Những cuốn sách và tháp chuông
Về mặt lịch sử, tâm hồn của một ngôi làng miền bắc nước Nga là nhà thờ và thư viện. Giờ đây, cả hai lâm vào cảnh cực kỳ nguy hiểm.
Một cơn gió lạnh tháng 11 thổi những nắm tuyết ngang qua con đường khi một chiếc xe hơi Lada sendai chở đầy sách và người xóc nảy lên trong hành trình 160km từ thành phố Arkhangelsk thuộc miền bắc nước Nga đến một nhóm các ngôi làng nhỏ, hẻo lánh mà người địa phương gọi bằng cái tên chung Rato-Navolok.
Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình này là làng nhỏ Pogost nằm bên bờ sông Yemtsa và, cụ thể hơn, nhà thờ Nikolskaya hoặc nhà thờ Saint Nicholas bằng gỗ có từ thế kỷ 18 xiêu vẹo. Bị rụng đầu, phủ đầy tuyết, và lệch khỏi nền móng một cách nguy hiểm, tòa nhà vẫn đẹp đang bên bờ vực biến mất mãi mãi.
Bên trong xe hơi, chất đầy những chồng sách, 4 người phụ nữ đang làm nhiệm vụ tự chỉ định để cứu lấy văn hóa miền Viễn Bắc Nga bị đe dọa - bằng cách làm việc để làm chậm lại tình trạng mục nát của di sản kiến trúc bằng gỗ độc đáo của Nga và, đồng thời, bằng cách mang sách cho những thư viện mà chúng là những không gian cộng đồng duy nhất dành cho người dân của khu vực.
“Đây là cách nó từng tồn tại”, Margarita Bayeva, người đứng đầu tổ chức tình nguyện phi chính phủ đặt trụ sở tại Moscow có tên gọi Verenitsa và là người hướng dẫn hành trình, giải thích về trung tâm truyền thống của ngôi làng miền bắc Nga.
“Bạn biết đó, cạnh nhà thờ là thư viện, và người quản lý thư viện thường là người làm việc năng động nhất để bảo vệ toàn bộ văn hóa của ngôi làng”, Bayeva kể. “Đó là nơi câu lạc bộ cộng đồng tọa lạc và là trạm cấp cứu, và ở một nơi nào đó gần đó có người quản lý thư viện và người trông nom nhà thờ”.
“Chúng tôi không thể sống thiếu sách”, cô trần tình, những lời lẽ của cô để lộ sự thật rằng cô là giáo viên văn chương Nga. “Sách làm thành không gian văn hóa chung của chúng tôi. Đất nước của chúng tôi không thể tồn tại mà không có văn hóa đọc”.
Cả hai lý do mà những người tình nguyện Verenitsa đề cập đến rất đáng lo. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2010, khoảng 36.700 ngôi làng ở Nga có 10 hoặc ít hơn 10 cư dân. Ở khu vực Arkhangelsk, số những ngôi làng đông dân giảm từ 24.000 người vào năm 1930 xuống còn chưa đến 13.000 người vào năm 2002. Tỉ lệ sinh đẻ và tình trạng thiếu cơ hội kinh tế ở những ngôi làng hẻo lánh của Nga là những thủ phạm chính đằng sau sự sụt giảm dân số.
Song song đó, di sản kiến trúc bằng gỗ độc đáo của Nga - không chỉ các nhà thờ - thường xuyên bị biến mất - bị bỏ bê, thiên tai, cháy, và đôi khi do sự phát triển vô nguyên tắc. Trong 8.899 địa danh kiến trúc cổ bằng gỗ được các chuyên gia phân loại trên cả nước, chỉ có 8% nhận được sự bảo vệ của liên bang và nhiều địa danh trong số này, sự bảo vệ chỉ mang danh nghĩa.
Vào tháng 8.2018, không dưới 8 ví dụ về kiến trúc bằng gỗ lịch sử đã cháy chỉ trong 1 tháng, bao gồm nhà thờ nổi tiếng thế giới Uspenskaya, hoặc nhà thờ Assumption, gần thành phố Kondopoga, ở Cộng hòa Karelia với phía tây giáp Arkhangelsk.
Hầu hết những hành trình của Verenitsa được thực hiện vào mùa hè, khi thời tiết và những ngày dài tạo điều kiện thuận lợi cho công việc. Nhưng vào những tháng mùa đông, nhóm cử các kiến trúc sư tình nguyện đến để kiểm tra các địa điểm.
