (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay).
Con tem thể hiện hình ảnh Bà Triệu oai phong lẫm liệt trong tư thế anh hùng vưng gươm trừng trị kẻ thù xâm lược. Họa sĩ Lê Trí Dũng và Nguyễn Du đã tôn trọng hình ảnh của Bà trong truyền thuyết để tạo dựng hình ảnh Bà Triệu uy nghi cưỡi voi trắng một ngà xung trận và lũ giặc Lục Dận khiếp đảm, suy sụp trước sự dũng mãnh của Bà và nghĩa quân. Một vinh dự nữa là con tem này được phát hành lần đầu tiên ngay tại Thanh Hóa, quê hương của Bà
Tem Đức vua Lê Thánh Tông, vị minh quân bậc nhất trong lịch sử Việt Nam thời trung đại, vị vua có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước ở nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, luật pháp. Tên tuổi gắn liền bộ Quốc triều hình luật (tức luật Hồng Đức). Được đánh giá là bộ luật hình thành văn cổ nhất Việt Nam còn được giữ lại hoàn chỉnh cho đến ngày nay. Ông còn là chủ soái của Hội Tao đàn với nhị thập bát tú những nhà văn hóa, nhà thơ có tiếng đương thời.
Học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược đã viết “Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề toi đĩa lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam… bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giừo cường thịnh như vậy.”
Đức vua Lê Thánh Tông húy là Tư Thành, sinh năm 1442 quê ở Lam Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Tem thể hiện chân dung đức vua trang nghiêm, thần thái tuệ minh, uy vũ tráng liệt và thuyết phục nhân thế bằng bộ Luật Hồng Đức thể hiện làm nền thêm tôn vinh.
Tem Kỷ niệm 600 năm sinh Lê Lợi (1385-1985). Lê Lợi (1385-1435), Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ của khởi nghĩa Lam Sơn, người sáng lập triều đại nhà Hậu Lê được triều đình suy tôn miếu hiệu Lê Thái Tổ. Ông sinh năm 1385 trong một gia đình hào trưởng uy tín giàu có ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân.
Mẫu tem trình bày sơ đồ trận Chi Lăng- Xương Giang, chiến dịch đánh tan một trong hai đạo quân cứu viện của giặc do Liễu Thăng chỉ huy, đòn quyết định buộc Vương Thông phải đầu hàng. Đây cũng là trận đánh hay trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Tem Kỷ niệm 150 năm sinh Trần Xuân Soạn (1849-1999) do Họa sĩ H. Liệu vẽ. Trần Xuân Sơạn sinh năm 1849, quê Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa) là Đề đốc dưới thời nhà Nguyễn, lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa.
Con tem tái hiện thành công chân dụng vị lãnh tụ can đảm kiên trung, mưu lược, bức chân dung còn được tôn lên bởi hình ảnh anh hùng quật khởi của khởi nghĩa Ba Đình.
Tem Cầu Hàm Rồng năm 1964. Đây là cây cầu lịch sử thể hiện tài năng và sáng tạo của người thợ cầu Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta đã thành công khi xây dựng được trụ cầu bằng cốt thép xi măng giữa lòng sông Mã. Con tem thể hiện vẻ đẹp hoành tráng của cây cầu thép oai hùng bắc qua sông Mã.
Tem Lão quân Hoằng Trường thể hiện hình ảnh các cụ Bạch đầu quân Hoằng Hóa tập trung cao độ tinh thần và ý chí bên súng 12 ly 7 quật ngã thần sấm, con ma Mỹ, tiêu biểu cho Người cao tuổi Việt Nam “tuổi cao trí càng cao”.
Con tem thể hiện biểu tượng anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, kết tinh của tinh thần trí tuệ, sức mạnh Việt Nam dám đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Tem Đập Bái Thượng. Đây là con tem khá đặc biệt về thể tài kinh tế, được in thành 3 mẫu với 3 mệnh giá khác nhau.
Đập Bái Thượng là một công trình thủy lợi mang tầm vóc thế kỷ, do người Pháp xây dựng từ năm 1925, qua nhiều lần được Chính phủ Việt Nam thực hiện nâng cấp đến nay vẫn phát huy công năng to lớn phục vụ tưới tiêu và thoát lũ.
Trong hàng vạn con tem đã phát hành, qua tìm hiểu nghiên cứu, chúng tôi mới bước đầu bắt gặp 7 con tem về Thanh Hóa. Việc tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp cùng những ý nghĩa sâu sa mà con tem thể hiện dường như đã nói lên niềm tự hào của chúng ta về vùng quê anh hùng mà tươi đẹp, nhân lên trong chúng ta những hiểu biết, nhận thức về vai trò vị trí tầm vóc con người, quê hương xứ Thanh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/nhung-con-tem-song-cung-ky-uc/104815.htm