Những 'công trường' khai thác vàng trái phép giữa rừng phòng hộ ở Gia Lai
Ngày 26/5, UBND huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) công bố báo cáo liên quan đến việc phát hiện hoạt động khai thác vàng trái phép tại Tiểu khu 416, thuộc xã Đăk Sơmei, nằm trong khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý. Qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hầm đào sâu vào lòng đất, cùng các hố thông hơi và hồ chứa tang vật...
Địa đạo "vàng tặc"
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ nhiều công cụ phục vụ khai thác vàng như cân 60kg, cuốc, xẻng, cuộn lưới kim loại, thùng sơn nhựa, máy phát điện, xe rùa và dây điện; bắt giữ một đối tượng nghi liên quan để điều tra. UBND huyện Đăk Đoa đã chỉ đạo UBND xã Đăk Sơmei tiếp nhận tang vật và phương tiện vi phạm để tiếp tục điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan và xử lý theo quy định pháp luật. Theo UBND huyện, ngoài các hầm mới phát hiện, khu vực này còn tồn tại nhiều hầm cũ đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trước đó.
Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động khai thác vàng trái phép gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, hiểm trở, khiến các đối tượng dễ dàng phát hiện và tẩu thoát trước khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra mỏng và các đối tượng thường hoạt động lén lút, đi từng nhóm nhỏ, gây khó khăn cho công tác vây bắt.



Lực lượng chức năng băng rừng tiếp cận hầm đào vàng trái phép
Một "công trường" khai thác vàng trái phép trong rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) bị lực lượng chức năng triệt phá ngày 24/5. Những hầm vàng được đào sâu vào lòng đất với nhiều ngóc ngách như những địa đạo cho thấy hoạt động khai thác vàng đã diễn ra thời gian dài. Tuy nhiên, đến khi báo chí lên tiếng, "công trường" khai thác trái phép này mới bị triệt phá. Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Đoa, vị trí xảy ra khai thác khoáng sản trái phép (vàng) tại khoảnh 1, Tiểu khu 416 địa giới hành chính xã Đăk Sơmei thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa.
Trước đó, sáng 24/5/2025, Tổ công tác thuộc các lực lượng thuộc Công an tỉnh Gia Lai đã ập vào bãi vàng tại tiểu khu 416 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa thuộc địa phận xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, cách trung tâm xã hàng chục km đường rừng. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều hầm, hố thông hơi (cả mới và cũ), hồ có chứa tang vật, phương tiện vi phạm, gồm: cuốc xẻng, cuộn lưới kim loại, thùng sơn, máy phát điện, xe rùa... Trong quá trình truy xét, lực lượng Công an cũng phát hiện, khống chế 1 trường hợp nghi liên quan đến nhóm khai thác vàng trái phép. Hiện vụ việc đang được mở rộng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Vị trí xảy ra khai thác khoáng sản trái phép nằm cách trụ sở UBND xã Đăk Sơ Mei khoảng 20km, cách UBND xã Hà Đông 10km. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa cho biết, qua kiểm tra hiện trường phát hiện, bên cạnh hầm mới đào có dấu hiệu khai thác khoáng sản thì chủ yếu là các hầm cũ từ khá lâu, đã được các lực lượng chức năng của huyện phát hiện, xử lý.
Thời gian qua, UBND huyện đã nhiều lần chỉ đạo các lực lượng chức năng tuần tra, truy quét để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, hiểm trở, phải đi bộ qua nhiều khe, đồi nên dễ bị các đối tượng phát hiện, tẩu tán người, công cụ, phương tiện ra khỏi khu vực khai thác trước khi lực lượng chức năng đến hiện trường.


Một "công trường" khai thác vàng trái phép bị triệt phá
Trước đây, huyện Đăk Đoa đã nghiên cứu phá hủy các đường hầm bằng chất nổ nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân do cửa hầm và miệng hầm rộng có độ sâu lớn, cần số lượng thuốc nổ nhiều, địa hình phức tạp không bảo đảm an toàn cho việc hủy nổ các hầm, bên cạnh đó sẽ làm ảnh hưởng đến địa chất, môi trường và hệ sinh thái rừng tại khu vực này.
Phương án xử lý triệt để
Ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết, để xử lý triệt để, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo và hỗ trợ huyện để có phương án xem xét san lấp, đánh sập các miệng hầm khai thác vàng. Ngoài ra, huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý các diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý.
Đơn vị cũng phải tăng cường lực lượng phối hợp với các lực lượng của xã, Hạt Kiểm lâm trong công tác tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ rừng và quản lý khoáng sản tại khu vực này. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc trên.
Về phương án phá hủy các đường hầm bằng chất nổ, UBND huyện cho biết đã nghiên cứu và đề xuất, nhưng gặp khó khăn do cửa hầm rộng và sâu, cần lượng thuốc nổ lớn, đồng thời phải bảo đảm an toàn cho người và môi trường xung quanh.
Hiện nay, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, truy quét và phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái. UBND huyện Đăk Đoa cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ huyện có phương án xem xét xử lý triệt để, đánh sập các hầm đã được các đối tượng đào để khai thác khoáng sản trái phép trước đó. Vì hoạt động này gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, địa chất và mặt bằng san lấp đất.
Liên quan đến tình trạng khai thác vàng trái phép trên, huyện cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý các diện tích rừng, đất lâm nghiệp được UBND tỉnh giao quản lý.