Những công nghệ ô tô hiện đại nhưng khó dùng

Có một số hệ thống trên ô tô được cải tiến với mục đích tối giản, mang lại sự tiện dụng cho người dùng. Tuy nhiên, thực tế chúng lại đem tới không ít phiền toái.

Tay nắm cửa ẩn

Trong một vài năm trở lại đây, tay nắm cửa dạng ẩn được trang bị phổ biến trên các mẫu xe phổ thông, đặc biệt là ô tô điện.

Loại tay nắm cửa dạng ẩn đem tới ưu điểm tạo thành một mặt phẳng với thân xe khi di chuyển, điều này giúp tăng tính khí động học, giảm lực cản không khí từ đó giúp tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu, giảm tiếng ồn.

Không chỉ giúp xe giảm lực cản của không khí, kiểu tay nắm này còn làm cho chiếc xe trông cao cấp, hiện đại và mang xu thế của tương lai hơn. Tuy nhiên, loại tay nắm cửa này cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định, đặc biệt với những vùng có khí hậu khắc nhiệt.

Tay nắm cửa dạng ẩn có thể bị kẹt do bụi bẩn.

Tay nắm cửa dạng ẩn có thể bị kẹt do bụi bẩn.

Trong thời tiết lạnh giá hoặc băng tuyết, bộ phận này có thể bị kẹt, không thể trượt ra. Khi trời mưa, tay đang cầm đồ hoặc bị bẩn, việc mở cửa với tay nắm dạng ẩn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Còn đối với điều kiện khí hậu Việt Nam, một số chủ xe từng dở khóc dở cười khi tay nắm cửa dạng thò/thụt không thể ẩn vào thân xe do bị kẹt bởi bụi bẩn. Ngoài ra, điều kiện nắng nóng cũng khiến một số tay nắm cửa dạng ẩn trở nên khó tiếp xúc do nhiệt độ cao.

Nguy hiểm hơn, nếu hệ thống điện gặp lỗi, người dùng chỉ còn biết đứng nhìn xe mà không làm được gì.

Màn hình cảm ứng

Xu hướng điện khí hóa bùng nổ kèm theo đó các hệ thống trên ô tô đều được điện hóa, điển hình trong đó là hệ thống giải trí, tiện nghi.

Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu chạy đua trong việc tối giản nội thất bằng những màn hình cảm ứng cỡ lớn. Đồng thời, họ cũng dần loại bỏ các nút điều khiển vật lý truyền thống cho các chức năng cơ bản như: điều chỉnh âm lượng, nhiệt độ, điều hòa không khí và tích hợp chúng vào màn hình cảm ứng trung tâm.

Màn hình cảm ứng cỡ lớn gây ra nhiều phiền toái cho người lái.

Màn hình cảm ứng cỡ lớn gây ra nhiều phiền toái cho người lái.

Thế nhưng, điều này khiến trải nghiệm người dùng bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt khi đang lái xe. Việc thay các nút cơ học bằng nút cảm ứng khiến thao tác dễ bị nhầm, không có phản hồi xúc giác khiến người lái phải rời mắt khỏi đường để thao tác, gây mất tập trung và tiềm ẩn nguy hiểm.

Ngoài ra, các chức năng đều có thể bị vô hiệu hóa nếu màn hình bị lỗi hoặc hỏng. Việc thao tác nhanh cũng trở nên khó khăn khi người dùng sẽ phải mất nhiều bước và thời gian để tìm kiếm các tùy chọn trong menu phức tạp.

Vô-lăng hình chữ nhật

Hệ thống lái điện tử đang được các nhà sản xuất ô tô phát triển với ưu điểm giảm chi tiết cơ khí, tăng độ tin cậy, đi kèm với hệ thống lái điện tử là vô lăng hình chữ nhật (hay còn gọi là yoke).

Loại vô-lăng này đem tới ưu điểm giảm số vòng đánh lái, tăng tầm nhìn cụm đồng hồ, trông thể thao, hiện đại. Hiện nay, chúng đã có mặt trên một số mẫu xe thương mại như Tesla Model S Plaid hay Lexus RZ.

Tuy nhiên trên thực tế, nó lại gây ra không ít bất tiện cho người dùng trong quá trình sử dụng, đặc biệt là về khả năng kiểm soát và sự thoải mái khi lái xe hàng ngày.

Việc điều khiển ô tô bằng vô lăng chữ nhật là không dễ dàng.

Việc điều khiển ô tô bằng vô lăng chữ nhật là không dễ dàng.

Nhiều người cho biết, gặp khó khăn khi đánh lái nhiều vòng do thiếu điểm tựa phía trên, dễ tuột tay và không thuận tiện như vô-lăng tròn truyền thống.

Bên cạnh đó, tài xế sẽ khó cảm nhận được góc đánh lái của bánh xe, đặc biệt khi lái xe ở tốc độ thấp hoặc khi cần điều chỉnh lái nhanh chóng. Tư thế cầm cũng không tự nhiên, khiến vai và tay nhanh mỏi, đặc biệt trong các chuyến đi dài.

Đáng chú ý, hãng xe điện Tesla đã phải bán thêm tùy chọn vô-lăng hình tròn truyền thống sau khi bị khách hàng phàn nàn quá nhiều về các rắc rối gặp phải trên vô-lăng chữ nhật.

Cần số điện tử nút bấm

Cần số điện tử kiểu nút bấm hoặc cảm ứng đang dần thay thế cho kiểu cần số cơ học truyền thống trên nhiều mẫu ô tô hiện đại. Dù mang lại không gian nội thất gọn gàng hơn và cảm giác công nghệ cao, nhưng kiểu cần số này lại khiến không ít tài xế bối rối.

Nếu như cần số truyền thống cho phép người lái cảm nhận được từng nấc số thì cần số điện tử kiểu mới thường không có phản ứng rõ ràng, buộc người lái phải nhìn vào màn hình hoặc đèn báo để xác nhận, gây mất tập trung khi lái xe.

Cần số điện tử dạng nút bấm buộc người lái phải nhìn vào màn hình hoặc đèn báo để xác nhận.

Cần số điện tử dạng nút bấm buộc người lái phải nhìn vào màn hình hoặc đèn báo để xác nhận.

Thao tác chậm và thiếu phản hồi xúc giác khiến việc lùi, quay đầu hay xử lý tình huống khẩn cấp trở nên lúng túng.

Một số mẫu xe còn đặt các nút P, R, N, D thành hàng ngang hoặc dọc, có xe lại giấu dưới cụm điều khiển trung tâm khiến người mới làm quen dễ bấm nhầm. Chưa hết, cần số điện tử còn là một bộ phận phức tạp nên khi gặp trục trặc, hệ thống cần số có thể sẽ không cho chuyển số, hoặc mắc kẹt ở chế độ P/N.

Trong khi đó, chi phí sửa chữa của cần số điện tử lại cao hơn đáng kể. Điều này khiến nhiều người vẫn ưa thích sự đơn giản và trực quan của cần số cơ truyền thống.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/nhung-cong-nghe-o-to-hien-dai-nhung-kho-dung-192250429163304696.htm