Những cuộc chia xa vì COVID-19

Nếu COVID không chịu dừng lại, nếu nước nào cứ ở nguyên nước đó, người dân bắt buộc phải hài lòng vì cuộc sống tinh thần ảo qua internet và điện thoại thông minh.

Vật chất thì đã có các "phương tiện vận chuyển" lo liệu… ta vẫn đủ ăn đủ mặc. Nhưng có gì đó vẫn không ổn? Bí bách tù túng làm sao, ý nghĩa của cuộc sống đã bị giảm nhiều? Đó là nhu cầu được giao lưu, thăm nom, bắt tay, ôm hôn, trò chuyện… cái chỉ con người mới có.

Nhớ biết bao bạn bè, họ hàng nơi xa đã sang năm thứ hai không thể gặp. Đã sang giỗ thứ hai của cha mà anh tôi không thể về. Ông anh cả của tôi vội vã rời Mỹ chịu tang bố rồi lại tất bật ra đi lo cuộc sống nơi xứ người. May được gặp anh trong lần dự hội nghị nhãn khoa Mỹ. Mỗi năm mái tóc bạc không nhuộm của anh ngày càng bạc. Những đứa con của anh, cháu của tôi, cũng chẳng còn nhiều hình ảnh về người ông của chúng ở Việt Nam, chuyện trò với chúng bằng tiếng Việt đã khó khăn lắm rồi. Thời gian, nay lại thêm không gian bị chia cắt. Những cuộc gặp mặt gia đình trong đám giỗ, dịp tết lại phải dùng điện thoại truyền hình, những câu chào hỏi chớp nhoáng chẳng còn mấy ý nghĩa.

Rồi Tết lại đến, có thể hè lại sang, những chuyến thăm cố hương, chút tình cảm quê hương gia đình muốn gìn giữ chững lại không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Hai đứa cháu gái cũng nhấp nhổm bao nhiêu lần về Việt Nam, có đứa đã có con và đương nhiên tôi lên chức ông trẻ nhưng chúng cũng chẳng thể về Việt Nam. Chẳng biết chúng còn mất đi vĩnh viễn ai nữa ở Việt Nam mà chẳng thể thăm nom lúc sống hay vái lạy lúc chết. Ngày chúng ra đi du học, tuổi chỉ bằng con tôi bây giờ, thích xin tiền hay bắt tôi chiêu đãi mà bây giờ đã thành vợ, thành mẹ. Ông bà nội ngoại chúng đã về với tổ tiên cả chỉ còn một ông nội già yếu run rẩy. Mỗi khi nhắc đến các cháu nơi xa lại ầng ậc nước mắt. Tôi nhắc nhở: Cố mà về đi con, ông mày yếu lắm rồi! Thế mà chịu đấy, COVID đâu chịu buông tha ngay cả với nước Mỹ hùng mạnh hay Canada thanh bình, quê hương thứ hai của hai đứa cháu gái.

Những người thầy thuốc trên tuyến đầu chống giặc COVID.

Những người thầy thuốc trên tuyến đầu chống giặc COVID.

Công việc chuyên môn, giao lưu học hỏi cũng thiệt hại nặng nề trong năm qua. Chúng tôi chẳng thể đón một bác sĩ giáo sư nào ở châu Âu hay khối Anh Mỹ sang làm việc hay giảng bài trong suốt một năm trời. Kiến thức mới, cơ hội trao đổi học hỏi hay nâng cao ngoại ngữ cũng theo đó mà tê liệt. Hội thảo online, virtual hay telemedicine với khung giờ trái khoáy, thời lượng chỉ hơn một giờ đồng hồ, nhiệt tình lắm như tôi cũng chỉ tham gia được lõm bõm. Còn xa mới được như ngày xưa.

Lịch hội nghị đã chắc như đinh đóng cột ở Việt Nam hay Philippine, Nhật Bản đã bị bãi bỏ. Cơ hội gặp lại những người bạn rất yêu Việt Nam, muốn giúp đỡ chúng tôi trong lĩnh vực tạo hình đã không còn. Chỉ còn biết thở dài qua email với các bạn, Hunter Yen ở Hong Kong, Raoul ở Philippine hay ông bạn già Marc Levine ở Mỹ. Ý nghĩa của cuộc sống với họ không chỉ là kiếm tiền mà còn là sứ mệnh cống hiến cho loài người, giúp đỡ các đồng nghiệp ở các nước nghèo. Đáng trân trọng lắm, chúng tôi cũng mong mỏi đón nhận nay bị "giặc COVID" phá tan tành.

Cuối năm, những cánh thư và bưu thiếp của tôi đến với những người bạn ngoại quốc chủ yếu để làm tôi nhẹ lòng, bớt chút phiền muộn. Thế nhưng chẳng biết có giúp họ nguôi ngoai phần nào. Bạn cũng có dịch, tệ hại nữa là đằng khác. Anh bạn Olle người Thụy Điển vừa đến tuổi về hưu, mùa đông ảm đạm đến và cả COVID cũng “ghé thăm” Stockholm quê anh và chưa chịu rời đi, người mẹ thân yêu vừa mất… Một năm buồn thảm lắm với bạn tôi, thương cũng chẳng thể làm gì. Chẳng biết bưu thiếp đã đến tay người mẹ nuôi người Pháp. Bà ở thành phố cực Nam, hẻo lánh vậy mà giường cấp cứu trong bệnh viện cũng đã kín chỗ cho bệnh nhân COVID. Mẹ nuôi tôi đã sang tuổi 88, tai điếc lắm rồi, lần phone gần nhất tôi phải hét vào điện thoại… nhưng vẫn đáng yêu và dịu hiền lắm. Mẹ cố gắng sống an lành qua mùa dịch. Rồi con sẽ cố thăm mẹ thêm một lần nữa…

Tiếng pháo hoa bùng bục ngoài trời báo hiệu năm mới đã đến. Ta chẳng thể sống mà không hy vọng. Hy vọng vào trí lực của con người, sự đoàn kết đồng lòng của cả thế giới. Chưa bao giờ chúng ta gặp thử thách lớn lao như lần này, nhưng cũng chưa lần nào con người lại gần nhau và yêu thương nhau đến thế. Ta sẽ tìm cách gây dựng lại cuộc sống tươi đẹp như ngày nào. Cố gắng lên nhé! Tôi, bạn, mọi người…

TS.BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-cuoc-chia-xa-vi-covid-n184990.html