Những cuộc nhậu 'đắt giá'

Liên tục nhiều tháng qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Phước tổ chức tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các tuyến đường trọng điểm. Quá trình xử lý cho thấy, tỷ lệ người lái xe vi phạm có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, những người vi phạm thường có nồng độ cồn ở mức cao…

Được nghỉ làm nên… nhậu tiếp

Vào khoảng thời gian từ 19-21 giờ hằng ngày, trên quốc lộ 14, đoạn thuộc phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài có lượng phương tiện qua lại rất đông. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Trạm CSGT Đồng Phú, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước thường xuyên tổ chức đứng chốt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đây là chuyên đề được lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện xuyên suốt năm 2023.

Trong hơn 100 trường hợp người đi môtô bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra vào tối 9-3-2023, thì tỷ lệ vi phạm chỉ chiếm chưa đến 10%. Tuy nhiên, đa số trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng cao nhất - trên 0,4 miligam/lít khí thở. Theo quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, những trường hợp này bị tạm giữ phương tiện và phải chịu mức phạt từ 6-8 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Là một trường hợp vi phạm bị xử phạt, anh N.V.T ở khu phố 5, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài giãi bày: “Tôi làm nghề phụ hồ. Từ chiều đến giờ, tôi có uống rượu với mấy anh em làm cùng cũng khá nhiều. Nguyên nhân là chiều nay, chủ nhà đãi cơm thợ hoàn thành đổ tấm tầng 2. Ngày mai, thợ được nghỉ nên anh em tiếp tục rủ nhau uống nữa… nên quá chén”.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 14 đoạn phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 14 đoạn phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài

Một ngày tiền công phụ hồ của anh T được 400 ngàn đồng. Với mức phạt lên tới 8 triệu đồng thì anh phải làm 20 ngày công mới đủ tiền đóng phạt. Theo lời kể của anh T, nhiều năm qua, gia đình anh thuê nhà trọ với giá 1,7 triệu đồng/tháng. Chồng làm phụ hồ, vợ làm công nhân, 2 con nhỏ phải gửi trẻ nên cuộc sống còn rất khó khăn. Anh T đi chiếc xe môtô đã cũ, yếm xe và gác chắn bùn cũng đã bị vỡ. Khi lực lượng chức năng đề nghị anh ký vào biên bản tạm giữ phương tiện và hẹn ngày lên làm việc thì một số người dân hiếu kỳ đứng xem khẳng định rằng, anh T sẽ bỏ xe. Họ cho rằng số tiền nộp phạt còn nhiều hơn trị giá của chiếc xe này. Nhìn anh T đứng không vững, ánh mắt tối sầm lại vì đã thấm mệt khiến nhiều người ái ngại. Ai cũng hiểu rằng, cuộc sống của anh trong những ngày tới sẽ còn khó khăn hơn.

Ra mắt người yêu cũng... nhậu

Những câu nói nhỏ nhẹ của một cô gái với người yêu của mình vừa đủ nghe, khiến tôi chuyển hướng quan sát về phía họ. Ngồi khá kín trong góc sát bức tường của một cơ quan gần đó, nơi có ánh đèn sáng, một nam thanh niên im lặng ngồi đọc biên bản xử phạt vi phạm hành chính do một cán bộ CSGT vừa đưa. Gương mặt người thanh niên lộ vẻ vừa lo lắng, bối rối vừa tiếc nuối. Cô bạn gái đứng bên cạnh an ủi người yêu mình: “Giờ mức phạt cao lắm anh à. Anh công an bảo phải 35 triệu đồng. Xe người ta cũng niêm phong, cẩu đi luôn rồi. Thôi, từ nay mình không nhậu nữa anh nha, giờ phải gọi taxi về thôi”.

Tôi tiến lại gần tính hỏi chuyện, nhưng cậu thanh niên vẻ như hiểu ý nên cười buồn chia sẻ: “Dạ, chúng em nay ra mắt bạn bè, có mời mọi người nhậu một chút cho vui. Bản thân em cũng không ham nhậu, cũng chưa từng bị phạt vì lỗi này. Nhưng giờ thì em đã biết cuộc nhậu phải trả giá đắt quá. Chắc chắn từ nay em phải nghiêm túc hơn về việc này”.

Xử phạt - cách tuyên truyền hiệu quả

Trong các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng xử lý tối 9-3, anh T.T.T ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,33 miligam/lít khí thở và phải chịu mức phạt từ 4-5 triệu đồng, bị tước bằng lái xe từ 16-18 tháng. Khi vừa điều khiển môtô từ đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ 14 đón người thân từ ngoài quê vào, anh T thấy lực lượng CSGT đang làm việc thì lập tức quay xe định bỏ chạy. Tuy nhiên, anh đã bị 2 chiến sĩ CSGT và cảnh sát cơ động chạy xe môtô chuyên dụng kịp thời giữ lại. Anh T cho rằng, bản thân chỉ đón người có một đoạn đường rất ngắn, hơn nữa chỉ đi trong đường nội ô, không ra quốc lộ nên mong được lực lượng bỏ qua. Anh T nêu nhiều lý do, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp hành đề nghị của CSGT dẫn xe về chốt để xử lý vi phạm.

Một cán bộ CSGT dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, những người chưa từng bị phạt vì lỗi vi phạm nồng độ cồn, chưa phải nộp phạt thì còn chủ quan. Thậm chí họ còn tự tin cho rằng sẽ tránh, né được chốt CSGT. Tuy nhiên, ngoài lực lượng làm việc tập trung tại chốt, chúng tôi còn bố trí lực lượng tuần tra bằng xe môtô chuyên dụng, khi phát hiện những trường hợp vi phạm sẽ xử lý ngay. Thực tế những người đã bị phạt, họ sẽ nâng cao ý thức chấp hành. Và các mức phạt nghiêm khắc sẽ mang lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất.

Trung tá Nguyễn Tấn Vạn, Trưởng trạm CSGT Đồng Phú, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Bình Phước tại Kế hoạch số 49 ngày 16-2-2023 về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn, trong cơ thể có chất ma túy”, cán bộ, chiến sĩ của trạm liên tục tổ chức các tổ công tác thực hiện đứng chốt kiểm soát trên toàn tuyến. Vị trí lập chốt được tổ chức linh hoạt, không cố định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phối hợp CSGT của các huyện Bù Đăng, thị xã Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài. Trên tinh thần liên tục xử lý, xử lý không khoan nhượng, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tuần trạm xử phạt khoảng 60 trường hợp, tổng số tiền nộp ngân sách khoảng 2,9 tỷ đồng.

Quá trình các đội, trạm liên tục lập chốt kiểm soát xử lý vi phạm cho thấy, tỷ lệ người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng giảm. Với các mức xử phạt nặng, người vi phạm phải đóng số tiền lớn đã tự giác thay đổi nhận thức, hành vi trong tuân thủ quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe. Thời gian qua, cũng có người vi phạm cho rằng, xử phạt như vậy là CSGT cấm người dân uống rượu, bia! Thực tế không phải vậy, pháp luật chỉ cấm và xử phạt trong trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn hoặc ma túy. Việc xử phạt những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn không ngoài mục đích giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và giảm những tác hại của việc uống bia, rượu đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, góp phần quan trọng xây dựng ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.

Thượng tá LÊ ĐỨC TRÌNH
Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/142307/nhung-cuoc-nhau-dat-gia