Những cuốn sách nghĩ rằng 'vô tội' nhưng lại bị cấm: 'Harry Potter' và còn nhiều nữa
Viết phù thủy chỉ có thể là phụ nữ, cấm. Viết phù thủy cũng có phù thủy tốt, cấm nốt… Có những cuốn sách chẳng viết về phù thủy nhưng độc giả chẳng hiểu vì sao nó bị cấm, cho đến khi đọc bài viết này!
Ngay cả những độc giả không đồng ý với những thông lệ cấm cũng hiểu rằng có những cuốn sách với nội dung nặng nề về bạo lực, tình dục… có thể gây ra những ý kiến trái chiều. Việc phải quyết định xem có nên cấm nó hay không vì có thể ảnh hưởng đến độc giả trẻ là hoàn toàn hiểu được.
Thế nhưng có những cuốn sách bị cấm hoàn toàn bí ẩn, vì nó có vẻ “vô tội”, cho đến khi lý do được “bật mí”!
Phù Thủy Phù Thủy (Roald Dahl)
Tác giả Roald Dahl là một bậc thầy viết sách thiếu nhi, một trong những tác phẩm đình đám nhất của ông là Charlie và Nhà Máy Sô-cô-la. Cuốn Phù Thủy Phù Thủy của ông - tác phẩm đã được dựng thành phim với Anne Hathaway vào vai Phù thủy Tối thượng - nằm trong danh sách bị cấm ở một số thư viện tại Anh vì nhận thức sai lầm. Cụ thể: Roald Dahl viết rằng phù thủy chỉ có thể là phụ nữ, không có thứ gọi là phù thủy nam.
James và Quả Đào Khổng Lồ (Roald Dahl)
Lại một tác phẩm nữa của Roald Dahl bị cấm ở một số thư viện. James và Quả Đào Khổng Lồ kể câu chuyện về một cậu bé rời khỏi nhà, đi du lịch trên quả đào khổng lồ với những người bạn côn trùng. Nó bị cấm vì chứa các yếu tố ma thuật và liên quan đến rượu.
Giết Con Chim Nhại (Harper Lee)
Câu chuyện kinh điển về một gia đình đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ngay trong thị trấn nơi họ đang sống có vẻ là một câu chuyện truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Thế nhưng cuốn sách đã bị một trường học ở Minnesota cấm vì “ngôn ngữ không phù hợp”, được thể hiện qua nhân vật nữ Jean Louise Finch với những lời lẽ mạnh bạo, không né tránh.
Harry Potter (J. K. Rowling)
Rất nhiều độc giả trên khắp thế giới yêu mến bộ truyện Harry Potter của nữ văn sĩ người Anh J. K. Rowling. Câu chuyện về chú bé phù thủy với vết sẹo hình tia chớp là một chuyến phiêu lưu kỳ diệu vào thế giới phép thuật, dạy rằng tình yêu thương là phép thuật mạnh mẽ nhất, đứng lên vì bạn bè mình là việc đúng đắn… Tuy nhiên, một số khác lại thấy bộ truyện bị hoen ố bởi cách miêu tả phép thuật và phù thủy không phù hợp với độc giả theo Cơ đốc giáo, nên nó bị cấm ở một số trường học Công giáo ở Massachusetts.
Đêm thứ mười hai (Shakespeare)
Vở kịch cổ điển kể về một cô gái dạt vào bờ sau một vụ đắm tàu, cải trang thành con trai đã bị cấm trong hệ thống trường học ở New Hampshire bởi quy tắc “Cấm giảng dạy lối sống thay thế”. Nghĩa là giáo viên ở đây bị cấm thảo luận về chủ đề đồng tính trong lớp học.
Shakespeare đã viết trong Đêm Thứ Mười Hai rằng cô gái trẻ Viola trong lúc ăn mặc như một cậu bé, đã đem lòng yêu Công tước Orsino - hành động này được cho là không phù hợp.
Cuốn Theo Chiều Gió (Margaret Mitchell)
Một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất mọi thời đại đã bị cấm bởi một khu học chánh ở California vì cuốn sách miêu tả những người nô lệ ở miền Nam nước Mỹ thời kỳ đầu. Và cũng vì "hành vi vô đạo đức" của nhân vật nữ chính Scarlett O’Hara.
Cô Bé Quàng Khăn Đỏ (Charles Perrault)
Câu chuyện kể về một cô bé trên đường đến nhà bà đã bị lạc đường, gặp một con sói gian ác. Cuốn sách gặp rắc rối ở chiếc giỏ đựng đồ ăn thức uống mang đến cho bà, vì ở trong có… rượu.
Truyện cổ Grimm (Jacob Grimm và Wilhelm Grimm)
Thoạt nghe, cấm truyện cổ tích có vẻ vô lý. Nhưng sự lo lắng của các bậc cha mẹ khi đọc tập truyện cổ tích này lại không gây ngạc nhiên lắm. Bởi trong những phiên bản của tập truyện này, nàng Bạch Tuyết gần như bị giết bởi một chiếc áo nịt ngực và những người em gái kế của Lọ Lem đã cắt bỏ một phần bàn chân của chính họ để cố thử cho vừa giày.
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer (Mark Twain)
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer bị cấm khi các thủ thư nói rằng họ thấy nhân vật Tom Sawyer là một nhân vật chính “đáng nghi” về tư cách đạo đức.
Phù Thủy Xứ Oz (Frank L. Baum)
Câu chuyện kinh điển về xứ Oz huyền bí diệu kỳ bị cấm vì mô tả phù thủy là tốt. Chính là nhân vật Glinda - Phù thủy tốt của phương Nam.
Nhật Ký Anne Frank
Nhật Ký Anne Frank là một trong những cuốn nhật ký nổi tiếng nhất thế giới, do một cô gái gốc Do Thái viết trong thời gian gia đình cô bé trốn Đức quốc xã trong một căn nhà bí mật tại Amsterdam (Hà Lan).
Cuốn sách bị cấm hoặc phải thông qua kiểm duyệt vì một số đoạn Anne sẵn sàng nói về tình dục. Ở lần xuất bản đầu tiên, cha của Anne Frank đã lược bỏ một số đoạn. Nhưng sau đó, chúng đã được khôi phục lại thành ấn bản cuối cùng được xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm. Tại một số trường, các giáo viên sử dụng phiên bản đã được chỉnh sửa của cuốn sách này để học trong lớp thay vì cấm luôn.