Những công việc nào có nguy cơ bị đe dọa bởi cách mạng công nghiệp 4.0?
Công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, tài xế taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng và phi công là 5 công việc có nguy cơ cao về đe dọa và thách thức việc làm trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) hé lộ những nguy cơ về giảm số lượng lao động trong những ngành thâm dụng lao động lớn như dệt may, da giày….
Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các ngành sản xuất, đó là nguy cơ mất việc làm cao đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày.
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự báo máy móc công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới.
Hiện Việt Nam có khoảng 55,5 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số trình độ phổ thông, và đây chính là đối tượng dễ bị máy móc thay thế nhiều nhất.
Sự thay đổi ngày càng đi lên của công nghệ, thực tế đã khiến một số lĩnh vực sản xuất trong ngành dệt may, như khâu sản xuất tơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm, máy móc đã thay thế được đáng kể sức lao động của con người.
Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Công thương vừa tổ chức, ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ cao.
Những cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1784): Cơ khí hóa
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1871-1914): Điện khí hóa
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (1969): Tự động hóa
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuối những năm 2000): Số hóa
Không gian công nghiệp ngày càng trở nên linh hoạt trong khi yếu tố định vị công nghiệp truyền thống sẽ giảm dần vai trò. Để thích ứng, thì việc sẽ tái cơ cấu sản xuất cần theo hướng dịch chuyển sang ngành công nghệ cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao; đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao kỹ năng người lao động; tập trung vào đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bàn về cách mạng 4.0 với ngành dệt may, trước đó, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký VITAS cho hay, dẫu máy móc hiện đại không thể thay thế được sức người ở nhiều công đoạn, nhưng công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế, theo đó, mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau.
Chưa hết, dệt may Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng phải đối mặt với nguy cơ chuyển dần sản xuất quay lại các nước, như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc…, vốn là các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.
Sự đe dọa của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, những ngành gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa.
Đơn cử, với ngành dệt may, với những thao tác cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được. Trong bất cứ trường hợp nào, việc làm bị mất sẽ là một vấn đề rất lớn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh máy móc, công nghệ hiện đại ngày càng được bổ sung trong các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro bị mất việc làm.
Bằng chứng của máy móc thay thế con người, được PGS, TS Trần Đình Thiên đưa ra, mùa hè năm 2016, hãng Amazon chỉ có 10.000 ro bốt thì hiện nay đã triển khai hơn 15.000 rô bốt. Honhai thì sử dụng 45.000 rô bốt để thay thế toàn bộ lao động thông thường.
Hơn thế nữa, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.
Bà Louisse Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm một thay đổi lớn trong hệ thống toàn cầu, nhưng với các quốc gia đang phát triển, đây là một thách thức lớn về khả năng cạnh tranh. Nguy cơ những phát triển khó đạt được trong giảm đói nghèo và những tiến bộ trong bình đẳng hóa sẽ bị giảm sút, kèm theo đó là gia tăng bất bình đẳng giữa và trong các quốc gia.
Trong bối cảnh này, hành động sớm để giúp biến đổi nền kinh tế, các tổ chức kinh tế và hệ thống xã hội là cách duy nhất để một nền kinh tế có thể trở nên nổi trội với năng suất, tính bền vững và tính công bằng cao hơn trong dài hạn, bà Louisse Chamberlain đề xuất.
Các chuyên gia đều cho rằng, cách mạng 4.0 với trọng tâm là số hóa sẽ tạo điều kiện để các nền kinh tế thâm dụng lao động được hưởng lợi, theo đó, Mỹ sẽ khôi phục được vị thế hàng đầu. Các nền kinh tế khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng tham gia mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo…
Đe dọa và thách thức việc làm từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0
5 công việc nhiều nguy cơ mất việc
-Công nhân nhà máy: 44%
-Nhân viên thu ngân: 40%
-Tài xế taxi: 20%
-Nhân viên chăm sóc khách hàng: 18%
-Phi công: 16%
5 Công việc khó bị mất vào tay robot nhất
-Bác sỹ/y tá: 3%
-Luật sư: 4%
-Nhà báo: 5%
-Nhà nghiên cứu: 6%
-Nông dân: 11%