Những công nghệ an toàn trên ô tô phổ thông hiện nay
Công nghệ an toàn chủ động vốn được coi là trang bị cho xe sang nhưng hiện nay đã dần phổ biến trên những mẫu ô tô bình dân.
Hệ thống cảnh báo tiền va chạm
Vốn chỉ xuất hiện trên những xe trung cấp và cao cấp, nhưng hiện nay hệ thống này rất phổ biến trên ô tô phổ thông.
Hệ thống cảnh báo tiền va chạm (Forward-Collision Warning - FCW) đặt những cảm biến radar và camera ở phía trước của xe, thường được giấu bên trong lưới tản nhiệt, logo hoặc đặt trên kính chắn gió. Chúng liên tục phát đi những đợt sóng radar ở tần số cao và dội ngược lại cảm biến khi gặp chướng ngại vật.
Nhờ đó, bộ xử lý trung tâm (ECU) của xe sẽ tính toán được khoảng cách và thời gian từ xe đến vật thể, dựa trên tốc độ hiện tại của xe và quá trình điều khiển của người lái. Nếu có khả năng va chạm mà người lái không thao tác để giảm tốc, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo để người lái có thể nhận biết và xử lý kịp thời.
Anh Đ.V.Minh (quận Hà Đông, Hà Nội), chủ sở hữu chiếc xe Toyota Altis 1.8V cho biết, hệ thống FCW không ít lần giúp anh tránh va chạm với người đi đường. Có lần đang di chuyển trong nội đô thì bất chợt có người đi đường ngã ra trước đầu xe, may mắn có hệ thống cảnh báo nên anh đã kịp thời đánh lái, giảm ga và tránh được va chạm.
Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi
Hệ thống cảnh báo người và phương tiện cắt ngang (Rear Cross Traffic Alert - RCTA) tối ưu hóa công nghệ radar và sự kết hợp của âm thanh, hình ảnh và âm thanh cảnh báo để hỗ trợ người lái xe khi lùi ra khỏi điểm đỗ. Tính năng này đang dần phổ biến hơn trên các mẫu ô tô mới.
Hệ thống này được thiết kế để giúp người lái lùi ra khỏi những khoảng trống mà có thể không nhìn thấy phương tiện giao thông đang đến gần, như trong các bãi đậu xe.
Hệ thống RCTA sẽ phát hiện các phương tiện đang tiếp cận xe từ bên trái, phải và phía sau trong khi đang lùi ra khỏi bãi đỗ bằng cách chớp các đèn cảnh báo điểm mù (BSM) và âm thanh cảnh báo phát ra đồng thời khi có nguy cơ xảy ra va chạm.
Hệ thống cảnh báo điểm mù
Hệ thống cảnh báo điểm mù (Blind Spot Monitor - BSM) gồm các cảm biến gắn trên gương chiếu hậu, quanh thân xe hoặc cản sau, có nhiệm vụ phát hiện và giám sát các phương tiện, vật thể xung quanh khi xe đang di chuyển.
Ngoài ra, các hệ thống cao cấp có thể được trang bị thêm camera được đặt ở hai gương chiếu hậu.
Khi xe từ phía sau hoặc phía hông tiến quá sát, hệ thống sẽ gửi tín hiệu về bộ điều khiển và thông báo cho người lái qua gương chiếu hậu hoặc hình ảnh trên bảng đồng hồ. Nếu người lái có ý định chuyển làn (bật đèn báo rẽ, đánh lái), hệ thống sẽ phát cảnh báo âm thanh và rung vô lăng, thậm chí có thể hỗ trợ đánh lái để tránh xảy ra va chạm.
Hệ thống cảnh báo chệch làn
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường (Lane Departure Warning System - LDWS) sử dụng camera trước của xe để phát hiện làn đường khởi hành khi đi trên những con đường thẳng với vạch kẻ rõ ràng, có mép đường và lề đường. Trạng thái hoạt động của hệ thống được biểu thị thông qua hình minh họa đánh dấu làn đường trên màn hình đa thông tin (MID) của xe.
Nếu LDWS xác định rằng chiếc xe đang bắt đầu đi chệch khỏi làn đường đã được đánh dấu, hệ thống sẽ cảnh báo âm thanh và hình ảnh. Khi có cảnh báo, lái xe phải kiểm tra cẩn thận làn đường xung quanh trước khi đưa xe an toàn trở lại làn đường ban đầu.
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng
Hệ thống kiểm soát hành trình thông thường giúp người lái có thể cài đặt cho xe tự động giữ chân ga, mở góc bướm ga tự động để xe có thể duy trì tốc độ mong muốn.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control - ACC) ra đời. ACC kết hợp tín hiệu từ các camera, cảm biến và radar để tự động giữ khoảng cách cố định với xe phía trước. Khoảng cách này được người lái thiết lập thông qua nút điều chỉnh trên vô lăng.
Sau khi kích hoạt hệ thống, người lái có thể buông chân ga, xe sẽ tự động di chuyển theo tốc độ đã cài đặt. Nếu trong trường hợp xe phía trước có giảm tốc hoặc dừng lại thì xe cũng giảm tốc và dừng theo để đảm bảo khoảng cách an toàn. Khi phương tiện phía trước di chuyển thoát khỏi vùng quan sát của radar, xe sẽ tự động tăng tốc lên đúng tốc độ đã cài đặt.
Với cùng một nền tảng và những tính năng chính (cảnh báo tiền va chạm, kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo lệch làn đường...), các công nghệ an toàn nâng cao ngày càng hoàn thiện và có xu hướng được các hãng xe tích hợp thành một gói để tạo điểm nhấn khi bán hàng, cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Một số gói an toàn phổ biến ở Việt Nam có Honda Sensing, Toyota Safety Sense, Mazda i-Activsense hay Subaru EyeSight.