Những 'cột mốc sống' ở vùng biên

Biên giới chiều cuối năm tiết trời se lạnh. Trên đường tuần tra biên giới, thấp thoáng màu xanh áo lính đang làm nhiệm vụ. Cùng đi với các anh còn có một số người cao tuổi. Vừa đi vừa nhổ cỏ, quét đường, phát quang bụi rậm, chốc chốc, các ông lại lấy ra từ trong túi áo chiếc khăn tay rồi cẩn thận lau chùi từng cột mốc bằng niềm tự hào của người con đất Việt. Đó là những người có uy tín ở các xã vùng biên của 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Ông Nguyễn Hồng Thông ở xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) chăm sóc cột mốc 75 trên địa bàn xã

Bình Phước hiện có 373 người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) do nhân dân bầu chọn. Ở vùng biên giới của Tổ quốc, ngoài tích cực tham gia các hoạt động phong trào cơ sở, những người có uy tín còn được ví như “cột mốc sống” đang hằng ngày cùng với bộ đội biên phòng canh giữ biên cương Tổ quốc theo cách riêng của mình.

NẶNG LÒNG VỚI ĐƯỜNG BIÊN, CỘT MỐC

Mùa xuân này, già làng, người có uy tín Điểu Re ở ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện (Bù Đốp) sang tuổi 65. Ở tuổi này, nhiều người đã nghỉ ngơi để vui vầy bên con cháu. Với ông, sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1981 xuất ngũ trở về địa phương và tham gia công tác thôn, ấp. Năm 2009, ông được người dân tín nhiệm bầu là già làng, người có uy tín, Phó ban điều hành ấp Mười Mẫu. Vốn là quân nhân xuất ngũ, ông có sự đồng cảm đặc biệt với bộ đội biên phòng. Mỗi khi cán bộ Đồn biên phòng Phước Thiện có việc cần, ông đều nhiệt tình giúp đỡ. Hằng tháng, ngoài những buổi cùng bộ đội tuần tra biên giới, thông qua các hoạt động phong trào ở cơ sở ông tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng hái măng, không tự do qua lại biên giới. Qua những lần vào rẫy thu hoạch nông sản hay đi chăn thả gia súc, ông luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Hễ có đối tượng lạ ra vào khu vực biên giới, ông lập tức báo tin cho bộ đội biên phòng và chính quyền xã theo dõi. Không chỉ nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền xã và bộ đội biên phòng, ông còn tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống theo cách riêng của mình, phù hợp trình độ nhận thức đồng bào. Nhờ vậy, những năm qua, đồng bào DTTS ở khu định canh, định cư ấp Mười Mẫu không còn vào rừng khai thác lâm sản hay vượt biên trái phép mà tập trung học nghề cạo mủ cao su rồi làm công cho các công ty với thu nhập ổn định.

Cán bộ Đồn biên phòng Phước Thiện gặp gỡ, trao đổi tình hình với các già làng, người có uy tín ở xã Phước Thiện (Bù Đốp)

Bằng uy tín, tinh thần tự giác, nêu gương sáng, già làng Điểu U, tên thường gọi là Điểu Pêm ở sóc Sỏi, ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) được người dân nơi đây xem như “cổ thụ giữa đại ngàn”. Không chỉ nổi trội về kinh tế, ông còn tinh thông trong nắm bắt dư luận xã hội, cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền đến người dân. Bởi vậy, mọi lời nói, việc làm của ông đều được nhân dân trong ấp, nhất là đồng bào DTTS ở sóc Sỏi tin theo. Từ làm thuê, sống nay đây mai đó theo vườn rẫy, đến nay, đồng bào DTTS ở sóc Sỏi đã an cư bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi trâu, bò. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng già làng, người có uy tín và là đại biểu HĐND xã Lộc Thạnh từ năm 2006 đến nay, ông có nhiều cơ hội, thời gian gần gũi, nắm bắt tư tưởng người dân. Từ đó có những đề xuất kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và giữ vững đường biên, cột mốc.

