Những công chúa Nga không bao giờ được gặp đàn ông
Từ khi sinh ra, các công chúa ở thế kỷ 17 sống trong tháp terem, chỉ biết cầu nguyện, thêu thùa và buồn chán. Thế giới chỉ biết đến sự tồn tại của họ khi có tin về sự ra đời hay cái chết.
Ở đỉnh cao của trật tự xã hội phụ nữ là hoàng hậu - là tsaritsa - vợ của sa hoàng. Cuộc sống của bà dù thoải mái hơn so với những người phụ nữ khác, nhưng cũng không tự chủ hơn. Bà chăm lo gia đình, cầu nguyện, làm từ thiện và giám sát việc may mặc cho hoàng gia. Hoàng hậu giúp đỡ người nghèo, giám sát hôn nhân và của hồi môn cho các phụ nữ trẻ trong gia đình.
Dù bận rộn, bà vẫn có nhiều thời gian trống để chơi bài, nghe kể chuyện, và xem các trò giải trí của hầu gái và chú lùn. Cuối ngày, sau giờ kinh, hoàng hậu có thể được triệu đến thăm sa hoàng.

Hình ảnh được cho là chân dung các công chúa Nga. Ảnh: Atlas Obscura.
Người ta vẫn còn tranh cãi về việc hôn nhân có phải là điều phụ nữ Nga thế kỷ XVII mong muốn hay không. Tuy nhiên, một số phụ nữ, đặc biệt là các tsarevnas (công chúa), không bao giờ có cơ hội trải nghiệm điều đó. Họ không được gặp gỡ đàn ông, yêu đương hay kết hôn do địa vị hoàng gia, không thể kết hôn với người Nga cấp thấp hay người nước ngoài vì tôn giáo cấm. Từ khi sinh ra, họ sống trong tháp terem, chỉ biết cầu nguyện, thêu thùa và buồn chán. Thế giới chỉ biết đến sự tồn tại của họ khi có tin về sự ra đời hay cái chết.
Ngoại trừ những người họ hàng gần thuộc phái nam và một số linh mục được chọn, chưa có người đàn ông nào được diện kiến những ẩn sĩ hoàng gia này. Bản thân tháp terem là thế giới dành riêng cho phụ nữ. Khi công chúa bị ốm, cửa chớp được đóng, rèm kéo lại làm tối căn phòng và che giấu bệnh nhân. Nếu cần bắt mạch hoặc kiểm tra cơ thể cô ấy, việc đó phải được thực hiện thông qua một lớp gạc phủ lên để không ngón tay nam giới nào được chạm vào làn da trần trụi của họ.
Vào sáng sớm hoặc tối muộn, các công chúa đến nhà thờ, vội vã băng qua những hành lang kín và lối đi bí mật. Trong thánh đường hoặc nhà nguyện, họ đứng sau tấm rèm lụa đỏ ở phần tối của dàn hợp xướng để tránh ánh mắt của nam giới.
Trong các buổi lễ rước, họ đi theo dưới những tấm màn lụa chuyển động hoặc những tán che kín bốn phía. Khi họ rời Điện Kremlin để hành hương đến tu viện, họ đi trên những chiếc xe ngựa hoặc xe trượt tuyết được chế tạo đặc biệt, cửa đóng kín như những phòng giam di động, xung quanh là những người hầu và các kỵ sĩ dọn đường.
Tháp terem lẽ ra cũng là thế giới của Sophia. Sinh năm 1657, bà sống ở đó từ thời thơ ấu, một trong hàng chục công chúa - các chị, dì và con gái của Sa hoàng Aleksey - tất cả đều bị nhốt sau những cửa sổ nhỏ xíu. Dường như không có lý do gì tạo nên phẩm chất hiếm có và phi thường của cô.
Cô đơn giản là con thứ ba trong số tám cô con gái của Aleksey với Maria Miloslavskaya; cô là một trong sáu người sống sót. Giống như các chị em của mình, lẽ ra cô được trang bị một nền giáo dục thô sơ dành cho nữ giới và trải qua cuộc đời ẩn dật vô danh.
Nhưng Sophia thì khác. Một thứ thuật giả kim kỳ lạ nào đó, không có lý do rõ ràng, đã nhấc một đứa trẻ ra khỏi một gia đình lớn và ban cho nó một số phận đặc biệt như Sophia. Cô có trí thông minh, tham vọng, sự quyết đoán mà những người anh em yếu đuối và những chị em vô danh của cô vô cùng thiếu. Gần như thể các anh chị em của cô đã trút cạn sức khỏe, sức sống và mục đích để những phẩm chất này ở Sophia phát huy mạnh hơn vậy.
Từ những năm tháng đầu đời, Sophia đã thể hiện rõ là một người đặc biệt. Khi còn là đứa trẻ, cô bằng cách nào đó đã thuyết phục được cha mình phá bỏ truyền thống tháp terem và cho phép cô cùng học với em trai Fyodor, kém mình bốn tuổi. Gia sư của cô là học giả lỗi lạc Simeon Polotsky, một tu sĩ gốc Ba Lan đến từ học viện nổi tiếng ở Kyiv.
Polotsky nhận thấy Sophia là “một thiếu nữ có trí thông minh tuyệt vời và sự hiểu biết tinh tế nhất, với một tâm trí nam tính hoàn hảo”. Cùng với một tu sĩ trẻ hơn, Sylvestr Medvedev, Polotsky đã dạy học trò của mình thần học, tiếng Latin, tiếng Ba Lan và lịch sử. Cô làm quen với thơ ca, kịch và thậm chí còn biểu diễn trong các vở kịch tôn giáo. Medvedev đồng quan điểm với Polotsky rằng Công chúa Sophia là một học sinh có “sự hiểu biết và khả năng phán đoán tuyệt vời”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cong-chua-nga-khong-bao-gio-duoc-gap-dan-ong-post1567242.html