Những cuộc bầu cử then chốt ở châu Âu trong năm 2021
Năm 2021, cử tri nhiều nước châu Âu sẽ đi bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử mà kết quả của chúng có khả năng làm thay đổi cục diện chính trị ở lục địa này.
Dưới đây là những cuộc bầu cử đáng chú ý dự kiến diễn ra trong năm 2021.
Bầu cử Tổng thống Bồ Đào Nha (dự kiến ngày 24/1)
Ngày 7/12/2020, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa thông báo sẽ tiếp tục tranh cử. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông Rebelo de Sousa, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/1.
Trong số các ứng cử viên tranh cử còn có Nghị sĩ đảng Xã hội (SP) Ana Gomes và ông André Ventura, người sáng lập đảng Chega hồi năm 2019. Tỷ lệ ủng hộ đối với ông Ventura trong cuộc bầu cử tới sẽ phản ánh mức độ ủng hộ đối với phe cực hữu, vốn chưa thể trở thành một lực lượng chính trị chính ở Bồ Đào Nha.
Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đương kim Tổng thống Sousa đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ khoảng 60%, bà Gomes đứng thứ 2 với khoảng 13% và ông Ventura đứng thứ 3 với khoảng 10% tỷ lệ ủng hộ của cử tri.
Tổng tuyển cử tại Hà Lan (từ ngày 15-17/3)
Thủ tướng Mark Rutte, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Âu, cho biết sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.
Đảng vì Dân chủ và Tự do của Nhân dân (VVD) do ông Rutte lãnh đạo đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và dự kiến sẽ giành được 37 ghế tại Quốc hội, nhiều hơn 4 ghế so với cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2017.
Một điểm cần lưu ý trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hà Lan là tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng cực hữu Diễn đàn vì Dân chủ bắt đầu nổi lên trên chính trường Hà Lan vào năm 2016 và giành được kết quả khả quan trong cuộc bầu cử cấp tỉnh cũng như trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019.
Tuy nhiên, uy tín của đảng này đã giảm trong những tháng gần đây trong bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực và phân biệt chủng tộc kéo dài, khiến nhiều thành viên chủ chốt rời khỏi đảng.
Trong khi đó, Đảng vì Tự do cực hữu, dưới sự lãnh đạo của Geert Wilders, đang nhận được nhiều sự ủng hộ và đứng thứ 2 sau đảng VVD của Thủ tướng Rutte.
Bầu cử Quốc hội Bulgaria (ngày 28/3)
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Bulgaria sẽ diễn ra sau nhiều tháng biểu tình liên tiếp chống chính phủ.
Hiện tại, đảng Công dân vì Sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB) cầm quyền của Thủ tướng Borissov đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với 28% cử tri ủng hộ.
Đảng Xã hội do bà Korneliya Ninova đứng đầu, đang ở vị trí thứ hai với khoảng 25% cử tri ủng hộ.
Trong thời gian gần đây, để đổi lấy sự ủng hộ từ một đảng nhỏ theo chủ nghĩa dân tộc trong liên minh cầm quyền của mình, ông Borissov đã phản đối các cuộc đàm phán để Bắc Macedonia trở thành thành viên EU.
Bên cạnh đó, Bulgaria cũng sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào mùa Thu năm nay. Hiện chưa có ứng cử viên nào tuyên bố tranh cử, nhưng Tổng thống đương nhiệm Rumen Radev, người đối đầu với Thủ tướng Borissov khi ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ, được cho thích hợp để tái tranh cử.
Bầu cử Quốc hội Scotland, xứ Wales và cuộc bầu cử khu vực ở Anh (6/5)
Cuộc bầu cử Quốc hội Scotland sẽ là một sự kiện đặc biệt cần theo dõi vì Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết bà sẽ vận động để được ủy quyền tổ chức một cuộc bỏ phiếu về sự độc lập của Scotland. Scotland đã bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập năm 2014, nhưng bà Sturgeon cho rằng sự bất mãn của người Scotland về Brexit và sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc ly khai sẽ dẫn đến một kết quả khác.
