Những 'cột mốc sống' chủ quyền trên biển
Giữa muôn trùng sóng biển, mỗi ngư dân, mỗi con tàu cùng với lá cờ Tổ quốc tung bay như là 'cột mốc sống' khẳng định chủ quyền.
Hối hả những chuyến tàu cuối năm
Những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi đến Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng). Đây là nơi neo đậu của hàng trăm tàu thuyền để bán cá và chuẩn bị nhu yếu phẩm cho những chuyến tàu ra khơi cuối năm.
Ghi nhận tại đây, nhiều chủ tàu cùng các thuyền viên nhanh chóng vận chuyển cá từ khoang trong tàu ra để đem lên bờ bán cho thương lái. Một tốp khác thì chuẩn bị lại ngư lưới cụ cùng nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo, không khí hết sức khẩn trương.
Theo nhiều ngư dân, sau khi lấy đủ nhu yếu phẩm, họ sẽ bắt đầu chuyến biển dài ngày để đánh bắt hải sản phục vụ thị trường cuối năm, trước khi cho tàu về bờ để kịp vui Xuân, đón Tết cổ truyền cùng với gia đình.
Ghé vào tàu của anh Hoàng Văn Thắm (trú tỉnh Quảng Bình) số hiệu QB98338TS đang neo đậu tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang trước lúc ra khơi. Vừa bốc cá trong khoang bỏ lên bờ cho thương lái, anh Thắm cho biết trên tàu có tất cả 10 lao động, đều là anh em trong nhà.
Vừa qua, tàu anh đánh bắt ở khu vực vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) trong hơn 10 ngày. May mắn tàu đã đánh bắt được kha khá cá. Chia đủ tiền công lao động cho các anh em.
Đang khẩn trương thu dọn những tấm lưới, ngư dân Trịnh Văn Minh - chủ tàu QB 98048TS (trú tại tỉnh Quảng Bình) cho biết, tàu của anh vừa đi chuyến biển dài hơn 1 tháng, mang về hàng chục tấn cá, mực.
“Đây là chuyến đầu tiên sau thời gian dài. Hiện chúng tôi đang thu dọn lưới cụ để gấp rút ra khơi chuyến biển dài ngày hơn. Trời thương cho “lộc” những ngày cuối năm nên anh em ai cũng hăng hái ra khơi”, anh Minh phấn khởi nói.
Theo nhiều ngư dân ở đây, dự kiến đến 27 - 29 tháng Chạp các tàu cá đánh bắt xa bờ đã bắt đầu cập cảng để về ăn Tết. Sau thời gian nghỉ Tết, thời tiết thuận lợi, mùng 4, 5 Tết, nhiều ngư dân sẽ xuất hành ra khơi chuyến đầu tiên mở hàng đầu năm mới.
Những “cột mốc sống” trên biển
Vừa thay lá cờ Tổ quốc đã bị bạt màu, anh Minh tâm sự: “Như bao con tàu khác ở Việt Nam, mỗi chuyến ra khơi, tàu cá của tôi đều chỉnh sửa hoặc thay lá cờ Tổ quốc. Hàng chục năm bám biển, từ các thế hệ cha ông, cho đến giờ chúng tôi luôn coi việc treo cờ Tổ quốc lên nóc tàu như một việc làm vô cùng quan trọng, đặc biệt là những lúc đánh bắt ở vùng biển xa, ngư trường tiếp giáp vùng biển nước ngoài”.
Anh Minh quan niệm rằng, lá cờ Tổ quốc là tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lúc phương tiện ra biển đánh bắt thì mỗi lá cờ là một cột mốc sống động như nhân lên sức mạnh cho ngư dân. Biển, đảo của mình đến đâu thì cờ của Tổ quốc mình có mặt đến đó.
Anh Thắm chia sẻ, khai thác thủy sản trên biển là nghề mưu sinh, nhưng mỗi ngư dân đều ý thức rõ sứ mệnh mà Tổ quốc giao cho mình. “Ngư dân chúng tôi thường xuyên có mặt trên biển, vừa làm kinh tế vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Biển không có ngư dân giống như nhà không có cửa vậy. Ngư dân chúng tôi như cột mốc sống, quyết bám biển, bám ngư trường”, anh Thắm nhấn mạnh.
Với những câu nói và khí thế hừng hực như vậy, ngư dân sau khi chuẩn bị đầy đủ hàng hóa nhu yếu phẩm bắt đầu lần lượt ra khơi. Với ngư dân, biển khơi cũng chính là nhà, là đất nước của mình. Hàng ngày ngư dân Việt Nam vẫn một lòng bám biển. Những “cột mốc sống” cùng lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay trên nóc tàu, dần dần tiến ra biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhung-cot-moc-song-chu-quyen-tren-bien-DZJ3MVLGR.html