Những cựu chiến binh giữ rừng ở Huy Hạ
Hơn 20 năm trôi qua, những cựu chiến binh ở bản Nà Lò 2, xã Huy Hạ (Phù Yên) trường kỳ với cuộc chiến gìn giữ màu xanh cho những cánh rừng và tích cực vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn.
Góp sức cho rừng thêm xanh
Về xã Huy Hạ, chúng tôi được nhiều người kể câu chuyện về những cựu chiến binh suốt 20 năm qua chung sức canh giữ cho những cánh rừng trên địa bàn luôn xanh tốt. Ông Hà Văn Điếm, Chi hội trưởng Chi hội CCB bản Nà Lò 2, có nước da nâu sạm bởi nắng gió và giọng nói trầm ấm, câu chuyện của ông đưa chúng tôi về thời gian của những năm cuối thế kỷ XX. Nguyên là những người lính ở những đơn vị khác nhau, từng tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, như Tây Nguyên, Sài Gòn và nước bạn Lào. Năm 1987 - 1989, ông Điếm cùng một số đồng đội xuất ngũ trở về địa phương. Khi đó, cuộc sống của những hội viên CCB còn nhiều khó khăn, phải bươn chải lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Năm 1999, khi có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, ông Điếm đã cùng các hội viên Chi hội CCB bản Nà Lò 2 thống nhất nhận hơn 170 ha rừng thuộc 5 bản: Nà Lò 1, Nà Lò 2, Nà Lò 3, Nà Lìu 1,2 để khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ.
Ông Điếm cho biết: Hiện nay, Chi hội có 29 hội viên, tuổi từ 50 đến 75, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của người lính, hội viên CCB chúng tôi mong muốn được góp sức giữ rừng, ở đây tình đồng chí, đồng đội lại được phát huy. Chính tình yêu với núi rừng, bởi rừng đã gắn bó với chúng tôi suốt những năm tháng ở chiến trường, mà mỗi lần đi tuần rừng, ai cũng đều vui vẻ, phấn khởi, như được sống lại những ngày tháng gian khó mà hào hùng trong quân ngũ.
Những cuộc “hành quân giữ rừng”
Đúng hẹn, hơn 7 giờ sáng, những hội viên của Chi hội Cựu chiến binh bản Nà Lò 2 đã có mặt đông đủ, chuẩn bị tuần tra bảo vệ rừng, mà họ vẫn hay nói vui với nhau là những cuộc “hành quân giữ rừng”. Những người lính chân chất với bộ quần áo bộ đội đã bạc màu, chiếc mũ cối, dao phát giắt bên hông, không quên đem theo chiếc bình tông đựng nước đá mát lạnh... Chuẩn bị xuất phát, ông Điếm bảo: Mỗi ngày, tổ phân công 2 hội viên đi tuần quanh khu vực rừng được giao khoán, một tháng, Chi hội lại phát động một chuyến “hành quân” tập thể để phát dọn thực bì, kết hợp tuần tra bảo vệ rừng và tuyên truyền, vận động bà con tham gia quản lý bảo vệ rừng. Cứ đến lịch phân công là chúng tôi đi tuần tra rừng bất kể ngày mưa hay nắng, trừ khi ốm đau thì mới nhờ người khác đi thay. Những ngày đi đường dài, phải ngủ qua đêm trong rừng thì phải mang theo cả võng, đèn pin, cơm nắm... Kết thúc mỗi chuyến tuần rừng, các hội viên CCB trở về báo cáo, bàn giao công việc, ký nhận sổ cẩn thận, đúng tác phong người lính.
