Những cuộc đấu súng có một không hai trong Chiến tranh thế giới thứ II
Không giống như những trường hợp đấu súng của giới quý tộc châu Âu trước đây, các phi công hiện đại có thể đấu súng ngắn khi đang bay và cả khi đang nhảy dù…
Đấu súng khi đang nhảy dù
Mukhin Semyon Stepanovich sinh ngày 2/2/1910 tại làng Medvedki, quận Venevsky, vùng Tula, học xong lớp 1 của một trường nông thôn. Năm 1927, anh làm việc trong một nhóm thăm dò khai thác mỏ tại Tập đoàn than Moskukugol; sau đó, vào những năm 1929-1934 - sống ở Moscow, làm công nhân vận hành máy tại nhà máy ancaloit, đồng thời theo học tại trường Đại học Kỹ thuật điện Moscow.
Không ngoa khi nói rằng “giáp lá cà trên không” - thuật ngữ ám chỉ chính máy bay tấn công gây sát thương trực tiếp cho máy bay của đối phương - là một hành động đặc biệt của Không quân Xô viết trong Thế chiến II. Trong thời kỳ thống trị trên không của Không quân Đức, “giáp lá cà trên không” là một phương pháp được sử dụng phổ biến để tiếp tục cuộc chiến đấu sau khi máy bay hết cơ số đạn dự trữ. Trong các trường hợp khác, phi công bị thương và nhận ra rằng anh ta không thể tự hạ cánh máy bay, hoặc không bay về được tới lãnh thổ Liên Xô, thà chết một cách anh dũng hơn là bị địch bắt và bị giam cầm.
Ngày 18/9/1942, một trận “giáp lá cà trên không” bất thường đã diễn ra. Vào ngày hôm đó, Đại úy Mukhin S.S - chỉ huy biên đội của Trung đoàn Không quân Tiêm kích 62 (Lực lượng Không quân Hạm đội Biển Đen) dẫn đầu hai chiếc LaGG-3 có nhiệm vụ tiêu diệt máy bay FW-189 của Đức tụ tập khu vực Gelendzhik. Phát hiện thấy địch, máy bay chiến đấu của Hồng quân lao vào tấn công từ hai phía. Phía đối phương, chiếc Focke-Wulf đã khạc đạn chống trả. Mukhin lách từ phía sau và cũng nổ súng, nhưng trượt. Liên tục tận dụng cơ hội tấn công, Mukhin đã bắn trúng mục tiêu, nhưng Focke-Wulf vẫn không bị cháy.
Khi chiếc máy bay của Đức Quốc xã quay lại và tìm cách chuồn về hướng biển, một mệnh lệnh từ đất liền đã được đưa ra - phải tiêu diệt nó bằng mọi giá. Mukhin cố đuổi kịp kẻ địch đang cố thoát thân, đến gần hắn và nhấn cò, nhưng đạn hết… Anh hướng máy bay chiến đấu của mình vào kẻ thù và tăng tốc, đâm vào đuôi chiếc máy bay Đức. Bị tông bất ngờ và mạnh, phi công phát xít nhảy dù, nhưng chiếc LaGG-3 của Mukhin cũng bị mất kiểm soát, bắt đầu loạng choạng rơi xuống, và Mukhin cũng phải bật dù.
Trên không, tên phi công Đức đã nổ súng vào Mukhin. Khi đó, Mukhin, đang ở phía cao hơn, anh kéo lệch các cánh dù để tăng tốc độ hạ dù. Sau khi đuổi kịp bọn phi công Đức quốc xã, anh rút súng lục ra và bắn trúng cả hai tên. Anh đáp xuống mặt nước và được một chiếc thuyền của dân vớt lên. Với hành động dũng cảm và chiến công đó, Mukhin đã được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ.
Các tài liệu của Đức xác nhận vào ngày hôm đó chiếc máy bay FW-189 của phân đội 7 thuộc nhóm trinh sát cơ động số 32 đã không trở về sau khi làm nhiệm vụ ở khu vực Kabardinka-Gelendzhik. Phi hành đoàn của nó bao gồm phi công Feldwebel Hermann Waldmann, trung úy hoa tiêu Karl Kolshmidt và xạ thủ NCO Richard Witt, vẫn đang mất tích, và Hội Chữ thập Đỏ Đức đang tìm kiếm ...