Họ chụp hình, vẽ phác họa, đánh giá công trình cần thực hiện. Trong khi đó, những người tình nguyện khác cố gắng đặt lỗ xả nước và che phủ các cửa và cửa sổ để ngăn chặn thiên tai. Mục đích của họ rất khiêm tốn: làm chậm lại tình trạng mục nát của các tòa nhà với hy vọng rằng ngày nào đó, chính phủ, Giáo hội Chính thống giáo Nga, hoặc một vài thiên thần hộ mệnh khác sẽ xuất hiện với tiềm lực kinh tế cần thiết cho một giải pháp lâu dài hơn.
Trong chuyến đi lần này, kiến trúc sư khu vực Moscow Olga Zinina vẽ phác họa và lên danh sách chất liệu cần thiết cho Verenitsa nhằm khôi phục mái của nhà thờ trong mùa hè năm sau.
Đó chỉ là giọt nước trong đại dương. Gần nhà thờ Nikolskaya là nhà thờ bằng gỗ Petropavlovskaya, được đặt theo tên Thánh Peter và Thánh Paul, cũng cần được chăm sóc nhưng những người tình nguyện bỏ qua trong chuyến đi lần này.
“Chúng tôi nghĩ về một số nhà thờ trong nhiều năm nhưng chúng tôi không thể ôm đồm”, Bayeva trình bày. “Mỗi một dự án rất tốn kém - chúng tôi cần một kiến trúc sư và ít nhất một nghệ nhân. Chúng tôi cần mua gỗ và nộp tất cả tài liệu cần thiết”.
“Thật là không phải khi một nhà thờ được cứu vãn và nhà thờ khác thì không”, cô cho biết thêm.
‘Chúng tôi cần cứu những người dân miền bắc’
Bayeva bắt đầu đến miền Viễn Bắc trong những dự án như thế từ những năm 1990.
“Hồi đó, chúng tôi không biết cách tổ chức hoạt động”, cô kể. “Chỉ có một vài người sửa chữa nhà thờ vào những năm 1990 và cuối cùng hoạt động đã tắt ngấm”.
Trong hơn 1 thập niên, Bayeva không đến khu vực. Nhưng vào năm 2009, cô nghe khu phức hợp nhà thờ độc đáo ở ngôi làng Kali thuộc khu vực Arkhangelsk đã bị cháy trụi vào tháng 4.2006.
“Tôi khiếp sợ”, cô nhớ lại. “Tôi nhớ tôi đã đứng đó và khóc nức nở. Tôi hiểu rằng tôi cần quay lại và làm cái gì đó cho kiến trúc bằng gỗ. Tôi liên lạc với hai người bạn và chúng tôi đến và bắt đầu làm việc lặng lẽ”.
Sáng kiến đó đã khiến Bayeva và những người bạn của cô thành lập Verenitsa vào năm 2013.
“Không có ai ngoài các kiến trúc sư và một vài nghệ nhân… được trả lương”, cô giải thích. “Tất cả các chuyến đi đều được lên kế hoạch trong những kỳ nghỉ lễ. Một số người thích đến miền nam trong ngày lễ, nhưng những người tình nguyện của chúng tôi lên đường đến miền bắc. Mỗi năm, số dự án đều tăng”.
Bayeva biết rằng người dân trong khu vực có thể nghi ngờ những người từ nơi khác đến, vì thế, cô cố gắng thiết lập các mối quan hệ với họ và yêu cầu họ cùng làm việc với Verenitsa. “Những người miền bắc có cuộc sống vất vả hơn”, cô kể. “Họ hiếm khi cười, dù họ có phần thân thiện hơn những người Nga khác. Chúng tôi cần giúp đỡ người miền bắc”.
‘Người dân ở đây đọc sách’
Trong khi kiến trúc sư Zinina đang làm việc tại nhà thờ, Bayeva đi về phía ngôi làng Gorka-Rudakovskaya để gặp người quản lý thư viện Valentina Minina. 4 ngày/tuần, 3 tiếng rưỡi/ngày, Minina mở cửa thư viện cho khoảng 100 người sống gần đó. Thư viện là dịch vụ công cộng duy nhất đối với họ.
“Người dân ở đây đọc sách”, cô tâm sự, “không nhiều như chúng tôi muốn, nhưng họ đến đây”.