Cùng những CCB đi bộ theo con đường bê tông của bản dẫn vào khu vực vách núi gần bìa rừng, sau khoảng 10 phút, trước mắt chúng tôi hiện ra con đường mòn dốc ngược, lổng chổng toàn đá. Đã quen, những CCB leo lên không khó khăn gì, mọi người trong đoàn luôn nhắc nhau cẩn thận tránh những tảng đá tai mèo sắc nhọn có thể đâm rách da thịt. Leo hết dốc đá và qua những đoạn đường đất ngoằn nghèo, ngược theo các sườn đồi, những cánh rừng xanh ngút ngàn hiện ra. Tiến vào khu rừng, ông Điếm kể: Ngày chúng tôi nhận giao khoán, hầu hết nơi đây là đất nương, đồi trọc, những cánh rừng nguyên sinh gần như không còn. Thời điểm đó, thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg (năm 1998) của Thủ tướng chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chi hội được hỗ trợ giống cây và tiến hành trồng dặm hơn 40 ha rừng keo, thông, lát. Đồng thời, thực hiện kế hoạch khoanh nuôi, tái sinh toàn bộ diện tích rừng. Đến nay, toàn bộ khu đất nương, đồi trọc đã được phủ xanh; diện tích rừng trồng mới phát triển xanh tốt với nhiều cây đã cao từ 5 - 10 mét, đường kính từ 30 - 40 cm.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng, nhất là công tác PCCC, vào tháng 2, tháng 3 hằng năm, Chi hội tổ chức ra quân làm đường băng cản lửa. Hiện, toàn bộ khu vực giáp ranh với các bản Nà Lò 1 và Nà Lò 3 đã được làm đường băng cản lửa. Cùng với đó, Chi hội hướng dẫn, nhắc nhở những gia đình có nương giáp ranh với rừng chấp hành tốt quy định về sản xuất nương rẫy; tổ chức các tổ tuần tra, ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây cháy rừng, kịp thời phát hiện và xử lý các đám cháy. Nhờ đó, 20 năm qua, không có vụ cháy lớn xảy ra trong khu vực rừng do Chi hội nhận khoanh nuôi, bảo vệ.
Vận động nhân dân bảo vệ rừng
Hơn 20 năm bảo vệ rừng, không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi, những CCB phải đối mặt với những khó khăn, nhất là trước những phản ứng, thái độ không hợp tác của những đối tượng khai thác rừng trái phép. Dừng chân tại một điểm chốt canh gác, CCB Đinh Anh Thức kể: Ngày trước, tình trạng bà con tự ý vào rừng chặt cây lấy gỗ diễn ra một thời gian dài, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng hầu như không có kết quả. Sau nhiều lần bàn bạc rút kinh nghiệm, chúng tôi hiểu ra muốn nói dân nghe, trước hết phải nắm được tâm tư nguyện vọng của họ. Khi ấy, bà con quan niệm rừng là của chung, cây cối có sẵn và không của riêng ai, nên khi cần gỗ, củi là lên rừng khai thác. Người thì lấy gỗ về dựng nhà cửa, làm chuồng trại chăn nuôi, người thì đốn cây về làm củi... Nhiều lí do, nhưng chung quy lại là nhận thức của bà con còn hạn chế, không biết những việc mình làm vi phạm pháp luật. Từ ấy, Chi hội đã phân công mỗi hội viên phụ trách một nhóm dân cư, đến từng nhà tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, giải thích cho bà con hiểu. “Mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của bà con ngày một nâng lên, không còn tự ý chặt phá rừng nữa, công tác khoanh nuôi phát triển rừng thêm thuận lợi. Hằng năm, từ số tiền 20-30 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng, ngoài việc mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng, Chi hội đã trích quỹ để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, động viên các cháu học sinh nghèo vượt khó, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa các bản khu vực gần rừng. Nhờ đó, công việc của các người lính giữ rừng được bà con ủng hộ và ngày càng thuận lợi. Không chỉ hội viên trong Chi hội, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ cùng nhiều người dân trong vùng cũng hăng hái tham gia hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khi những cánh rừng đã xanh trở lại, thì tình trạng săn bắt thú rừng, chim muông và khai thác lâm sản trái phép lại diễn ra. Qua theo dõi, tìm hiểu, những CCB phát hiện các đối tượng chủ yếu là người ở nơi khác đến, săn bắt trong đêm và rời đi vào sáng sớm hôm sau. Chi hội đã báo với chính quyền xã, kiểm lâm phụ trách địa bàn, phối hợp với lực lượng công an xã, các tổ chức đoàn tăng cường tuần tra, thu giữ các loại vũ khí tự chế và ngăn chặn kịp thời những hành vi săn bắt thú rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Chia tay các cựu chiến binh ở Huy Hạ, những cánh rừng xanh ngút ngàn, đọng lại trong tôi là hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ với quyết tâm ngày đêm góp sức mình gìn giữ cho những cánh rừng thêm xanh mãi.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-cuu-chien-binh-giu-rung-o-huy-ha-24450