Những cuộc tình nơi truyện ngắn Huỳnh Thạch Thảo

Tôi có tật xấu cầm tập sách trên tay, hay dở gì kệ, không bao giờ đọc liền. Vậy mà mới đây, anh Huỳnh Thạch Thảo tặng cuốn Mặt trời và những cơn mưa (NXB Hội Nhà văn, 180 trang) do Nhà nước đặt hàng viết, tôi kiên trì vượt qua tật xấu cố hữu của mình.

Bìa sách Mặt trời và những cơn mưa

Rồi kiểu đọc cũng kỳ cục, thường ta lần lượt từ trang đầu đến khi kết thúc, còn tôi lật ngay truyện thứ 12, truyện cuối cùng đọc trước. Truyện có tựa Biển thì mênh mông, tôi liên tưởng đến tập thơ Mênh mông trước biển của mình xuất bản cách đây 7 năm.

Chàng trai trong Biển thì mênh mông của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, yêu mến sự hiền hòa khi biển êm đềm nhưng không lên án mà có cái nhìn bao dung với sự dữ dội lúc biển động. Rồi cuộc tình nảy nở giữa anh chàng ngư dân bản địa và cô gái từ phương xa đến, tính cách khác nhau.

Vậy mà con tim đã làm thay đổi hai tâm hồn, từ xa lạ nghi ngại đến hòa hợp, gắn bó. “Tình yêu thực sự sẽ xóa hẳn lằn ranh của khoảng cách, tuổi tác, gia đình và cả định kiến” (tr170).

Trở lại truyện đầu tập sách Người về trong sương là tình cảm lãng đãng của cô gái công chức tên Nga với hai anh em sinh đôi, người còn sống kẻ đã mất. Rồi truyện Chân mây cuối trời, tác giả gợi lên những kỷ niệm đẹp nhưng giấc mơ “song hỷ” cuộc tình vẫn xa ngái.

Có ai đã ví tình yêu như chiếc bóng. Khi ta quay lưng, bóng đuổi theo, lúc ta muốn nắm bắt, bóng chập chờn phía trước. Sự từng trải của Huỳnh Thạch Thảo đã cho người đọc cảm nhận điều này nơi truyện Chiều bên kia sông. Ở truyện Người về thả khói tìm xưa là sự hòa trộn giữa tình yêu và tình đất bao đời nơi làng quê từ thế hệ ông bà, cha mẹ nối tiếp đến con cái.

Dẫu cuộc sống muôn vàn gian khổ nhưng con người nơi đây vẫn một lòng gắn bó vùng đất mà máu, nước mắt cha mẹ, bạn bè, người yêu đổ xuống trong những tình huống khác nhau thuở chiến chinh lẫn thời bình, để rồi: “Cả ba đã về nằm kề bên nhau để đón nhận từng mùa hoa lá rợp vàng bên mộ chí, từng mùa gió nam non, nam cồ, nam mái se sắt trôi qua vùng cát tĩnh lặng” (tr100)...

Tác phẩm Nắng trên đồi xanh là truyện dài nhất trong tập. Huỳnh Thạch Thảo viết chung với nhà văn NTP. Khác với những cô gái ở các truyện đã nêu, H khá bướng bỉnh, ngang ngạnh. Trên một chuyến tàu về miền Trung, T tình cờ quen H, cô gái hơn lần đò dang dở, tan vỡ hạnh phúc, đang tâm trạng “chim bị đạn thấy cây cong thì sợ”, vì thế H luôn cảnh giác với mọi đàn ông. Nhất cử nhất động của T đều bị cô xét nét, nghi ngại.

T phải vượt qua bao thách thức của H, cuối cùng cô thay đổi cách nhìn từ anh chàng đáng ghét đến đáng yêu; ngược lại T luôn cảm thông với H: “Anh nhớ một truyện dài của Nhã Ca có tựa: Cô hip-pi lạc loài… rơi vào chốn đông người với đủ thứ chuyện kinh hoàng xảy ra” (tr59). Trong sách có lẽ Quê nhà là truyện viết về phụ nữ thuần hậu nhất với đầy đủ đức tính chịu thương chịu khó. Tác giả bảo truyện này viết dành cho người mẹ thân yêu lúc bà còn trên cõi đời...

Qua 12 truyện ngắn trong Mặt trời và những cơn mưa của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, hầu hết là viết về những cuộc tình có đủ hương vị, nụ cười và nước mắt, ngọt bùi và đắng cay. Gấp tập truyện lại chính là mở ra lối mới để bạn đọc “tự viết tiếp”!

NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234659/nhung-cuoc-tinh-noi-truyen-ngan-huynh-thach-thao.html