Những cuốn sách hay về nghề giáo nên đọc dịp 20/11
'Được học', 'Bà đại sứ', 'Tro tàn của Angela'... là những tác phẩm hay về nghề giáo mà độc giả và các thầy cô nên đọc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Được học là tự truyện của TS.Tara Westover (Nguyễn Bích Lan dịch). Tác phẩm kể câu chuyện về cô gái người Mỹ, 17 tuổi mới được tiếp cận nền giáo dục. Nhưng chỉ 10 năm sau, cô đã giành học vị Tiến sĩ tại một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới là Cambridge.
Tác phẩm nói rất nhiều về con đường tự học của Tara Westover, nhưng không quên nhấn mạnh vai trò của những người thầy đã khích lệ cô.
Cuốn sách truyền thông điệp ý nghĩa: Cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân, tự khai sáng và vươn lên, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng trong mỗi chặng đường trưởng thành của học sinh.
Tro tàn của Angelatừng đoạt giải Pulitzer năm 1997, là hồi ký của Frank McCourt - nhà văn người Mỹ gốc Ireland - giáo viên tiêu biểu được cả nước Mỹ kính trọng, giành danh hiệu Nhà giáo của năm.
Tác phẩm hoàn thành dựa trên ký ức thời thơ ấu của tác giả, là những ngày dài sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật, rác rưởi, thiếu thốn bên người cha nghiện rượu. Hồi ký kể về sự trưởng thành của những đứa trẻ, trong đó có ảnh hưởng từ người thầy, điển hình là thầy hiệu trưởng O’Halloran, đồng thời là người “dạy một lúc ba lớp trong cùng một phòng, lớp sáu, lớp bảy và lớp tám” tại ngôi trường mà Frank McCourt theo học.
Bà đại sứđược Lorena A. Hickok viết dựa trên cuộc đời thực và tự truyện Chuyện đời tôi của Helen Keller.
Helen Adams Keller (27/6/1880 - 1/6/1968) là nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành bằng Cử nhân Nghệ thuật của Đại học Harvard. Bà được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20.
Keller trở thành một biểu tượng của tinh thần tự lực phi thường khi suốt đời sống trong thế giới không ánh sáng, chẳng có âm thanh nhưng vẫn cống hiến hết sức lực nhằm đem niềm vui cho người có cùng hoàn cảnh như mình.
Evan Hansen và bức thư tuyệt mệnh dối trá lý giải về tuổi vị thành niên, lời nói dối đẩy đến cái chết đầy rúng động và sự đáng sợ của vấn nạn bắt nạt học đường.
Tự tử, ma túy, bạo lực tâm lý và những trách nhiệm bỏ ngỏ của các bậc phụ huynh, giáo viên không thuộc về số ít hay mình nhân vật chính Evan Hansen, mà dần trở thành tương lai gần kề với bất cứ thanh thiếu niên nào đang từng bước trưởng thành trong một xã hội ngột ngạt và vô cảm.
Tuy câu chuyện bắt đầu từ những lời nói dối, nhưng tình yêu và lòng cảm thông vẫn hiện diện mọi nơi.
Viên ngọc trai vỡ vỏ của Nadia Hashimi là câu chuyện của hai người phụ nữ sống vào hai giai đoạn lịch sử của xã hội Afghanistan. Shekiba - cô gái bị hủy hoại một nửa khuôn mặt, bị trao đi đổi lại trên tay nhiều người; Rahima - cô bé sinh ra trong gia đình năm chị em gái, có người cha nghiện ngập và người mẹ bất lực bị gia đình chồng khinh rẻ.
Lối thoát nào cho những người phụ nữ Afghanistan? Cuốn sách đề cao giáo dục như là một con đường quan trọng nhất giúp phụ nữ vươn tới đích đến tự do.
Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam