Những cựu chiến binh xung kích trên trận tuyến mới
Sau những năm tháng chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc, trở về cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh (CCB) vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', trở thành những người tiên phong, gương mẫu trên mặt trận mơímặt trận phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Cán bộ, hội viên Hội CCB xã Khánh Cường (Yên Khánh) thăm mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao của CCB Bùi Xuân Áng
Nỗ lực vươn lên
CCB Bùi Xuân Áng, ở xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh từng tham gia nhiều chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương, bắt tay vào phát triển kinh tế.
Ông Áng chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả ở các địa phương lân cận, tôi bàn với gia đình và quyết định đào ao thả cá, nuôi lợn, gà trên diện tích 1.000 m2 đất. Đến năm 2014, khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới, tôi tiếp tục thuê thêm đất 313 và mở rộng mô hình chăn nuôi tổng hợp lên 3.600m2 ”.
Hiện gia đình ông Áng có 7 con lợn nái, 40 con lợn thịt; 20 đàn ong; 300 m2 nuôi ốc nhồi và 700 m2 ao nuôi cá truyền thống. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm có thu nhập từ 500-600 triệu đồng. Nhờ phát triển kinh tế, gia đình ông trở thành hộ khá ở địa phương, có điều kiện xây nhà khang trang, kiên cố, sắm sửa đầy đủ thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Mô hình của ông Áng được nhiều hội viên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào Hội, sẵn sàng đóng góp, giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Sau 7 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Trung Tây Nguyên và Đông Nam bộ, CCB Trương Ngọc Thận, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 61%. Dù mang trên mình những thương tích của chiến tranh, nhưng ông luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế” và kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Với mong muốn khôi phục và phát triển nghề truyền thống của quê hương, năm 1993, ông bắt đầu khởi nghiệp với nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ cói.
Nhờ sự chăm chỉ và hiệu quả kinh tế từng bước được khẳng định, ông mạnh dạn mở rộng sản xuất, thuê thêm mặt bằng và tuyển nhân công. Năm 1999, ông thành lập Công ty TNHH Vina Ngọc Sơn với doanh số ban đầu 40 triệu đồng/năm, đến năm 2024, doanh thu Công ty chạm mốc gần 90 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4,3 tỷ đồng.
Hiện Công ty tạo việc làm ổn định cho gần 60 lao động địa phương với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/ tháng. Các sản phẩm thủ công của Công ty đã vươn ra thị trường quốc tế như Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức…
Ông Thận chia sẻ: “Để có được thành quả hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân và gia đình, tôi còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Hội CCB các cấp qua các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất”.
Nhân rộng những mô hình CCB làm kinh tế giỏi
Trong những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã và đang trở thành một trong những phong trào tiêu biểu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp Hội CCB trên địa bàn tỉnh.
Để phong trào đạt hiệu quả thiết thực, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã chủ động bám sát các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống và tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Riêng trong năm 2024, các cấp Hội đã tổ chức 19 lớp tập huấn cho trên 1.400 lượt hội viên, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý và vận hành mô hình sản xuất. Hội cũng nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 760 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 15.000 hộ hội viên vay vốn.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” được triển khai sâu rộng, giúp hội viên khó khăn được vay không tính lãi hoặc với mức lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ đồng bộ, thiết thực, đến nay toàn tỉnh có 130 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã (HTX), 48 tổ hợp tác, 298 trang trại, 2.660 gia trại và hơn 2.700 hộ sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ.
Những mô hình này không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho hơn 32.000 lao động tại địa phương. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của các CCB trên mặt trận phát triển kinh tế thời bình.
Đồng chí Lê Đình Cược, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh chia sẻ: “Phát huy truyền thống cách mạng, tiếp nối truyền thống vẻ vang của “Bộ đội cụ Hồ”, các thế hệ CCB trong tỉnh luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức mình cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, trên mặt trận kinh tế, hội viên CCB của tỉnh không chỉ tích cực học hỏi, nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả mà còn chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đáng quý hơn, nhiều hội viên không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn luôn sẵn lòng hỗ trợ về vốn, ngày công, kỹ thuật, cây, con giống để cùng nhau phát triển, giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống”.
Trong thời gian tới, các cấp Hội CCB trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Cùng với đó, Hội cũng tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, vận động ủng hộ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, gắn việc phát triển kinh tế với thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống hội viên. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh.