Những cuộc gặp định hình bầu không khí thế giới
Nếu không có gì thay đổi, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 28 đến 29-6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp quan trọng, mà theo nhận định của tờ Japan Times, những cuộc gặp ấy sẽ định hình bầu không khí thế giới trong thời gian tới.
Dù là một hội nghị đa phương, song trong mấy lần tổ chức gần đây, Hội nghị thượng đỉnh G20 luôn tạo được sức hút lớn nhờ những cuộc gặp song phương, đặc biệt là giữa lãnh đạo các nước lớn. Đơn giản là bởi những điểm nóng trong quan hệ giữa các cường quốc vẫn đang có tác động lớn tới vấn đề quan hệ quốc tế và chính trị, kinh tế toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản năm nay cũng không phải là ngoại lệ.
Như thông báo mà Nhà Trắng đưa ra ngày 24-6 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, ngoài cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn có hai cuộc gặp quan trọng khác với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn rơi vào bế tắc và khiến thế giới ăn không ngon ngủ không yên, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dĩ nhiên được gắn mác “tâm điểm”. Sau nhiều lần đe dọa sẽ ngay lập tức áp mức thuế 25% đối với khối hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ USD từ Trung Quốc nếu ông Tập Cận Bình không đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Tổng thống Donald Trump tuần trước đã công bố trên mạng xã hội Twitter về kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ xác nhận ngắn gọn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, song không đề cập chi tiết nào về cuộc gặp với người đứng đầu Nhà Trắng.
Theo tờ Japan Times, hiện nay vẫn còn nhiều dự đoán khác nhau rằng cuộc gặp song phương giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình tại Osaka là chính thức hay không chính thức, hay đơn giản chỉ là một cuộc thảo luận nhằm tìm lối thoát cho cuộc tranh chấp thương mại vốn đã khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tổn thương ít nhiều trong thời gian qua.
Trong khi đó, những cáo buộc về việc nhóm vận động tranh cử của ông Donald Trump phối hợp với người Nga để làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 khiến Tổng thống Donald Trump đối mặt với hàng loạt rắc rối ở trong nước, đồng thời tạo thêm những gam màu ảm đạm cho bức tranh quan hệ Nga-Mỹ thời gian qua. Năm ngoái, cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, ông Donald Trump bất ngờ hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng năm nay mọi thứ có vẻ đang diễn ra theo chiều hướng lạc quan hơn, bởi gần đây, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không ít lần tuyên bố muốn có một cuộc gặp trực tiếp với ông Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Nếu cuộc gặp này diễn ra đúng như dự kiến, đó sẽ là cơ hội tốt để hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ bàn thảo về một loạt những khúc mắc trong quan hệ song phương và liên quan tới an ninh quốc tế, như kiểm soát vũ khí hay vấn đề Iran, Syria…
Ngoài ra, dư luận thế giới cũng rất quan tâm tới cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm “tháo ngòi nổ” căng thẳng giữa hai quốc gia đồng minh xuất phát từ việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối của Washington. Japan Timescho rằng cuộc gặp ở Osaka sẽ là cơ hội cuối cùng nhằm ngăn chặn khả năng Quốc hội Mỹ ra quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ mua bán vũ khí nói trên.
Dĩ nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này còn có nhiều cuộc gặp khác cũng không kém phần quan trọng. Song những cuộc gặp nói trên thu hút sự chú ý đặc biệt do mang theo kỳ vọng về những thay đổi mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và các quốc gia liên quan, từ đó có tác động tới cục diện chính trị và an ninh toàn cầu nói chung.