Thư viện nằm trong một góc của ngôi trường 1 lầu của ngôi làng. Nó chia sẻ không gian với bảo tàng lịch sử địa phương, trưng bày các món đồ tạo tác được khai quật từ những kho và tầng gác mái gần đó cũng do Minina quản lý.
Cô cho biết khoảng 70 - 90 người/năm đến để đọc bộ sưu tập gồm 3.000 cuốn sách của thư viện.
“Chúng tôi không có đủ người”, cô thổ lộ. “Giới trẻ chỉ đến vào những ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ lễ để thăm cha mẹ. Họ đến thư viện nhưng hầu hết chỉ lấy sách cho con cái của họ”.
Minina biết ơn khi nhận sách của 20 trẻ em mà Bayeva đã tập hợp lại cho cô. Cô biết bạn đọc đầu tiên sẽ là một cậu bé địa phương tên Andrei, một người thích đọc sách nhưng không thể đi. Minina sẽ mang những cuốn sách đến tận nhà cho cậu bé.
Bayeva không chỉ trích các nhà chức trách địa phương vì ít hỗ trợ cho các thư viện của khu vực. Cô biết tiền bạc eo hẹp và tất cả những gì họ có thể làm là trả tiền cho những người quản lý thư viện và trang trải chi phí cơ bản.
Trung tâm của cộng đồng
Sau khi Zinina hoàn tất công việc ở nhà thờ Nikolskaya, nhóm di chuyển đến địa điểm tiếp theo, cách đó 11km để đến ngôi làng Zachachye, dân số khoảng 110 người.
Zinina lại làm việc với nhà thờ bằng gỗ địa phương, trong khi Bayeva đưa đồ quyên góp cho thư viện trong ngôi làng Zabolotye bên cạnh.
Lidia Panina quản lý thư viện ở Zabolotye trong 40 năm. Bà cũng điều hành bảo tàng lịch sử địa phương. Panina cho biết thư viện phục vụ khoảng 500 người trong những ngôi làng gần đó và tiếp khoảng 180 người/năm, hầu hết là người về hưu. “Thời gian gần đây, những người về hưu đọc sách về những ngày xa xưa”, bà chia sẻ. “Họ thích lịch sử. Chúng tôi không thấy nhiều đàn ông, nhưng phụ nữ đến và họ thích những câu chuyện trinh thám và lãng mạn”.
Tuy nhiên, thư viện Zabolotye là trung tâm của cộng đồng. Kể từ năm 1993, một câu lạc bộ phụ nữ đã tập hợp phụ nữ thường xuyên và tổ chức các chương trình đọc sách và âm nhạc. Năm 2015, một số người địa phương thành lập đội đồng ca ở đó.
“Thư viện là tất cả đối với một ngôi làng”, Panina bộc bạch. “Người ta có thể đến đâu nữa để nói chuyện? Một số người đến để đọc sách, và một số người chỉ đến để tán gẫu”.
Đối với ít người trẻ trong khu vực, thư viện rất quan trọng. “Chúng tôi làm việc với trẻ em thuộc những gia đình nghèo”, những người quản lý thư viện trình bày. “Chúng tôi cung cấp các hoạt động mùa hè cho các em khi chúng nghỉ học. Tất cả điều này phụ thuộc vào thư viện. Mùa hè năm nay, các em đến đây sửa chữa những cuốn sách hỏng”.
Hiện tại, Verenitsa cung cấp những cuốn sách được tặng cho khoảng 200 thư viện trên toàn miền bắc của Nga, mang đến khoảng 3.000 cuốn sách/tháng cho khu vực.
Trớ trêu thay, Bayeva nhớ lại, mối quan tâm của cô đến miền Viễn Bắc bắt nguồn từ những cuốn sách mà cô nhận được khi còn nhỏ từ khu vực.
“Cha tôi làm việc ở miền bắc”, cô nói. “Ông làm về những bộ phim ở Karelia… và ông mang những cuốn sách ở miền bắc về nhà. Nhà văn Liên Xô Yury Kazakov luôn có trên kệ sách của chúng tôi. Chị tôi và tôi lớn lên với Northern Diary (Nhật ký phương bắc) của ông ấy.
“Chúng tôi chỉ biết rằng ở đâu đó có vùng đất kỳ diệu này với những đêm trắng, con người hiền lành, những nhà thờ đá, và một nỗi buồn khó hiểu”, cô kể thêm. “Chúng tôi chỉ không biết nó ở đâu”.
Mê Linh (theo RFERL)