Những cuộc đời được hồi sinh từ nguồn tạng hiến
Tưởng chừng mình sẽ phải lìa xa cõi đời vì căn bệnh gan quái ác, người đàn ông tại TPHCM được hồi sinh nhờ lá gan của một cô giáo ở Hà Nội từng nhiều năm làm từ thiện và có tâm nguyện hiến những bộ phận cơ thể mình để cứu người.
Ngày 1/7, Bệnh viện đại học Y dược TPHCM cho biết, đã thực hiện phẫu thuật ghép gan thành công cho 11 bệnh nhân bị ung thư gan, trong đó có 9 trường hợp phối hợp với bệnh viện ASAN của Hàn Quốc và 2 trường hợp mới nhất là do đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tự thực hiện.
Đặc biệt, đối với bệnh nhân thứ 10 được bệnh viện ghép tạng thành công, tấm lòng của người hiến khiến người nhận và các bác sĩ vô cùng xúc động. GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, người hiến tạng là một giáo viên ở Hà Nội, trước đây từng tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Người giáo viên này cũng có tâm nguyện được hiến các bộ phận trên cơ thể mình để cứu những người khác.
Khi người giáo viên lâm bệnh dẫn đến chết não, gia đình giáo viên này cũng đã chấp thuận hiến tạng và cơ quan chức năng lập tức thực hiện các xét nghiệm, lựa chọn người thích hợp nhất để ghép tạng.
Từ lá gan của giáo viên từ Hà Nội chuyển vào, người đàn ông ở TPHCM đã có cơ hội hồi sinh cũng như kịp thời nói lên lời cảm ơn, tri ân đối với người hiến, gia đình người hiến....
Anh H.V.L (37 tuổi, người được ghép gan) cho biết, khi chuẩn bị được ghép gan anh chưa biết gì về thông tin của người hiến. Sau khi ca ghép thành công, anh tìm hiểu thông tin thì mới biết là người hiến ở tận ngoài Hà Nội, lá gan được tách khi người đó chết não rồi chuyển vào TPHCM ngay lập tức để ghép cho cho anh.
“Thật lòng tôi không biết nói gì hơn, xin cảm ơn người phụ nữ đã hiến gan cho tôi, cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã giúp tôi hồi sinh trở lại. Từ nay, tôi có thể hồi phục sức khỏe để chăm sóc cho vợ và hai con thơ. Đó là điều kỳ diệu nhất đến với tôi”, anh L. nói.
Không chỉ thực hiện ghép tạng từ người chết não, Bệnh viện đại học Y dược cũng vừa thực hiện xong ca ghép tạng từ người sống. Điều đặc biệt là bệnh nhân và người hiến là hai mẹ con.
Chia sẻ về hành động hiến tạng cho mẹ, chàng trai 28 tuổi cảm thấy như một phép màu khi chính mình có thể mang lại sự sống cho người mẹ đáng kính và được làm con thêm một lần nữa.
“Ba mất sớm, mười mấy năm nay một tay mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn, ăn học thành người. Khi mẹ bị bệnh, cả 3 người con đều đăng ký hiến gan nhưng chỉ mình tôi là đủ điều kiện để ghép. Giờ đây, lá gan của mình giúp mẹ hồi sinh tôi thấy đó như một phép màu thực sự đến với cả gia đình”, anh T.H.N. (28 tuổi, người hiến gan cho mẹ).
TS BS. Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém.
Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, sau khi hiến gan, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, để có thể tự lực thực hiện các ca ghép gan thành công như hiện tại, bệnh viện đã có nhiều năm chuẩn bị từ trang thiết bị đến đội ngũ y bác sĩ.
Trong đó, bệnh viện đã cử hơn 30 bác sĩ đi học hỏi kinh nghiệm từ các nước để về truyền đạt, thực hiện phẫu thuật ghép gan cho người bệnh. Trong những năm tới, bệnh viện tiếp tục thực hiện ghép tạng như tim, thận và hình thành trung tâm ghép tạng của bệnh viện.