Những cung đường thiện nguyện

Cơn bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua và 70 năm trên đất liền nước ta. Tuyên Quang tuy chỉ bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão, song thiệt hại vô cùng nặng nề. Toàn tỉnh có 5 người chết, 10 người bị thương, ước thiệt hại kinh tế gần 2.000 tỷ đồng. Trong những thời khắc khó khăn, tỉnh nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là hàng trăm đoàn thiện nguyện. Tính đến thời điểm này Tuyên Quang nhận được 99 tỷ tiền mặt và 470 tấn hàng nhu yếu phẩm cứu trợ của các tổ chức, cá nhân. Để tiền và nhu yếu phẩm hàng hóa đến kịp thời được bà con vùng thiên tai nguy hiểm, đó là cả sự nỗ lực, dũng cảm vượt qua khó khăn trên những cung đường thiện nguyện.

Đi vào vùng lũ lớn

Nghe các phương tiện truyền thông phản ánh Tuyên Quang bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ của cơn bão số 3 gây ra, anh Trương Chấn Sang, Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và trong khu vực phía Nam ủng hộ cho Tuyên Quang.

Hàng chục tấn hàng hóa và tiền mặt trị giá gần 500 triệu đồng được anh em áp tải ra Bắc. Đoàn đi đông gần 30 người nên công tác tiền trạm phải rất cụ thể, Tỉnh đoàn Tuyên Quang đã cử cán bộ dẫn đường. Biết là quãng đường vào vùng thiên tai là khó khăn, hiểm trở và nguy hiểm đấy, song đoàn vẫn quyết tâm đi để đến động viên, chia sẻ khó khăn với bà con.

Từ thành phố Tuyên Quang cung đường lên với xã Linh Phú, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Chiêm Hóa đoàn không chọn đi qua đèo Nàng xã Kiến Thiết (Yên Sơn) nối với xã Kim Bình (Chiêm Hóa) như thường lệ vì bị sạt lở. Con đường đi lên thị trấn Vĩnh Lộc, rồi vòng vào Linh Phú càng xa hơn, nhưng là lộ trình tốt nhất lúc này. Chiếc xe ca chở hơn 30 bạn trẻ người các tỉnh miền Nam nhiều lúc làm cả đoàn thót tim. Nhìn qua khung cửa kính xe, mọi người mới thấy sự tàn phá ghê gớm của bão lũ.

Đoàn trao quà hỗ trợ bà con xã Tri Phú (Chiêm Hóa).

Đoàn trao quà hỗ trợ bà con xã Tri Phú (Chiêm Hóa).

Con suối chảy từ xã Linh Phú ra đã nhấn chìm nhiều thứ, phá tan hoang quãng đường chúng đi qua, cây cối, nhà cửa gục đổ xơ xác, hoang tàn. Bạn La Ngọc thành viên của đoàn như muốn xỉu, xe đi sát mép vực suối, rung lắc dữ dội. Trên tuyến đường đi đã xuất hiện hàng chục đống sạt lở, đất đá vẫn còn vương ra đầy, người ta chỉ kịp làm một lối nhỏ thông vừa cho ô tô đi qua. Kế hoạch đưa hàng đến tận thôn của đoàn như dự kiến ban đầu bị thất bại, vì đường đến thôn quá khó đi.

Đoàn xe cứu trợ đến ủy ban xã Linh Phú lúc trời đã bắt đầu tối do vỡ kế hoạch vì cực kỳ khó đi, nhưng cán bộ xã và hơn 600 người dân vẫn ngồi chờ. Việc bốc dỡ, phân phát 600 suất quà cũng không thể nhanh được.

Cứu hộ xe đi cứu trợ

Trời đã tối đen như mực, anh Trương Chấn Sang, Trưởng đoàn Thiện nguyện cho hai xe ô tô con chở những người lớn tuổi về trước để ngày mai còn dậy sớm tiếp tục cuộc hành trình thiện nguyện tại các địa phương khác. Còn xe ca chở gần 30 bạn trẻ ở lại tiếp xúc xuống, phát hàng cho bà con. Theo chỉ dẫn của một số cán bộ xã Linh Phú, con đường đi tắt qua xã Trung Minh (Yên Sơn) đã thông tuyến, buổi sáng đã có xe qua lại đường này nên mọi người tin tưởng xe đi được.