Hiện đảng Quốc gia Scotland của bà Sturgeon đang nhận được tỷ lệ ủng hộ vượt xa tất cả những đảng phái khác, với 54% tỷ lệ ủng hộ trong bầu cử địa phương và 43% đối với danh sách bầu cử khu vực.
Ngoài ra, còn có các cuộc bầu cử Quốc hội xứ Wales, các hội đồng địa phương và một số vị trí thị trưởng của Anh. Tại xứ Wales, lãnh đạo Công đảng Mark Drakeford sẽ tái tranh cử vào vị trí Thủ hiến. London cũng sẽ tổ chức cuộc bầu cử thị trưởng vào tháng 5, sau khi hoãn một năm do đại dịch.
Bầu cử khu vực ở Pháp (tháng 6/2021)
Pháp vẫn chưa thông báo ngày bầu cử chính thức sau khi chính phủ nước này đề xuất thay đổi từ tháng 3 sang tháng 6/2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Đây sẽ là cuộc bỏ phiếu cấp khu vực đầu tiên kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron thành lập đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) vào năm 2016. Do đó, cuộc bầu cử sắp tới được cho là một phép thử về sự ủng hộ đối với LREM trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Tổng tuyển cử tại Đức (ngày 26/9)
Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên mà bà Angela Merkel, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), không tranh cử vị trí Thủ tướng kể từ năm 2005. Hiện tại, ai là người kế nhiệm bà Merkel đang là câu hỏi lớn, không chỉ đối với Đức mà còn cả châu Âu, nơi mà bà Merkel từ lâu đã được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất.
Cho đến nay, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh hiện tại của CDU, là đảng duy nhất công bố ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng là Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz.
Các cuộc họp tìm chọn người đứng đầu CDU sau khi bà Merkel rút khỏi vai trò lãnh đạo đảng này đã bị hoãn 2 lần do đại dịch và hiện được ấn định vào ngày 15-16/1 tới. 3 ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo CDU gồm: Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia; Norbert Röttgen - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức và luật sư Friedrich Merz.
Bầu cử Hạ viện Cộng hòa Czech (từ ngày 8-9/10)
Thủ tướng Andrej Babis đang nỗ lực tìm kiếm tái nhiệm sau chiến thắng vào năm 2017. Ông Babis trở thành người đứng đầu chính phủ mặc dù liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội chiếm thiểu số trong Quốc hội nhờ nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Phong trào ANO của ông suy giảm với cuộc bầu cử trước, chỉ đạt mức 27% so với 29,6% vào năm 2017.
Hiện 3 đảng trung hữu ( Đảng Dân chủ Công dân, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và TOP 09) đã hợp tác với nhau để thành lập một liên minh được gọi là “Let's Go Into It Together” (SPOLU). Dưới sự lãnh đạo của ông Petr Fiala, liên minh này nhằm chống lại ông Babis.
SPOLU hiện nhận được khoảng 20% tỷ lệ ủng hộ, đứng sau ANO với 27%. Đảng Cướp biển do Ivan Bartoš lãnh đạo cũng đã giành được sự ủng hộ tăng đáng kể kể từ cuộc bầu cử trước, hiện ở mức 17% so với 10,8% trước đó.
Ngoài những cuộc bầu trên, tại châu Âu dự kiến sẽ diễn ra một số cuộc bầu cử đáng lưu ý khác năm 2021 như cuộc bầu cử khu vực Catalonia dự kiến diễn ra vào ngày 14/2; bầu cử Quốc hội Albania (ngày 25/4); cuộc bầu cử Hạ viện Cyprus (ngày 23/5); bầu cử Quốc hội Na Uy (ngày 13/9); bầu cử Duma Quốc gia Nga (ngày 19/9).
(theo Politico)