Đấu súng ngắn trên máy bay
Sáng sớm ngày 11/4/1945, trên bầu trời nước Đức, các trung úy Merritt Duane Francies và William Martin là phi công và hoa tiêu thuộc biên chế Sư đoàn Thiết giáp số 5 của Mỹ thực hiện các chuyến bay liên lạc thường lệ giữa các đội hình trải dài của sư đoàn trên chiếc máy bay hạng nhẹ Piper L-4, số hiệu chiến thuật G-54 được đặt tên là “Miss Me?”.
Nhiệm vụ của kíp bay này là đảm bảo thông tin liên lạc với tiểu đoàn 71 đã tách khỏi lực lượng chính của sư đoàn và tiến về Berlin. Khi cách Thủ đô nước Đức khoảng 100 dặm về phía tây, Trung úy Francis nhìn thấy một chiếc mô-tô của quân Đức đang di chuyển trên đường phía dưới. Đang hạ độ cao để quan sát nó, viên Trung úy bất ngờ phát hiện thấy các phi công Đức trên một chiếc máy bay dùng động cơ hạng nhẹ Fieseler Fi-156 "Storch", đang bay phía trên các ngọn cây.
Người Mỹ quyết định giao chiến, và dồn ép chiếc máy bay quân Đức phải bay về phía các đơn vị xe tăng Mỹ. Nhưng vấn đề là tất cả vũ khí trang bị của kíp lái máy bay Mỹ đều chỉ gồm một bao da và là khẩu súng lục Colt M1911 cỡ 45 cho mỗi thành viên phi hành đoàn. May mắn thay, người Đức cũng ở trong tình trạng tương tự.
Về sau, Trung úy Francis nhớ lại: “Chiếc Storch của Đức Quốc xã to hơn và nhanh hơn chiếc Piper L-4 của chúng tôi, nhưng chúng tôi có lợi thế hơn về độ cao. Chúng tôi tiếp cận kẻ thù và nã súng lục Colt M1911 vào nó từ cửa sổ và cửa lên xuống máy bay. Máy bay Đức bắt đầu lượn vòng, quần thảo nghênh chiến. Rất nhanh chóng, chúng tôi thay băng đạn và trong khi lái máy bay, tôi phải giữ khẩu súng lục giữa hai đầu gối để nạp đạn”.
Máy bay Đức tiến lại gần đến nỗi chúng tôi có thể nhìn thấy đồng tử mắt của các phi công Đức. Chúng tôi cũng thấy rõ một số vết đạn từ loạt bắn của chúng tôi xuất hiện trên kính chắn gió của chiếc "Shtorh", và thấy rõ ràng là khói bốc ra từ động cơ của nó và một loại chất lỏng gì đó đang chảy ra. Máy bay Đức một lần nữa cố gắng quay đầu lại ở độ cao thấp, nhưng lúng túng và lao xuống ruộng phía dưới.
Chúng tôi ngay lập tức hạ cánh bên cạnh và nhanh chóng chạy đến chỗ chiếc máy bay Đức bị rơi. Cả hai tên phi công Đức đều đều đã nhảy ra khỏi máy bay; phi công trốn sau một đống củ cải đường khổng lồ, còn hoa tiêu, bị chúng tôi bắn bị thương ở chân, đã ngã xuống. Sau khi William Martin bắn một vài phát súng chỉ thiên cảnh cáo, tên phi công Đức giơ tay hàng. Chúng tôi tịch thu phù hiệu, mũ phi công và cờ Đức Quốc xã làm chiến lợi phẩm.
Sau 15 phút, các đơn vị xe tăng của Mỹ tiếp cận chúng tôi và chúng tôi bàn giao tù binh cho họ. Hoa tiêu viên người Đức cảm ơn chúng tôi vì đã băng bó vết thương. Chúng tôi lại cất cánh, tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhưng thật không may, chúng tôi không bao giờ biết được tên của các phi công Đức...”. Vì cuộc đấu súng có một không hai này, các Trung úy Francis và Martin đã được đề nghi thưởng Huân chương Chữ thập vì Chuyến bay Xuất sắc. Tuy nhiên, như vẫn thường xảy ra trong chiến tranh, hồ sơ đã bị thất lạc trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Và chỉ 22 năm sau, năm 1967, các phần thưởng mới tìm thấy chủ nhân-người hùng của chúng./.