Những cựu binh bảo vệ rừng thiêng
Trong thời chiến, những con người ấy dành hết tuổi thanh xuân của mình để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất, đường biên. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục trông coi những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt, cũng là nơi đồng đội họ đã ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những cựu binh tại rừng B58 - một căn cứ quân sự thuộc chiến khu D trước đây tại tỉnh Bình Phước.
Bài 1: Rừng che bộ đội…
“Chúng tôi, ai cũng nằm lòng câu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Khu rừng có biết bao máu đồng đội, hài cốt họ còn nằm nơi đây, nếu không bảo vệ được rừng là có tội với người ngã xuống, với các thế hệ mai sau...” – nữ cựu binh Nguyễn Thị Hồng Tươi nói.
Nữ cựu binh giữ rừng
Từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi dọc theo quốc lộ 13 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Từ đây, xuôi theo đường tỉnh 753 chừng 30 cây số, xuyên giữa những vườn cao su, vạt điều xanh ngút tầm mắt, là đến khu rừng B58.
Để vào khu rừng nguyên sinh được các cựu chiến binh ngày đêm trông coi phải rẽ tiếp vào đường mòn.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi dọc con đường nhỏ dẫn vào cánh rừng. Anh bạn đồng nghiệp phải dừng xe hạ kính mũ bảo hiểm và khoác thêm áo choàng để chống từng đàn muỗi dày đặc. Vượt chừng 2 cây số thì gặp chốt bảo vệ rừng. Sau tấm biển Công ty B58 kia là cánh rừng nguyên sinh mà chúng tôi đang tìm.
Đón chúng tôi là một phụ nữ đã lớn tuổi với nụ cười đôn hậu. Bà là Nguyễn Thị Hồng Tươi, Cựu chiến binh, Phó giám đốc Công ty B58. Vừa rót nước mời khách, bà vừa nói: “Nước được lấy từ suối, hãm với nấm quý của rừng nguyên sinh nên rất sạch, có tác dụng giải độc gan đấy” - bà Tươi đon đả.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chiến khu D giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của toàn bộ chiến trường miền Nam. Hiện tại, nơi đây vẫn còn dấu tích của các khu bệnh viện dã chiến, hầm và hào giao thông bí mật của bộ đội giải phóng.
Bà Tươi bắt đầu câu chuyện về khu rừng nguyên sinh này. Rừng B58 là tên gọi mới, trước rừng có tên là rừng Mã Đà. Khu rừng thuộc tiểu khu 379, những năm chiến tranh đây là căn cứ cách mạng, trụ sở của Bộ tư lệnh miền Đông Nam bộ, thuộc chiến khu D. Với địa thế hiểm trở bởi vậy Khu ủy đã quyết định xây dựng căng cứ, cất giấu quân, lương tại khu rừng này.
Với địa thế lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía trước là khu vực đồng bằng đông dân cư và khu đô thị lớn, Chiến khu D trở thành vị trí án ngữ chiến lược, cầu nối liên kết với các chiến trường. “Trong kháng chiến, đây là một địa điểm quan trọng để liên lạc, tiếp nối, tích trữ, dừng chân từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam” - bà Tươi cho biết.
Đấy là câu chuyện của những năm kháng chiến. Khi non sông thu về một mối, chiến tranh lùi xa, những cựu binh ấy bắt tay ngay vào cuộc chiến mới: Cuộc chiến bảo vệ và giữ rừng. “Bắt đầu mọi việc chỉ với ý tưởng nhỏ thôi, muốn giữ rừng, bảo tồn di sản còn sót lại sau chiến tranh để con cháu mình biết đến như một minh chứng lịch sử thôi” - bà Tươi chia sẻ.
Cựu chiến binh Đoàn Thanh Hoa, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng huyện Đồng Phú, hiện là thành viên bảo vệ khu rừng này cho biết, ông nhập ngũ vào những năm 1964, chiến đấu và từng giữ chức vụ Chính trị viên đại đội.
“Khi nghỉ hưu, tôi thấy, việc bảo vệ chăm sóc rừng cũng là một trong những công việc cần làm nên quyết định tham gia làm thành viên bảo vệ rừng. Vừa vui với bạn bè vừa níu giữ những mảnh rừng đang như miếng mồi ngon của lâm tặc. Cũng là nghĩa cử tri ân với những đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu, hi sinh còn nằm đâu đó trong khu rừng này” - ông Hoa tâm sự.
Giữ màu xanh để lập địa chỉ đỏ
Bắt tay vào công việc mới thấy hết những khó khăn vất vả của những cựu binh bảo vệ và phát triển rừng. Những năm 2008, khi nạn phá rừng, lấn chiếm trái phép diễn ra nghiêm trọng tại các khu vực được giao khoán. Nhận thấy tình hình rừng ngày càng bị lâm tặc xâm hại, Trưởng ban liên lạc Truyền thống Khối tình báo B58 Đặng Thắng đã giao cho bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (lúc đó, nữ cựu chiến binh này đang giữ chức Trưởng văn phòng đại diện Khối tình báo B58 tại Bình Phước) chịu trách nhiệm giám sát, trực tiếp công tác quản lý bảo vệ rừng và đất rừng. “Với trọng trách này, chúng tôi phải chịu trách nhiệm về nguồn vốn, tổ chức điều hành bảo vệ thực hiện triển khai các dự án. Đặc biệt, phải có kế hoạch cho lực lượng bảo vệ, kiểm tra, đẩy lùi nạn phá và vận chuyển lâm sản trái phép ra khỏi rừng”, bà Tươi nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ.
Nói về những ngày đầu được giao giữ rừng Mã Đà, bà Tươi cho biết: “Chúng tôi từng tham gia kháng chiến, ai cũng thuộc nằm lòng câu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Khu rừng có biết bao máu của đồng đội, hài cốt họ còn nằm ở đây, nếu không bảo vệ được rừng là có tội với họ, có lỗi với lịch sử, với các thế hệ sau”.
Khó khăn, thử thách trong khoanh nuôi, quản lý rừng bằng nguồn tài chính của mình chỉ là một phần nhỏ, giữ rừng khỏi rơi vào tay lâm tặc khó hơn nhiều.
Việc giữ rừng thoát khỏi những tranh đoạt quyền quản lý để “xẻ thịt” rừng Chiến khu D quả là công việc vô cùng gian nan.
Những tán rừng xum xuê, những thân cây cổ thụ tỏa bóng, bên gốc cây Kơ nia với đường kính cả chục người ôm, chúng tôi được ông Đoàn Thanh Hoa dẫn vào vùng lõi của khu rừng. Ở đó có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng, liệt sỹ. Địa chỉ đỏ đã hình thành trong cánh rừng xanh…
(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-cuu-binh-bao-ve-rung-thieng-1429236.tpo