Những cuốn sách 'độ' bìa của Công ty Đông A có vi phạm pháp Luật xuất bản?

Thời gian vừa qua, thị trường sách ở Việt Nam bỗng trở nên đáng chú ý hơn bởi sự xuất hiện của một loại ấn phẩm đặc biệt là những cuốn sách được 'độ' bìa của Công ty Cổ phần văn hóa Đông A. Tuy nhiên, việc phát hành những cuốn sách như thế này đang có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động xuất bản.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cuốn “Napoleon Bonnaparte” của tác giả Adam Zamoyski được Công ty Đông A phát hành bản thông thường có giá 590.000 đồng. Bản đặc biệt đã tăng giá bán lên 2,1 triệu đồng.

Lý do khiến cuốn “Napoleon Bonnaparte” bản đặc biệt có giá cao hơn nhiều lần bản thông thường là cuốn sách này được ‘độ’ bìa là sử dụng bằng những vật liệu cao cấp như da, gỗ, giấy cao cấp, vàng; trạm khắc hoa văn để thay đổi diện mạo bên ngoài của cuốn sách trở nên đẹp hơn, sang trọng, đắt tiền.

Tuy nhiên, bìa cuốn sách bản đặc biệt này lại không ghi tên nhà xuất bản, không ghi tên Công ty Đông A, không ghi tên tác giả, tên dịch giả. Gáy sách không có tên và logo của nhà xuất bản; bìa sau không ghi giá sách, không hiển thị mã vạch, số ISBN.

Đáng chú ý, cuốn “Napoleon Bonnaparte” bản đặc biệt và thông thường của Đông A đều dùng chung 1 giấy xác nhận đăng ký xuất bản số 1163 và quyết định xuất bản số 418. Hai cuốn sách khác nhau lại có cùng chung số ISBN là: 978-604-323-410-7.

Bên trên là bản sách thông thường ghi đầy đủ thông tin còn bên dưới là sách đặc biệt ghi thiếu thông tin,không ghi giá, không có mã vạch, không có số ISBN.

Bên trên là bản sách thông thường ghi đầy đủ thông tin còn bên dưới là sách đặc biệt ghi thiếu thông tin,không ghi giá, không có mã vạch, không có số ISBN.

Đại diện Thư viện Quốc gia cho biết đã nhận được lưu chiểu các bản sách bản thông thường của Công ty Đông A liên kết với NXB Văn Học; chưa nhận được các bản sách ‘độ’ bìa loại đặc biệt của Công ty Đông A.

Theo quy định tại Điều 27 Luật Xuất bản, trên ấn phẩm sách phải ghi đủ thông tin về tên sách, tên tác giả, người biên soạn, chủ biên, người dịch (nếu là sách dịch), người phiên âm; tên nhà xuất bản hoặc cơ quan được cấp giấy phép xuất bản; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản; họ tên và chức danh của tổng giám đốc hoặc giám đốc chịu trách nhiệm xuất bản; họ tên và chức danh của tổng biên tập chịu trách nhiệm về nội dung và nhiều thông tin khác liên quan đến xuất bản phẩm.

Việc ghi đầy đủ thông tin trên bìa sách là thể hiện sự tôn trọng đối với Nhà xuất bản; sự tôn trọng đối với tác giả, dịch giả; và quan trọng nhất là sự tôn trọng đối với pháp luật Việt Nam mà ở đây là Luật Xuất bản.

Trước những thông tin trên, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản sách.

Ngọc Bảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-cuon-sach-do-bia-cua-cong-ty-dong-a-co-vi-pham-phap-luat-xuat-ban-post417587.html