Tuy nhiên hai bác tài cho xe đi đến địa phận thôn Bản Khẻ, xã Trung Minh thì bị mắc kẹt, cho dù xe 2 cầu cũng không đi được. Người dân bản địa cho biết, buổi chiều lại tiếp tục có mưa nhỏ nên nước trên núi chảy xuống làm cho đường có bùn nhão, trơn khó đi. Giữa lúc không biết giải quyết ra sao, chị Phan Thị Nguyện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú nghe tin.

Đoàn xuống hàng trong đêm, hỗ trợ bà con xã Linh Phú (Chiêm Hóa).

Đoàn xuống hàng trong đêm, hỗ trợ bà con xã Linh Phú (Chiêm Hóa).

Chị chỉ đạo Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, thôn giáp ranh với thôn Bản Khẻ, xã Trung Minh ra ứng cứu. Hội Nông dân xã Linh Phú, xã Trung Minh đã cử nông dân mang hai máy cày to khỏe ra điểm sạt lở kéo ô tô cho đoàn cứu trợ. Sau một hồi vật lộn, cuối cùng đoàn cũng được giải thoát tại điểm mắc kẹt để tiếp tục cuộc hành trình về thành phố Tuyên Quang trong đêm.

Chiếc xe ca chở đoàn phát hàng tại ủy ban xã Linh Phú đến 22 giờ mới xong. Đoàn không dám đi qua đường Trung Minh nữa mà quay qua Tri Phú đi theo đường cũ lên thị trấn Vĩnh Lộc để về thành phố Tuyên Quang. Chả hiểu hôm nay làm sao, mà xe mới đi đến địa phận xã Tri Phú thì chết máy, cửa không thể mở. Gần 30 bạn trẻ trên ô tô tối om, kín khí, nóng vã mồ hôi, khó thở, hoảng loạn.

Nhận được cuộc điện thoại khẩn của đoàn, lãnh đạo xã Linh Phú, Tri Phú đã tức tốc ra hiện trường, giúp khắc phục sự cố. Nguyên nhân xe hết bình ắc quy, phải nhờ một xe khác để kích bình. Tối hôm đó 2 giờ đêm đoàn mới về tới thành phố Tuyên Quang trong cái đói, mệt dã dời. Một chuyến đi ý nghĩa, nhưng cũng giầu cung bậc cảm xúc với các thành viên của đoàn. Dù vất vả, mệt, nhưng những suất quà được chuyển đến tận tay người dân đang gặp khó khăn kịp thời thì ai cũng thấy vui.

Không chỉ có cung đường Tri Phú, Linh Phú (Chiêm Hóa), Trung Minh (Yên Sơn) nguy hiểm khó đi mà còn có ở Kiên Đài, Phú Bình, Yên Lập. Anh Thái Phan Thanh, Giám đốc Tập đoàn Điểm Nhấn (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã trao quà hỗ trợ cho người dân 3 xã trên với trị giá 150 triệu đồng. Đoàn đã khảo sát khá kỹ địa hình trước khi đi, nhưng lên đây thấy trực tiếp mới biết rõ sự nguy hiểm đang rình rập. Hàng chục điểm sạt lở nguy cơ cao hàng nghìn mét khối đất đá úp xuống đoàn bất cứ lúc nào.

Đoàn chọn phương tiện xe tải nhỏ và bán tải hai cầu mà nhiều điểm tưởng chừng không đi nổi. Ở đây tài xế tay lái non thì cũng khá sợ nên chúng tôi chọn các bác tài dày dặn kinh nghiệm. Nói chung chuyến đi vất vả, mệt song thực sự ý nghĩa, suôn sẻ. Qua chuyến đi đoàn chúng tôi mới thấy cuộc sống của bà con người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên chính là những cung đường hiểm trở, phân tán, chia cắt, biệt lập.

Trong hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cảm ơn sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước; cảm ơn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân, kiều bào đã chung tay giúp người dân Tuyên Quang nhanh chóng phục hồi sinh hoạt, sản xuất sau lũ. Thiệt hại kinh tế còn nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, người dân phải vào cuộc, từng bước khắc phục hậu quả. Trong đó đặc biệt quan tâm hệ thống giao thông, để mỗi cung đường được an toàn.

Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhung-cung-duong-thien-nguyen-199850.html