Ông Điểu U cho biết: Ấp Thạnh Phú có 134 hộ dân. Địa bàn ấp có 7km đường biên giới, 1 cột mốc đôi, 1 mốc phụ và 8 cọc dấu. Xác định bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia là nhiệm vụ chung của toàn dân, những năm qua, tôi tuyên truyền người dân trong ấp luôn đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu hoặc vượt biên trái phép; kịp thời thông báo cho đồn biên phòng và chính quyền xã các hoạt động, hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các hoạt động cư trú, đi lại, khai thác lâm, thổ sản, khoáng sản trong khu vực biên giới...

Đánh giá về vai trò của già làng, người có uy tín Điểu Pêm, Thượng tá Nguyễn Duy Thành, Chính trị viên Đồn biên phòng Lộc Tấn, cho biết: “Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân các xã biên giới, nhất là các già làng, người có uy tín, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ thực sự là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội biên phòng. Mọi lời nói, việc làm của họ đều được đồng bào DTTS trong khu vực tin theo. Năm 2018, ông Pêm được tuyên dương cấp toàn quốc vì có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ đường biên, cột mốc”.

VÌ BÌNH YÊN NƠI BIÊN GIỚI

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang, các cấp, ngành, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới... Ý thức được điều đó, thời gian qua, nhiều mô hình, câu lạc bộ tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn các xã vùng biên đã được thành lập, tạo thành sức mạnh nội sinh cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Ông Mông Văn Tài, người có uy tín ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện cho biết: “Ấp có 95% dân cư là đồng bào DTTS. Trước đây, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chưa hiểu nhiều về Luật Biên giới quốc gia nên còn xảy ra một số vi phạm. Từ khi được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, người dân nơi đây đã ý thức hơn, hiểu rõ hơn về luật, về quy chế khu vực biên giới. Bất cứ đi đâu, làm gì, hễ có người lạ mặt vào khu vực biên giới là người dân theo dõi rồi thông báo cho tôi hoặc cán bộ ấp, bộ đội biên phòng. Từ tin báo của nhân dân, nhiều trường hợp có ý định vượt biên trái phép đã được nhắc nhở và ngăn chặn kịp thời”.

Năm 2016, khi đang làm rẫy trên tuyến biên giới thuộc địa phận xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh), ông Nguyễn Hồng Thông phát hiện người dân Campuchia trồng điều lấn sang tuyến Việt Nam. Ông đã thông tin đến bộ đội biên phòng và vận động người dân nhổ, trồng lại đúng vị trí. Nhiều vụ vượt biên, đánh bắt cá trái phép trên tuyến biên giới đã được ông thông tin giúp bộ đội biên phòng chấn chỉnh kịp thời. Thượng tá Nguyễn Duy Thành cho biết thêm: Khi ý thức được nâng lên, người dân vùng biên giới hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như thấy được vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Vì thế, tuyến biên giới do đồn quản lý dài 21,5km đều được nhân dân 2 xã Lộc Thạnh, Lộc Tấn ký kết nhận tự quản và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh, cho biết: Bình Phước có đường biên giới dài 260,433km với 28 cột mốc chính và 353 mốc phụ. Khu vực biên giới có 15 xã với 28.136 hộ dân, trong đó 27,85% là đồng bào DTTS. Những năm qua, các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhiều già làng, người có uy tín tuổi cao, sức đã yếu, nhưng với tâm huyết của mình, các già luôn được bà con tin yêu, quý trọng; trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Năm 2019, các đồn biên phòng đã tuần tra, kiểm soát, mật phục trên tuyến biên giới 1.606 lần; phối hợp tuần tra, truy quét 403 lần. Qua tuần tra, truy quét và từ tin báo của nhân dân, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã bắt, xử lý 132 vụ - 50 đối tượng và phối hợp bắt, xử lý 28 vụ - 90 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, thuốc lá, xe máy, hàng hóa có nguồn gốc trộm cắp qua Campuchia tiêu thụ. Bộ đội biên phòng cũng đã phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia giải quyết 3 vụ - 10 người dân Việt Nam vượt biên sang Campuchia làm ăn, sử dụng súng săn và khai thác lâm sản trái phép... Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng biên.

Minh Luận

Xem thêm: Báo xuân Canh Tý 2020

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nhung-cot-moc-song-o-vung-bien-29229