Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM.
Công trình có đoạn đi ngầm dài 2,6 km qua 3 ga và đoạn đi trên cao dài 17,1 km qua 11 ga.
Hiện, các nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện tuyến metro số 1 TPHCM, sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ, vận hành thương mại vào cuối năm nay.
Tuyến metro số 1 còn góp phần thay đổi cảnh quan đô thị TPHCM từ khu vực trung tâm quận 1 đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức).
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm: Bình Chánh, 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh với chiều dài toàn tuyến gần 32km.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ đồng và vốn ngân sách thành phố là 4.200 tỷ đồng.
Việc hoàn thành dự án hứa hẹn sẽ giúp tiêu thoát nước, chống úng ngập và cải thiện môi trường cho diện tích 14.900 ha. Đồng thời, hình thành tuyến giao thông thủy, giao thông bộ liên kết khu vực bắc và nam của thành phố, là cơ sở tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2025.
Nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức) có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án giao thông khu vực cửa ngõ được chờ đợi giúp giảm ùn tắc cho điểm đầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường vào cảng Cát Lái.
Dự án có mục tiêu tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, với tuyến đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của các dự án giao thông trong khu vực.
Nút giao thông An Phú có thiết kế 3 tầng với hầm chui 2 chiều nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với trục đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Quy mô mặt cắt ngang phần đường 10-12 làn xe, phần hầm 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe.
Phối cảnh nút giao thông An Phú khi hoàn thành.
Công trình dự kiến sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 30/4/2025.
Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng.
Khi đưa vào hoạt động, công trình này được kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng ùn tắc tại khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Đồng thời, tạo ra sự thông thoáng cho con đường huyết mạch kết nối khu trung tâm TPHCM với huyện Nhà Bè và cảng Hiệp Phước.
Theo chủ đầu tư, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào cuối năm nay.
Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) dài hơn 4km với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Dự án sẽ kết nối nhà ga T3 - cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhằm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện nay, dự án đã đạt khoảng 50% khối lượng. Riêng hạng mục hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đạt hơn 65% khối lượng.
Chủ đầu tư cho biết, hiện tại các đơn vị phấn đấu hoàn thành hầm chui đầu tuyến trước ngày 30/7, hầm chui còn lại sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay theo đúng tiến độ đề ra.
Phối cảnh dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa. Khi hoàn thành dự án giúp kết nối giao thông trực tiếp cho nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM được khởi công vào tháng 6/2023. Công trình có tổng chiều dài 76,3km đi qua bốn địa phương: TPHCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km) và Long An (6,81km). Sơ bộ, tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng.
Tại TPHCM, đường Vành đai 3 dài hơn 47 km (qua TP Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).
Hiện nay tất cả các gói thầu thuộc dự án Vành đai 3 trên địa bàn TPHCM đang được triển khai thi công.
Tuyến Vành đai 3 TPHCM (giai đoạn 1) dự kiến hoàn thành năm 2026. Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Phối cảnh một nút giao thông trên đường Vành đai 3 TPHCM
Hữu Huy - Duy Anh