Những 'cột mốc sống' vùng biên

Đây là những nông dân vùng biên giới trong tỉnh Long An ngày đêm âm thầm, lặng lẽ giữ gìn vì sự bình yên của Tổ quốc.

Chị Danh Thị Duyệt Chiều (bìa trái) tham gia các buổi hướng dẫn thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên1. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ngụ ấp Trung Môn, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, là một trong những điển hình trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chính sự gương mẫu, nhiệt tình của chị mà người dân vùng biên luôn quý mến, cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống còn nhiều khó khăn ở miền phên giậu.

Chị Ánh Tuyết sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Đại - địa phương vùng sâu, vùng xa còn lắm khó khăn của huyện Tân Hưng. Hơn 3 năm về trước, chị phải lòng anh Lê Trung Tài - nông dân tay lấm, chân bùn và quyết định “khăn gói” theo chồng về vùng biên giới này sinh sống. “Vì yêu chồng, thương con nên tôi ngày càng quen dần với cuộc sống khắc nghiệt nơi biên thùy. Chứ lúc mới về làm dâu, cứ chạng vạng tối, tôi lén gia đình chồng ra bờ kênh ngồi khóc một mình. Nơi tôi từng gắn bó cũng chỉ là vùng nông thôn nhưng cuộc sống ở đó vốn dĩ quen thuộc, vui hơn xứ biên giới đồng trống, hiu quạnh này” - chị Ánh Tuyết chia sẻ.

Tháng 11/2019, niềm vui khôn xiết đến với chị khi gia đình bên chồng mua đất, đổ nền, Quân khu 7, UBND tỉnh hỗ trợ tiền xây dựng Mái ấm biên cương cấp 4, trị giá 140 triệu đồng theo Đề án triển khai, thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”. Ngoài ra, gia đình chị còn được UBND xã Thái Bình Trung hỗ trợ kinh phí kéo điện, nước sạch sinh hoạt. Chị Ánh Tuyết thổ lộ: “Hàng ngày, tôi buôn bán và trông con nhỏ, còn ông xã lo canh tác hơn 2.000m2 đất lúa do cha mẹ chồng cho lúc ra riêng. Sống ở đây gần lực lượng dân quân thường trực, cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chúng tôi yên tâm lắm! Hễ có trường hợp vi phạm an ninh, trật tự xảy ra (trộm cướp, đánh nhau),… là gia đình tôi gõ kẻng để cả xóm được biết, cùng nhau giải quyết”.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thái Bình Trung - Huỳnh Văn Quẹo nhận xét: “Tuy cuộc sống còn cơ cực nhưng gia đình chị Ánh Tuyết làm ăn chân chính, không tham gia hay tiếp tay cho buôn lậu, chẳng khác nào “cột mốc sống” ở vùng biên này. Đặc biệt, gia đình chị còn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá Nhà nước, giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung, tỉnh Long An - Svay Rieng nói riêng”.

2. Đến khu vực vùng biên thuộc xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, hỏi thăm chị Danh Thị Duyệt Chiều ai cũng biết, đó là một nông dân hơn 40 năm nếm trải những gian nan, khắc nghiệt ở chốn biên thùy này.

Không có đất sản xuất, kinh tế của chị chủ yếu dựa vào nghề giăng câu, thả lưới mùa nước nổi. Đồng thời, ai thuê gì chị làm nấy: Nhổ cỏ, phơi lúa, chăm sóc và thu hoạch dưa hấu, rau màu. Hơn 3 năm trở lại đây, do bị bệnh thần kinh tọa, chị không còn cầm cuốc, bơi xuồng như xưa nên chuyển sang nghề bán vé số dạo. “Mỗi ngày, tôi bán khoảng 300 tờ vé số, kiếm được 300.000 đồng. Để đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình, hàng ngày, tôi phải vượt hàng chục kilômét chào mời khách, từ 17 giờ 30 phút hôm nay cho đến tầm 15 giờ hôm sau”.

Không chỉ sớm hôm rong ruổi trên những tuyến đường nội địa, chị Duyệt Chiều còn thường xuyên “lặn lội” theo đường tuần tra biên giới, tiểu ngạch bên phía Việt Nam để chào mời khách (nông dân vãng lai chăm sóc lúa, hoa màu). Cùng với việc mưu sinh, chị Duyệt Chiều còn là một trong những người dân vùng biên dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng vẫn kiên trung thực hiện phương châm: “Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết”.

Chị Duyệt Chiều kể: “Trên suốt quãng đường đi bán vé số, nếu phát hiện có dấu hiệu gì lạ ngoài biên giới là tôi báo ngay cho anh em ở chốt dân quân thường trực biết để nhanh chóng xử lý. Còn gặp các đối tượng buôn lậu, tôi mềm mỏng khuyên bảo họ bỏ nghề, chí thú làm ăn, đừng vi phạm pháp luật”. Chị còn được biết đến là người “đi từng ngõ, gõ từng nhà” góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bài trừ hủ tục lạc hậu, gắn bó, đoàn kết vì sự bình yên, phát triển nơi biên cương; không để kẻ xấu lợi dụng làm những việc vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Những ngày này, đi dọc đường biên, gặp gỡ những “cột mốc sống” nơi biên cương, chúng tôi thật sự cảm phục trước những con người chất phác, thật thà, khẳng khái. Tuy đời sống của họ còn thiếu thốn nhưng cách suy nghĩ và việc làm rất đáng trân trọng. Mồ hôi, công sức của họ góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

"Nếu không có sự cưu mang đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ của người dân sống dọc đường biên giới thì chúng tôi khó mà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tinh thần, trách nhiệm của họ chính là “cột mốc sống” góp phần tạo nên thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc; tăng cường sức mạnh phòng thủ bảo vệ Tổ quốc”./.

Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thái Bình Trung - Huỳnh Văn Quẹo

Sông Măng

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhung-cot-moc-song-vung-bien-a87594.html