Những cuốn sách thiếu nhi từng bị cấm được chuyển thể thành phim

Nhiều tác phẩm thiếu nhi từng bị chỉ trích, bị cấm phát hành nhưng lại gặt hái thành công lớn khi lên phim, theo Filmhounds.

Việc chuyển thể từ sách sang phim đã diễn ra kể từ khi anh em nhà Lumìere phát minh ra điện ảnh hơn một thế kỷ trước. Đạo diễn đầu tiên thực hiện dạng phim chuyển thể là đạo diễn người Pháp Georges Mélìes, người đã cho ra mắt bộ phim thiếu nhi Cinderella đình đám vào năm 1899. Tiếp theo là nhiều bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học khác, từ Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) năm 1940 đến The Godfather (Bố già) năm 1971.

Năm 2023, bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm vị thành niên từng gây tranh cãi Are You There God? It's Me, Margaret đã được ra mắt. Được xuất bản năm 1970, tác phẩm này từng bị cấm nhiều lần vì đề cập thẳng thắn đến tôn giáo và tình dục cũng như bày tỏ hoài nghi với hoạt động tôn giáo có tổ chức.

 Câu chuyện tìm ra niềm tin của cô bé tuổi vị thành niên được đón nhận. Ảnh: Politico.

Câu chuyện tìm ra niềm tin của cô bé tuổi vị thành niên được đón nhận. Ảnh: Politico.

Trong những năm 1980, cuốn sách này thậm chí đã bị xóa khỏi một số thư viện trường học ở Mỹ. Nhân vật chính trong tác phẩm là cô bé Margaret Simon, học sinh lớp 6 chuyển từ thành phố New York đến vùng ngoại ô New Jersey. Ở đây, cô bé phải tìm ra niềm tin của mình giữa một cộng đồng đang bị chia rẽ giữa người Do Thái và Cơ đốc giáo.

Với cách truyền tải có sự điều chỉnh so với bản gốc, bộ phim nhận được sự đón nhận tương đối tích cực từ cả độc giả và giới phê bình. Tuổi dậy thì và một cuộc tìm kiếm tâm linh non trẻ có thể bắt đầu cùng nhau một cách nghiêm túc và đây hóa ra lại là một trong những nét quyến rũ triệt để nhất của bộ phim, tờ The New York Times nhận xét. Còn Times cũng đưa Are You There God? It's Me, Margaret vào danh sách 10 bộ phim xuất sắc năm 2023.

Sau khi đã có rất nhiều tác phẩm chuyển thể thành công và gây tiếng vang lớn, cũng có không ít chỉ trích khi nhiều bộ phim được ra mắt dựa trên những tác phẩm văn học thiếu nhi từng gây tranh cãi.

Tranh cãi chính đáng hay không chính đáng?

Đã có nhiều bộ phim được chuyển thể gây nên những cuộc tranh cãi lớn. Trong thế kỷ trước, bộ phim A Clockwork Orange năm 1971 (được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên ra đời năm 1962) đã vấp phải nhiều chỉ trích vì tính chất bạo lực trong câu chuyện.

Khi bộ phim được chiếu ở Anh, đạo diễn Stanley Kubrick đã yêu cầu rút bộ phim khỏi rạp chiếu sau khi tác phẩm này được cho là đã truyền cảm hứng cho các hành vi bắt chước đầy bạo lực.

Hay bộ phim American Psycho năm 2000 (dựa trên tác phẩm dành cho vị thành niên cùng tên năm 1991) cũng vấp phải chỉ trích vì truyền tải tính bạo lực, kỳ thị người đồng tính và tình dục trên màn ảnh.

Có thể cho rằng những tác phẩm văn học gốc trên có một số yếu tố khiến nó trở thành đề tài gây tranh cãi một cách chính đáng, do có tính chất bạo lực hay kì thị. Tuy nhiên, một số tác phẩm thiếu nhi nhiều giá trị khác không giống như vậy. Những cuốn sách như A Wrinkle In Time, The GiverBridge to Terabithia đã nằm trong danh sách đáng lo ngại tại Mỹ trong nhiều năm về lý do tôn giáo.

 Phim Bridge to Terabithia được đón nhận với doanh thu lớn. Ảnh: Vocal Media.

Phim Bridge to Terabithia được đón nhận với doanh thu lớn. Ảnh: Vocal Media.

Nhưng làn sóng chỉ trích dần thay đổi và khi được chuyển thể thành phim, công chúng hiện đại đã cho thấy góc nhìn mới của họ với những giá trị của tác phẩm gốc. Phim Bridge to Terabithia ra mắt năm 2007, phim The Giver năm 2014 và phim A Wrinkle In Time năm 2018.

Phim Bridge to Terabithia đạt doanh thu gần 140 triệu USD - một con số lý tưởng của một tác phẩm dành cho trẻ em trong khi phim The Giver cũng là một thành công phòng vé, thu về 65 triệu USD sau khi chỉ tốn kinh phí 25 triệu USD.

Câu hỏi về giáo dục trẻ em thông qua phim chuyển thể

Trong khi một số người cho rằng các cuốn sách thiếu nhi từng bị cấm chuyển thể thành phim để trẻ em có thể xem chúng, thì cũng có nhiều tiếng nói khác cho rằng nếu bộ phim chuyển thể được xây dựng tốt, chúng có thể mang đến cơ hội chia sẻ với trẻ em về các chủ đề nhạy cảm và khuyến khích tư duy phản biện.

Ví dụ, trong A Wrinkle in Time, Disney đã chủ động chọn cách giảm nhẹ các chủ đề tôn giáo và nhấn mạnh hơn về những chủ đề như tình yêu, tư duy phản biện và chiến thắng cuối cùng của ánh sáng trước bóng tối. Ngoài ra, dàn diễn viên đa dạng cũng được nhiều khán giả khen ngợi. Tuy nhiên, một mặt trái là việc loại bỏ nhiều khía cạnh đặc sắc đã khiến nội dung của phim có nhiều lỗ hổng và do đó không nhận được sự đón nhận tích cực tại phòng vé.

Có thể thấy dù chất lượng của các bộ phim chuyển thể ra sao thì mỗi khi một tác phẩm văn học thiếu nhi gây tranh cãi được đưa lên màn ảnh, đây là một cơ hội để cả phụ huynh và nhà trường có thể chia sẻ với trẻ em về nội dung tác phẩm gốc, giải quyết những câu hỏi như Tại sao cuốn sách từng bị cấm? Tại sao nội dung phim được điều chỉnh? và từ đó các em có thể học được gì?

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cuon-sach-thieu-nhi-tung-bi-cam-duoc-chuyen-the-thanh-phim-post1476166.html