NHỮNG CÔNG TRÌNH MANG KHÁT VỌNG VƯƠN XA (*): Hiện thực hóa mong ước
Với nhiều đóng góp về kinh tế, văn hóa, xã hội… các công trình được tin tưởng giúp TP HCM nói riêng, cả nước nói chung vươn xa
Những công trình được đưa vào sử dụng đang thể hiện dấu ấn của sự đổi thay. Đồng thời, mang biểu tượng của tinh thần đoàn kết, hướng đến tương lai tốt đẹp.
Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM: Tinh thần chung sức, đồng lòng

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ TP HCM thực hiện nhiều công trình thi đua nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, 3 công trình tiêu biểu cấp thành phố gồm sửa chữa, xây dựng 500 căn nhà tình thương cho hộ khó khăn; xây dựng phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí sạch, xanh và thân thiện môi trường cấp quận, huyện, xây dựng khu dân cư sạch, xanh và thân thiện môi trường; và công trình "Vì Trường Sa xanh".
Đến nay, những công trình này đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi diện mạo đô thị, chăm lo tốt hơn đời sống người dân cũng như phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền trong xây dựng TP HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Không riêng Ủy ban MTTQ TP HCM, thời gian qua, các cấp, ngành của thành phố cũng nỗ lực thực hiện công trình thi đua. Quá trình triển khai nhiều công trình, dự án, đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp cũng tham gia vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ.
Đội ngũ cán bộ MTTQ cũng là cầu nối để nắm bắt, tâm tư, mong muốn của người dân và truyền tải đến những địa chỉ liên quan để kịp thời tháo gỡ, giải quyết... Do đó, cũng có thể khẳng định những công trình chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn thể hiện dấu ấn của tinh thần đoàn kết cũng như để lại nhiều bài học sâu sắc về công tác dân vận, vận động nhân dân.
TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Tầm quan trọng từ Trung ương

Điểm nhấn chính của quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là mở ra cơ hội đầu tư dọc 2 bên sông Sài Gòn, khu vực có hạ tầng kết nối gồm các tuyến metro, đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, đường hướng tâm… Những khu vực phát triển hạ tầng sẽ dẫn theo hàng loạt cơ hội đầu tư và là địa điểm đầu tư hấp dẫn của thành phố.
Điều kiện tiên quyết là vốn đầu tư mà đầu tư cho hệ thống hạ tầng thì khá tốn kém. Vì vậy, điều quan trọng là TP HCM cần sự ủng hộ của Trung ương không chỉ về mặt chính sách, cơ chế mà cả ngân sách để phát triển hạ tầng. Khi hình thành hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh chắc chắn sẽ kéo theo cơ hội đầu tư, thu hút đầu tư dự án, đầu tư FDI.
TS VÕ KIM CƯƠNG - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM: Nâng cao khả năng vận hành xã hội

Quy hoạch thành phố được nghiên cứu rất kỹ để mở hướng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong môi trường cạnh tranh toàn cầu cũng như hấp dẫn đô thị, thu hút đầu tư.
Vì vậy, vượt qua thách thức để huy động nguồn lực, trước mắt là nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực là điều quan trọng. Trong đó, muốn thu hút nhân tài thì phải có giải pháp cạnh tranh với các nước. Tất nhiên, chỉ nói về tiền thu hút nhân tài thì có thể thua, nhưng có yếu tố khác để thu hút nhân tài, chẳng hạn như tinh thần dân tộc, niềm vinh quang của đất nước…
Sự đãi ngộ không chỉ ở vật chất mà còn tinh thần. Thành phố muốn phát triển thì phải có nhân tài. Nhìn rộng ra, một số quốc gia trên thế giới đã vươn mình thần kỳ vì có tinh thần dân tộc cao, tạo ra sự kích thích, cống hiến cho đất nước ở mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, để tăng cạnh tranh, tạo sức bật phát triển thì đòi hỏi năng lực bộ máy quản lý xứng tầm. Hiện thành phố có điểm rất tốt là "cách mạng hành chính", tổ chức lại bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW 2017.
Dù vậy, cái gốc của bộ máy là công việc, cách quản lý xã hội, con người và vận hành mang tính hệ thống. Chúng ta cần tạo ra xã hội "tự động hóa" vận hành theo pháp luật, theo quy hoạch. Xây dựng xã hội tự động hóa để giảm công việc quản lý xuống, giảm nhân sự, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC CẨM (Trưởng khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1): Người dân thụ hưởng

Tôi sinh ra, lớn lên và sinh sống tại TP HCM hơn 65 năm qua. Chính vì vậy, tôi cảm nhận được rõ những thay đổi tích cực của TP HCM từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay. Điều này thể hiện rõ qua những công trình lớn mà TP HCM đã và đang thực hiện.
TP HCM ngày càng có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, nhiều tuyến đường cao tốc hiện đại; hệ thống giao thông công cộng phát triển với tuyến đường sắt Metro số 1 và sắp tới là tuyến Metro số 2… Tôi cũng ấn tượng và hài lòng khi thủ tục hành chính của TP HCM được cải cách rất nhiều. Nhờ vậy mà người dân rất thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ.
Người dân chính là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất khi những công trình đi vào hoạt động. Những công trình hoàn thành cũng mang lại sự đổi thay tích cực cho TP HCM. Điều này tiếp thêm động lực, củng cố niềm tin và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân dành cho chính quyền thành phố.
Điển hình là nhiều người dân sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường, hẻm khi chính quyền địa phương phát động. Hoặc khi nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án thì người dân cũng sớm đồng thuận và bàn giao mặt bằng để thi công…
Thời gian qua, khu phố của tôi thực hiện rất nhiều công trình hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có sửa chữa, làm mới lại tuyến hẻm 175 Phạm Ngũ Lão; thực hiện các tuyến đường cờ, hẻm cờ…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-2
Cơ chế đặc thù giúp thành phố vươn mình
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định nhiều năm qua, TP HCM được Trung ương tạo điều kiện phát triển, triển khai nhiều dự án, công trình tiêu biểu có tác động lớn về mọi mặt. Với nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, hàng loạt cơ hội để thành phố trở thành trung tâm văn hóa và kinh tế lớn càng mở rộng.
Ông Hòa đánh giá TP HCM đầu tư dự án giao thông theo hướng đi rất tốt như Vành đai 2, Vành đai 3, đồng thời chuẩn bị thực hiện Vành đai 4; tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; giải quyết kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất... Đây là những dự án, đề án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Cũng theo ông Hòa, khi kết nối giao thông được cải thiện, hình thức giao thông phổ biến kéo theo giảm phương tiện cá nhân và áp lực giao thông. Từ đó, bộ mặt về giao thông của thành phố và cả khu vực trong tương lai thay đổi.
"Tôi tin thời gian tới, các công trình khi đi vào hoạt động sẽ giúp TP HCM vươn mình. TP HCM sẽ trở thành trung tâm văn hóa và kinh tế phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của cả nước" - ông Hòa nhấn mạnh và nhắc thêm lợi thế lớn nữa đó là Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển đường sắt đô thị TP HCM.
Nguyễn Hưởng